2 tháng 12, 2017

"Nắng ấm" nơi xóm chài Máy Chai

Cách đây ít năm, với 21 hộ (hơn 100 khẩu) ở xóm chài khu vực cống Máy Chai (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền), cuộc sống đói nghèo, cực khổ gắn liền với con đò cắm sào bên những bờ lạch sình lầy của sông Cấm, thì việc trẻ em được đến trường tưởng như đơn sơ, giản dị vẫn là khát vọng nhiều đời của ngư dân. Khát vọng ấy da diết, mạnh mẽ…Giờ đây, ước mơ ấy trở thành hiện thực. Làng chài trên bờ với những mái nhà tôn nho nhỏ thay con thuyền mỏng manh, hiện hữu, đặc biệt, trẻ em làng chài được cắp sách đến trường. Với họ, đây như phép màu. Và người mang “phép màu” đến với người dân nơi đây là Trung tá Ngô Minh Tuệ, Đội trưởng Phân đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ (Công an thành phố).

Với người dân xóm chài, cái được lớn nhất là con cái họ "Được đi học, biết chữ".
Anh Tuệ nhớ lại năm 2005, khi được phân công làm trinh sát khu vực này, nhận thấy cuộc sống người dân xóm chài bấp bênh “ăn bữa trưa, lo bữa chiều”, nhất là trẻ em không được đến trường, anh phối hợp chính quyền địa phương vận động đưa các hộ thuyền chài lên bờ. Năm 2012, hình hài con đường bê-tông dài 100 mét và làng chài trên bờ với những mái nhà tôn nho nhỏ thay cho con thuyền mỏng manh, dần hiện hữu. 


Trong số hơn 100 khẩu của 21 hộ ngày đó, hơn chục trẻ trong độ tuổi được lên bờ đi học. Để cho bọn trẻ được đi học cũng không phải là điều dễ dàng. Anh phải làm hồ sơ xin xác nhận hộ nghèo cho các gia đình, rồi vận động trường học để cho trẻ tới lớp. Việc làm của anh khiến người dân thay đổi hẳn nhận thức. Từ chỗ không coi trọng việc học hành, đến giờ, các gia đình đều mong cho con được đi học, đặc biệt có 2 cháu đỗ đại học, niềm vui ấy khiến nhiều người dân làng chài rơi nước mắt. 


Em Bùi Thị Mai Phương (học sinh đang đứng) học lớp 5E5 Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Ngô Quyền) là một trong số rất nhiều trẻ em xóm chài được đến trường học. Em Phương chia sẻ, cháu phấn đấu học thật giỏi, để bố mẹ vui mừng, tự hào. Sau này có công việc ổn định, em sẽ kiếm thật nhiều tiền dựng căn nhà khang trang bố mẹ em.

Nhiều gia đình mong “an cư, lạc nghiệp”, để con cái có điều kiện ổn định để tới trường, tới lớp chứ cuộc sống sông nước nhiều khi các cháu chịu thiệt thòi nhiều lắm”.
 
 (Trung Kiên - báo Hải Phòng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét