14 tháng 12, 2017

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Theo danh mục các làng nghề tính đến nay, thành phố Hải Phòng có 39 làng nghề với nhiều loại hình nghề khác nhau, bao gồm 18 làng nghề được công nhận và 21 làng nghề chưa được công nhận. Trong những năm gần đây, tình trạng hoạt động làng nghề có nhiều biến động, có làng nghề hiện đã không còn hoạt động hoặc chỉ còn rất ít hộ hoạt động. Kết quả rà soát gần đây cho thấy hoạt động của các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

Hoạt động… tự phát?!

Theo báo cáo của ngành chức năng thì các quận, huyện có làng nghề chưa có báo cáo cụ thể về việc lập quy hoạch, rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn. Cũng tại văn bản của Sở Tài nguyên-Môi trường báo cáo UBND TP thì công tác này còn nhiều bất cập, đặc biệt với các làng nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như làng nghề đúc, cơ khí Mỹ Đồng, hay các làng nghề sản xuất đồ mộc, vật liệu xây dựng, tái chế phế liệu, làm bún, bánh đa…

Mặc dù các địa phương đang “nóng” Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại địa phương, song chưa làm rõ các nội dung lồng ghép công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Đối với các vấn đề liên quan đến làng nghề các địa phương mới chỉ tập trung vào việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn của làng nghề, khơi thông cống rãnh thoát nước?!

Cũng theo phản ánh của ngành chức năng, hiện huyện An Dương có 1 làng nghề đã có hồ sơ môi trường, quận Kiến An năm 2016 đã cấp 2 Kế hoạch bảo vệ môi trường, 3 đề án bảo vệ môi trường cho các cơ sở tại làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh.

Qua kiểm tra, các quận, huyện có chỉ đạo triển khai nhưng chưa quyết liệt, vì vậy đến nay, phần lớn cơ sở sản xuất tại các làng nghề chưa có hồ sơ về môi trường. Hầu hết các cơ sở chưa thực hiện quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và quan trắc môi trường đúng quy định, việc xả nước thải, khí thải không qua xử lý còn phổ biến.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa xác định cụ thể, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm hoặc các công đoạn gây ô nhiễm của cơ sở để có kế hoạch di dời ra khỏi làng nghề. Một trong các lý do là việc quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, các khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường hiện còn nhiều khó khăn, bất cập


Thấp thỏm lo… sự cố?!
Trên địa bàn thành phố có 2 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là Làng nghề Đúc, cơ khí Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên và Làng Tái chế phế liệu Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An. Hai làng nghề này đã được Trung ương đưa vào danh sách thực hiện dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề.

Cụ thể, làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh đang thực hiện xây dựng các hạng mục hạ tầng môi trường, dự kiến hoàn thành Quý 4 năm 2016, tuy nhiên đến nay mới đạt giá trị khối lượng xây lắp khoảng 67 % giá trị gói thầu (47 tỷ đồng). Đến thời điểm cuối năm 2016, ngân sách Trung ương mới bố trí cho dự án số kinh phí 43.200 triệu đồng, tương đương 36% tổng mức đầu tư, vì vậy vẫn còn nhiều hạng mục, hạ tầng môi trường chưa hoàn thành.

Đối với làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, đã có dự án đầu tư trình UBND TP xem xét từ năm 2015, tuy nhiên do có thay đổi về các hạng mục đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư nên các Sở, ngành đã thẩm định và đang trình UBND TP xem xét, phê duyệt dự án với quy mô vốn đầu tư trên 81 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương. Do các bất cập nói trên, nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được việc xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại 2 làng nghề này?!

Thực tế, hàng năm các địa phương có tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề trên địa bàn, song công tác này không thường xuyên, ở phạm vi hẹp và còn ít hiệu quả. Trong khi đó, việc kiểm tra, khắc phục, giám sát khắc phục các vi phạm sau kiểm tra đối với các cơ sở còn nhiều thiếu sót và mang tính chất hình thức. Việc xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường chưa nghiêm.

Từ thực trạng của các làng nghề, Sở Tài nguyên-Môi trường đã đề xuất UBND TP không cho phép thành lập mới các cơ sở không được khuyến khích phát triển tại làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, hộ sản xuất tại các làng nghề.

Bên cạnh đó, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó ưu tiên  xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Đồng thời, tyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường làng nghề; tổ chức các hoạt động khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…
(Kim Oanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét