22 tháng 5, 2019

Vào sân “đòi xử” trọng tài, trợ lý CLB Hải Phòng bị phạt nặng


Trợ lý Ngô Anh Tuấn của CLB Hải Phòng vừa bị Ban Kỷ luật VFF phạt 15 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ 3 trận do có những lời lẽ xúc phạm trọng tài Hoàng Ngọc Hà ở vòng 10 V.League 2019.

Chiều 22.5, Ban Kỷ luật VFF đã đưa ra những án phạt đối với những sai phạm sau vòng 10 V.League 2019, trong đó nổi bật nhất chính là việc trợ lý Ngô Anh Tuấn của CLB Hải Phòng bị phạt số tiền 15 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ 3 trận đấu.

Nguyên nhân là do sau trận đấu với Thanh Hóa, trợ lý của HLV Trương Việt Hoàng đã lao vào sân có những lời lẽ đe dọa trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà.


Trước đó, trận hòa 2-2 giữa Hải Phòng và Thanh Hóa diễn ra vô cùng căng thẳng. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà đã rút ra đến 8 thẻ vàng dành cho 2 đội, trong đó có 2 thẻ vàng dành cho hậu vệ Hữu Phúc của đội chủ nhà.

Việc phải chơi thiếu người ở những phút cuối trận khiến cho BHL đội bóng đất Cảng bức xúc và trợ lý Ngô Anh Tuấn đã không giữ được bình tĩnh và lao vào sân xúc phạm trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà, ngay sau khi trận đấu kết thúc.

Ngoài án phạt trên, Ban Kỷ luật VFF còn phạt BTC trận đấu của CLB Hải Phòng số tiền 25 triệu đồng do để khán giả có hành vi ném chai nước xuống sân và có những lời lẽ thô tục xúc phạm trọng tài. Đây là trận đấu CĐV đất Cảng để lại ấn tượng không tốt  "dàn đồng ca" chửi bậy.

ĐÌNH THẢO

21 tháng 5, 2019

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại? - Giới dân chủ nói gì?

Hội nghị Trung ương 10, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/05/2019 tại Hà Nội. Trong tuần qua, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã bình luận về các diễn biến xoay quanh hội nghị, chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề, là tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giá trị của chiến dịch chống tham nhũng, và vấn đề thay đổi chủ trương, đường lối đặt ra trong hội nghị.


Chủ đề thứ nhất, là tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đặc biệt quan tâm. Từ khóa “Nguyễn Phú Trọng” đứng thứ hai trong số những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google vào ngày 14/05/2019, khi Tổng Bí thư xuất hiện trở lại trên truyền hình sau 1 tháng dưỡng bệnh. Quan điểm của dư luận phi chính thống về sự kiện này phân hóa theo nhiều hướng khác nhau.

Về câu hỏi thứ nhất, là Tổng Bí thư đã bình phục chưa, hầu hết giới chống đối tuyên truyền rằng bức ảnh mà AFP mua lại của Thông Tấn Xã Việt Nam, cho thấy Tổng Bí thư ngồi họp trên ghế có dây an toàn, là bằng chứng cho thấy Tổng Bí thư vẫn chưa khỏe, vì vậy nội bộ Đảng và Nhà nước vẫn đang rối ren. Trong khi đó, David Brown và Carlyle Thayer nói với BBC rằng qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lại trước và trong Hội nghị 10, có thể thấy truyền thông Việt Nam đang muốn khẳng định rằng Tổng Bí thư “vẫn đang kiểm soát, lãnh đạo Đảng và Nhà nước như bình thường”, và “Đảng sẽ không rơi vào vòng xoáy đấu đá nội bộ trong những tháng dẫn tới Đại hội Đảng 13 sắp đến”. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng những hình ảnh này chưa đủ thuyết phục để cho thấy Tổng Bí thư đã “hoàn toàn khỏe lại” để “đảm bảo có chuyển đổi êm đềm cho các lãnh đạo mới chia sẻ viễn kiến của ông”.

Về câu hỏi thứ hai, là nên có thái độ gì trước diễn biến sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hầu hết giới chống đối cực đoan tiếp tục tỏ thái độ hả hê. Họ tuyên truyền rằng việc Tổng Bí thư ốm sẽ “gây hỗn loạn trong Đảng Cộng sản”, vì vậy “có lợi cho chuyển đổi dân chủ”. Trong khi đó, một phần khá lớn dư luận trung lập, gồm cả dư luận của người Việt Nam ở nước ngoài, thì thể hiện thiện cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chúc ông bình phục. Họ bình luận rằng nếu người khác lên lãnh đạo thì đất nước sẽ “còn nát hơn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả thực không khỏe vào tháng trước, như thông tin mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cung cấp. Dù vậy, sự xuất hiện của ông đã phủ nhận một loạt tin giả mà giới  “dân chửi” từng đưa – như tin ông đã mất, hoặc “bị méo mồm”, hoặc “bị liệt”… Sau vụ này, độc giả nên thận trọng hơn mỗi khi đọc báo “lề trái”.

Bên cạnh đó, diễn biến sức khỏe của Chủ tịch nước có khiến hoạt động của Nhà nước Việt Nam bị ngưng trệ hay không? Trong thực tế, bộ máy Nhà nước vẫn vận hành ổn định trong suốt 1 tháng qua, EVFTA vẫn được ký vào tháng 6, và chiến dịch chống tham nhũng thậm chí còn gia tăng tốc độ. Ngoài ra, trái với dự đoán của giới “dân chửi” hồi tháng trước, cả Trung Quốc lẫn những nhóm biểu tình, bạo động đều đã không thể “thừa nước đục thả câu” trước diễn biến sức khỏe của Tổng Bí thư. Như vậy, dường như giới “dân chửi” đang dấy lên dư luận về một vấn đề không có thật, để có cớ tiếp tục chửi bới và giải ngân, nhằm giữ cho guồng máy của chính họ không bị ngưng trệ trong những ngày bế tắc.

Sóng truyền thông này cũng cho thấy giới “dân chửi” khá rảnh và ác. Rảnh, vì họ đặt trọn hy vọng vào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay vì vào những “minh chủ” của chính họ như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn  Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Hữu Vinh… Ác, vì họ luôn mong ước bộ máy chính trị của Việt Nam rời vào hỗn loạn, bất kể những hậu quả có thể xảy đến với đất nước và người dân. Những biểu hiện này khiến chúng tôi xem giới “dân chửi” như những kẻ cơ hội và phá hoại, không khác gì đám quan tham mà họ công kích.

18 tháng 5, 2019

GS Nguyễn Minh Thuyết: THẦY CÔ ĐÃ BỊ TƯỚC HẾT CẢ 2 LOẠI "VŨ KHÍ"

"Tôi không đồng tình việc thầy cô đánh học trò, nhưng phải nhìn một cách toàn diện"

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng "việc thầy cô đánh trò, dĩ nhiên tôi không đồng tình, nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích xem vì sao một số thầy cô mất kiểm soát bản thân như vậy.".


Trước nhiều sự việc xảy ra trong ngành giáo dục như cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp, cô giáo đánh học sinh vì viết bài chậm và những câu chuyện xung quanh học đường, tình thầy trò, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

- Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc trước những hành động của giáo viên với học sinh như cô giáo bắt học sinh quỳ, tát học sinh chỉ vì viết bài chậm,… Xin giáo sư cho biết quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết tôi xin nói rằng, ở thời nào và nước nào cũng có hành vi không phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo, chứ không phải điều đó chỉ có ở Việt Nam và bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân có ấn tượng là vì các hành vi này xuất hiện dày đặc hơn một phần do internet phát triển. 

Khi có bất kỳ việc gì xảy ra, người ta nhanh chóng đưa lên mạng xã hội và dư luận chỉ cần như thế đã vô cùng bức xúc, ném đá vào những người bị cho là có hành vi không phù hợp.

Cá nhân tôi không đồng tình với việc đánh học trò. Giáo dục học sinh, thầy cô phải làm gương, phải kiên trì và phải có tình thương, có tính nhân văn. Bạo lực không thể làm các em tốt lên.

Các thầy cô có hành vi bạo lực hình như không đọc báo, không thường xuyên sinh hoạt nghiệp vụ để có kỹ năng ứng xử trước những tình huống như trên.

- Có nhiều giáo viên họ cho rằng mình nóng tính, quen tay đánh học sinh. Vậy phải làm thế nào để môi trường sư phạm không còn roi vọt, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, những người có khuynh hướng bạo lực không nên làm trong ngành sư phạm. Tuyển sinh ngành này nếu chỉ bằng bài thi trên giấy thì rất khó chọn người chính xác. Tôi cho rằng tuyển sinh sư phạm cần bổ sung hình thức phỏng vấn bên cạnh thi viết để đánh giá được lòng yêu trẻ, yêu nghề, tính mô phạm của thí sinh bởi vì dạy học không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống như nhiều nghề khác.


Hình ảnh nữ giáo viên tát và đánh tới tấp vào đầu học sinh ở Trường Tiểu học Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) xảy ra vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Phương thức đào tạo sư phạm cũng cần thay đổi. Giáo sinh chỉ nên học 50% thời gian ở trường đại học, còn lại phải học và thực hành trong môi trường phổ thông để hiểu biết nghề nghiệp, làm quen với tình huống sư phạm và học cách giải quyết những tình huống có thể gặp trong nghề giáo.

Ngoài ra, các trường phổ thông nên tăng cường thông tin, bồi dưỡng hiểu biết pháp luật cho thầy cô, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm để thầy cô có cách xử sự đúng đắn.

- Trẻ em bây giờ không chỉ là "búp trên cành" mà còn là vàng, là ngọc trong các gia đình. Để bảo vệ con cái mình, nhiều bậc cha mẹ không biết đúng sai nên hễ thầy cô dạy gì “quá” là đến trường lớp làm ầm ĩ, thậm chí tấn công lại thầy, cô giáo của con mình. Theo ông, đây có thực sự là một cách giám sát giáo dục hay chỉ là cách làm cho học sinh không còn sợ thầy, cô nữa?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thời nay, phương tiện thông tin đại chúng nhạy bén, đặc biệt mạng xã hội phát triển, tin tức đưa lên nhanh, không hề bị kiểm duyệt. Nhiều thông tin không được kiểm chứng hoặc được tuyên truyền theo ý chủ quan, thậm chí có động cơ không trong sáng. 

Tôi cho rằng báo chí và bất kể ai đưa thông tin gì lên mạng cũng cần có trách nhiệm với tin, bài của mình, cần kiểm tra tính xác thực của thông tin và đưa tin với động cơ đúng đắn. Bởi vì những hình ảnh méo mó về giáo dục, về thầy cô và về người lớn nói chung đưa trên mạng xã hội hay trên báo chí sẽ có thể làm cho thế hệ trẻ nhìn thầy, cô, nhìn người lớn với cái nhìn rất tiêu cực, từ đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của các em. Điều này cũng giống như trong nhà, mẹ nói xấu bố, bố đánh mẹ thì cha mẹ không thể dạy được con cái nên người.

Thay vì đưa lên mạng xã hội để câu kéo sự chú ý của dư luận và báo chí thì người có thông tin nên gửi đến các cơ quan chức năng để xử lý. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm xử lý kịp thời chuyện xảy ra để người dân thấy sự công bằng xã hội, từ đó tin tưởng vào công lý và có cách xử lý đúng đắn hơn, không cần nhờ đến sự can thiệp của mạng xã hội.

Việc giáo viên đánh học sinh, dĩ nhiên tôi không đồng tình, nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích xem vì sao một số thầy, cô mất kiểm soát bản thân như vậy. Ở nhà, mình dạy con, cháu chỉ 2, 3 đứa, có lúc mình còn muốn “khùng” lên. Huống chi nhiều thầy cô giáo chịu áp lực của công việc, hằng ngày phải cai quản, dạy dỗ tới 50 – 60 học trò hiếu động, có lúc họ không giữ được bình tĩnh.

Vì vậy, khi giáo viên sai, phụ huynh nên gặp gỡ thầy, cô, bình tĩnh trao đổi. Xử sự như vậy, chắc chắn người có hành vi sai trái sẽ nhận ra lỗi của mình. 

Còn việc cô bắt học sinh quỳ là cô sai. Học sinh không quỳ mà bỏ đi, học sinh cũng sai. Phụ huynh lại lấy lý do con mình bỏ ra ngoài không học được bài để tố cô trên mạng thì phụ huynh càng sai. Cách xử sự đúng đắn là gặp cô giáo, hỏi cho rõ ngọn ngành. Nếu cô sai thì bình tĩnh chỉ ra cái sai của cô. Cô không chịu tiếp thu thì đã có ban giám hiệu nhà trường giải quyết. Trên ban giám hiệu còn có phòng giáo dục, sở giáo dục, ủy ban nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Việc phụ huynh xông vào trường làm nhục thầy cô hay bôi xấu thầy cô trên mạng, phụ huynh có thể thỏa mãn được cái tức nhất thời nhưng sẽ làm con mình hư. Hậu quả có thể nhìn thấy ngay. Chắc chắn đó không phải là sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong giáo dục và cách làm đó khó đào tạo được những người công dân tương lai chững chạc, nghiêm túc, nhân văn. Khi các con không nghe lời thầy cô, hay không trọng thầy cô nữa thì coi như hết cách dạy.

- Thực tế như giáo sư nói ở trên, thời nào cũng có chuyện thầy véo tai, gõ thước kẻ vào tay học sinh nhưng tình thầy trò vẫn được nể trọng. Nhưng bây giờ thì ngược lại, theo giáo sư, vì sao lại như thế? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thầy cô trước đây có 2 loại “vũ khí” là điểm số và kỷ luật, nhưng giờ đây cả 2 loại vũ khí đều bị "tước" hết rồi. 

Trước đây, học trò hư, học kém, nhà trường sẵn sàng cho lưu ban, thậm chí có lớp lưu ban cả chục học sinh, nhưng nay thì không. Một phần là do bệnh thành tích, còn một phần nữa là do bây giờ người đi học ở cấp học nào cũng rất đông. Ở Hà Nội, mỗi lớp học trung bình có 60 học sinh, nếu cho lưu ban thì không có chỗ cho các em lớp sau học nữa nên khó có thể để học sinh lưu ban.

Ngày xưa, nhà trường đuổi học 2, 3 ngày, học sinh rất sợ nhưng giờ thì không. Nếu bị đuổi học, họ đã có công cụ là internet và dư luận gây áp lực cho nhà trường. Và nhiều trường bây giờ loay hoay không biết xử lý thế nào. 

Trước đây, chuyện học sinh bị đánh cũng là bình thường, phụ huynh không có ý kiến gì. Nhưng đó là một phương pháp dạy học sai lầm và là hành vi vi phạm pháp luật, cần được chấm dứt.

Tôi hết sức bất bình với hành vi bạo lực của một số thầy cô nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhìn vấn đề một cách toàn diện, tìm hiểu kỹ trước khi kết tội bất kỳ ai, nhất là đối với những người đang thay chúng ta dạy dỗ con em chúng ta.

Vâng, xin cảm ơn giáo sư!

Phương Thúy

Sự cuồng tín tâm linh - Hệ quả nhãn tiền

Niềm tin mù quáng và sự cuồng tín tâm linh khiến tâm hồn của nhiều người bị mê muội dẫn đến những hành vi lệch lạc, thậm chí phạm tội 1 cách man rợ.

Cuối năm 2018 tại xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án mạng giết người. Đối tượng là Trần Thị Thêm đã giết chính hàng xóm của mình. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận do mê tín dị đoan nên giết người để thế mạng.


Cách đây không lâu, năm 2017, vụ án bà nội sát hại cháu ruột 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa từng gây xôn xao dư luận. Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng được thầy bói phán “cháu gái bà là yêu nghiệt trong gia đình, nếu cháu gái sống thì bà sẽ tử vong và ngược lại”. Tin lời thầy bói, bà đã sát hại chính cháu nội của mình và dựng lên màn kịch bắt cóc trẻ em.

Cuồng tín và tin vào sức mạnh của một thế giới vô hình khiến nhiều người vẫn đang đánh cược tiền bạc, hạnh phúc, tính mạng của mình. Thậm chí sức mạnh của thánh thần, quỷ dữ còn được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội để lôi kéo những kẻ nhẹ dạ cả tin.

Những ngày gần đây, vụ án 4 người phụ nữ ở tỉnh Bình Dương, được cho là theo Pháp luân công giết 2 đồng môn của mình rồi phi tang trong thùng nhựa đổ bê tông gây rúng động dư luận cả nước. Nguyên nhân ban đầu được xác định do, trong quá trình tu tập quá khắc nghiệt nên 1 nạn nhân bỏ trốn bị ngã và tử vong. Nạn nhân còn lại bị chính người đồng môn của mình mua kích điện về kích cho nạn nhân bất tỉnh sau đó dùng dây dù siết cổ nạn nhân cho đến chết.

Trong câu chuyện ở Bình Dương, Đại tá PGS-TS, chuyên gia tâm lý Tội phạm học Bộ Công an Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, dù có bất kỳ lý do gì cũng không biện minh được hành vi giết người. Bởi, không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác. Đấy là điều Hiến định, đó là quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Cho nên, dù hành vi đó họ cho là niềm tin tôn giáo, hoặc ma quỷ nhập hồn để giết người, thì đó chính hành vi phạm tội, và hành vi đó cần bị lên án và xử lý.

Đại tá, Phó Giáo sư Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn.
“Chúng ta cũng phải thấy rằng, không thể lấy lý do tôn giáo mà không có tôn giáo nào ở đây cho phép Giết người. Chính những người tham gia vụ án, vụ việc này họ tự biết rằng, họ đang có động cơ, mục đích gì? Điều đó, đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ”- PGS, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.

Nhìn ở góc độ tâm lý tội phạm, theo PGS, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, trước hết chúng ta phải thấy rằng niềm tin mơ hồ của Tôn giáo có sức mạnh ghê ghớm nó dẫn dắt con người ta vào những hành vi đôi khi vô thức. Bên cạnh đó, giữa niềm tin tôn giáo với hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi Giết người hoàn toàn khác nhau. Nếu nói rằng những người thực hiện hành vi giết người đó không ý thức được hành vi của mình thì điều đó không đúng. Vì vậy, chúng ta thấy rằng tâm lý diễn ra ở đây là “họ biết hành vi đó không được phép, man rợ và cần được trừng trị nhưng vì có những động cơ, mục đích riêng và họ che giấu mục đích đó nên họ lấy cớ là do Tôn giáo. Bởi, trong nhóm đó, có những người muốn làm thủ lĩnh, họ muốn lôi kéo nhiều người khác vì hành vi vụ lợi hoặc vì động cơ nào đó thì họ sẵn sàng làm việc đó”.

Về lý do vì sao hiện nay còn rất nhiều người tin vào thế lực siêu nhiên, ảnh hưởng cuộc sống, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, đó là do nhận thức còn rất hạn chế về mặt xã hội, thiếu kiến thức, đặc biệt là kiến thức về hoa học, kiến thức về xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng họ bị mê muội, bị dẫn dắt bởi những thông tin mơ hồ và lừa bịp. Chính vì đó, họ bị lôi kéo tham gia nhưng giáo phái lạ.

Thực tế, trong những năm vừa qua, lợi dụng tôn giáo, nhiều tà đạo xuất hiện làm cho những người dân, nhất là người hạn chế về nhận thức mu muội nghe theo. Đặc biệt, trong những lúc tâm trạng có nhiều xáo động do vướng bận công việc, sức khỏe, gia đình,...nghe theo giáo phái lạ người ta dễ có những hành động bộc phát, vi phạm phạm pháp luật

Về vấn đề này, PGS, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn cho biết, chính sách Nhà nước rất rộng mở và tiến bộ trong các vấn đề về tự do tín ngưỡng và các tôn giáo được tôn trọng hành nghề. Nhưng những hành của những giáo phái không chính thống, có hiện tượng bất thường và không mang lại lợi ích cho xã hội thì chúng ta cần phải cảnh giác. Điều quan trọng nhất, chúng ta cần có niềm tin tích cực trong cuộc sống và nhận biết để hành động theo đúng pháp luật và tôn trọng những giá trị con người tôn trọng đạo đức xã hội. Qua đó, hạn chế được những điều mu muội, bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch, có thể phương hại đến tính mạng, tài sản./.

15 tháng 5, 2019

Về sức khỏe của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng và những trò lố của đám rận chủ

Ngày 14/5/2019, Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt sau tròn một tháng điều trị sức khỏe, được báo chí đăng tải rộng rãi. Việc TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng khỏe mạnh trở lại làm việc là câu trả lời thuyết phục nhất cho lòng mong mỏi của người dân cả nước về tình hình sức khỏe của TBT, CTN trong thời gian vừa qua. Không những vậy, đó còn là câu trả lời xác đáng nhất, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, số rận chủ trong và ngoài nước.

          Một tháng vì lý do sức khỏe TBT, CTN không xuất hiện trước công luận, cũng chính là dịp truyền thông rận chủ được phen “phóng bút”. Kể từ khi xuất hiện thông tin về tình hình sức khỏe của TBT, CTN, trên các trang mạng phản động, facebook cá nhân của những rận chủ được cho là “thính tin” như Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy... thường xuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin xuyên tạc về tình hình sức khỏe của TBT, CTN, theo chiều hướng là “rất nguy kịch, khó có thể qua được”.


Không những vậy, các rận chủ còn thi nhau “cào bàn phím”, có không ít bài viết bịa đặt về tình hình chính trị, đấu đá nội bộ trong “chiến dịch đốt lò” của TBT, CTN; cố tình lồng ghép việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng các cấp trong thời gian tới; không ngừng đòi công khai về tình hình sức khỏe của TBT, CTN... Không những vậy, ngày 11/5/2019 rận chủ Nguyễn Văn Đài (Hội AEDC) còn giật hẳn tin hót, trích dẫn thông tin được cho là bị rò rỉ từ Ban bảo vệ sức khỏe TW thông tin TBT, CTN đã “chết 2/3 não” không còn khả năng hồi phục. Rận chủ Mai Phương Thảo thì thông tin TBT, CTN bị “méo mồm, nói ngọng”... cùng hàng loạt những thông tin xuyên tạc, thất thiệt, bịa đặt khác, tạo sự hoài nghi trong dư luận xã hội, đồng thời để câu view, kiếm tiền bồi bút... Đáng buồn thay cho những rận chủ này, trước càng tuyên truyền bố láo bao nhiêu thì bây giờ lại càng bẽ mặt bấy nhiêu.
Mất mặt trong việc tuyên truyền về sức khỏe của TBT, CTN, giới rận chủ cố “giữ thể diện” bằng cách tiếp tục quay ra soi xét đến từng “chân tơ kẽ tóc” về nét mặt, thần thái, hay đến cả dây đai của ghế ngồi, chiếc đồng hồ đeo tay của TBT, CTN...

          Có thể thấy việc đưa những thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn là chủ đề mà các thế lực phản động, rận chủ quan tâm. Tuy nhiên, qua sự việc lần nay, thêm một nữa để minh chứng những thông tin mà những bè lũ phản động, rận chủ vẫn luôn tuyên truyền chỉ là những tin vịt mà thôi.

11 tháng 5, 2019

Các điểm trông xe lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng thi nhau ‘chặt chém’ khách

Tối 10/5, Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng – Điểm đến thành công” được tổ chức tại quảng trường Nhà hát thành phố, sự kiến chính của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2019 và kỷ niệm 64 năm ngày Hải Phòng giải phóng.

Theo ghi nhận của PV VTC News, trước khi khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng, xuất hiện nhiều địa điểm trông giữ xe tự phát trên các tuyến phố gần nơi diễn ra sự kiện.

Nhiều điểm trông giữ xe có tình trạng tăng giá 20.000 - 30.000 đ/xe. 
Điều đáng nói, các điểm trông giữ xe này đánh vào tâm lý người dân đến xem Lễ hội, không gửi nhanh sẽ hết chỗ nên đều đội giá lên tới 20.000 đồng/xe/lượt. Thời gian trông tới 23h trong ngày.


Mức giá đó không khó để tìm thấy tại một số điểm trông xe trên đường Lương Khánh Thiện, Trần Phú (quận Ngô Quyền), đường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng)… Thậm chí, một điểm gửi xe trên đường Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng) còn có giá 30.000 đồng/xe/lượt.

Theo tiết lộ của một người ghi vé xe, ngày thường giá vé “niêm yết” 10.000 đồng/xe/lượt. Nhưng để phục vụ người đi xem Lễ hội, giá vé phải cao hơn. Nếu như người dân giật mình với mức giá đó thì họ cho rằng, 20.000 đồng trong khi diễn ra Lễ hội đã là… ưu tiên hơn nhiều.

“Hôm nay không có chỗ mà để xe đâu, chúng tôi 10 người mới có được khoảng diện tích nhỏ để trông xe”, một người ghi vé cho biết.

Thậm chí, trên đường Lương Khánh Thiện, để người dân tiện gửi, không phải hỏi giá hay có những sự lựa chọn chỗ gửi sáng suốt, họ công khai giá vé đã được đồng nhất trong ngày.

Trong khi đó, tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng ban hành ngày 3/11/2017 về việc Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe trên thành phố có nêu rõ: Đối với xe máy (bao gồm cả xe máy điện), giá dịch vụ trông ban ngày (từ 6h đến 18h) là 5.000 đồng/xe/lượt; giá dịch vụ trông ban đêm (từ 18h đến 6h) là 6.000 đồng/xe/lượt; giá dịch vụ trông cả ngày và đêm là 8.000 đồng/xe/lượt.

Sáng 11/5, thông tin với PV VTC News, bà Hoàng Thị Nhẫn - Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết, các điểm gửi xe có tình trạng tăng giá vé như trên là các điểm tự phát của các hộ dân.

Đây cũng không phải năm đầu tiên diễn ra tình trạng này. UBND quận sau khi nắm bắt tình hình đã cử người kiểm tra, nhắc nhở. Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, lượng người tập trung về khu vực Nhà hát lớn đông, khi có người kiểm tra các điểm trông xe trên thực hiện đúng quy định nhưng sau đó sự việc vẫn tiếp diễn.

Về giá vé gửi xe, bà Nhẫn cho hay, giá này đã được UBND TP Hải Phòng quy định rõ tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND.

Cũng liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng) tiếp nhận phản ánh của báo chí và sẽ cử cán bộ kiểm tra.

5 tháng 5, 2019

Vụ án Đoàn Thị Hương diễn ra khi ngày 13-2-2017, tại ga sân bay quốc tế của Kuala Lumpur (Malaysia), hai nữ nghi phạm là Đoàn Thị Hương và Siti Aisah (người Indonesia) bị cho là đã tấn công ông Kim Chol, một công dân Triều Tiên bằng chất độc khiến cho nạn nhân tử vong. Trong suốt thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc về vụ án này.


Họ liên hệ cái chết của ông Kim Chol là bản chất của chế độ, quy kết chính phủ, nhà nước Việt Nam bỏ rơi, không quan tâm đến công dân nước mình khi có khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý ở nước ngoài.

Phiên toà xét xử Đoàn Thị Hương qua nhiều thủ tục pháp lý và diễn ra nhiều phiên khác nhau. Lần đầu tiên, ngày 1-3-2017, Đoàn Thị Hương bị phiên tòa sơ thẩm ở Sepang, bang Selangor cáo buộc phạm tội giết người và có thể bị tử hình. Cơ quan điều tra Malaysia công bố kết quả pháp y cho thấy ông Kim Chol tử vong do bị đầu độc bằng chất độc VX, một hóa chất bị Liên hợp quốc liệt vào vũ khí hóa học giết người hàng loạt.

Sau đó, vào ngày 16-8-2018, tòa án cấp cao Malaysia tuyên bố đã thu thập đủ bằng chứng về việc bị cáo Đoàn Thị Hương cùng Siti Aisyah và 4 nghi phạm khác người Triều Tiên đã tham gia “một âm mưu được lên kế hoạch kỹ lưỡng” nhằm sát hại ông Kim Chol.

Tiếp theo đó, ngày 11-3-2019, tại phiên tòa cấp cao Shah Alam ở Kuala Lumpur, các công tố viên đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti theo mục 254 Luật Hình sự nước này và đã được thẩm phán chấp nhận. Nghi can Siti Aisyah được thả tự do. Đặc biệt, ngày 1-4-2019, tòa thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor (Malaysia) tuyên mức án 3 năm 4 tháng tù giam đối với Đoàn Thị Hương.

Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tội danh cố ý gây thương tích bằng “các phương tiện nguy hiểm”, thay vì tội danh giết người trước đây. Quyết định hủy cáo trạng giết người đối với Hương được công tố viên đưa ra sau khi nhận được đơn yêu cầu của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia và đoàn luật sư bào chữa cho Hương. Luật sư của Đoàn Thị Hương cho biết, cô sẽ được trả tự do vào tháng 5 tới.

Vụ án Đoàn Thị Hương đã dần khép lại. Với phán quyết của toà vừa rồi, công luận đánh giá là phù hợp, công bằng với tính chất vụ án. Tuy nhiên thời gian vừa qua, lợi dụng vào vụ án này, nhiều người có những quan điểm sai lệch, thậm chí cố tình xuyên tạc trên nhiều khía cạnh.

Lợi dụng nhằm mục đích chính trị, trên mạng xã hội và nhiều tờ báo, trang mạng, blog tiếng Việt ở hải ngoại cho rằng, vụ án Kim Chol là thể hiện bản chất chế độ độc tài, phê phán chế độ cộng sản chủ nghĩa nói chung và chế độ xã hội XHCN ở Việt Nam nói riêng.

Linh mục P quy kết, đả kích chế độ khi cho rằng: “Bạn chỉ là nạn nhân của chế độ cộng sản, trong một vụ án chính trị mà ngay cả chính quyền Việt Nam đã và sẽ sẵn sàng hy sinh công dân của mình vì chế độ Bắc Hàn đồng chí của họ”.

Một công dân đã bình luận ngay sau phát biểu của ông P rằng: “Thật nực cười cho một sự suy diễn và quy kết không có cơ sở, thiếu hiểu biết của linh mục này. Thực tế, giới chức Triều Tiên cũng chưa từng thừa nhận nạn nhân có liên hệ đến ông Kim Jong-un. Được biết, quan hệ Việt Nam - Triều Tiên đang tiến triển tốt sau chuyến làm việc của ông Kim Jong-un tại Việt Nam”.

Cùng với sự kiện diễn biến của phiên toà, ngày 11-3-2019, tại phiên tòa cấp cao Shah Alam ở Kuala Lumpur, các công tố viên đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti theo mục 254, luật hình sự và đã được thẩm phán chấp nhận.

Nghi can Siti Aisyah được thả tự do, trong khi đó Đoàn Thị Hương vẫn bị giữ nguyên cáo trạng. Căn cứ vào kết quả này, nhiều người cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã bỏ rơi, không quan tâm, thờ ơ và không có những động thái để giúp đỡ công dân nước mình.

Trên các trang báo hải ngoại và mạng xã hội Fecebook lan truyền nhiều bài viết với nội dung quy chụp công kích: Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bỏ mặc sự sống chết của công dân; những lúc đó đại sứ quán Việt Nam ở đâu mà không thuê nổi một luật sư cho Hương, để toà án Malaysia phải chỉ định…
Có kẻ giả vờ tỏ an ủi: “Thật tội cho Hương một mình nơi đất khách quê người, không người thân, không bạn bè, đây là lúc em cần nhất là sự che chở, bảo vệ của cơ quan đại diện ở nước ngoài thì Đại sứ quán đã bỏ rơi em?”.

Ngày 1-4-2019, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa án Malaysia đối với công dân Đoàn Thị Hương, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng nêu rõ: “Ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp bảo hộ công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và sớm được trả tự do”.

Có thể thấy, quá trình hỗ trợ những thủ tục pháp lý và triển khai những biện pháp bảo hộ cho công dân Đoàn Thị Hương là những nỗ lực không ngừng nghỉ, khẩn trương, toàn diện, liên tục và kịp thời. Ngay sau khi hết thời gian 14 ngày giam giữ đầu tiên, ngày 2-3-2017, đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với gia đình công dân Đoàn Thị Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Trước các phiên tòa diễn ra, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và các cơ quan hữu quan Việt Nam đã tích cực phối hợp với các luật sư trong việc chuẩn bị, hỗ trợ cho công dân Đoàn Thị Hương trong các phiên tranh tụng và biện hộ nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cô.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức cả đội ngũ chuyên gia làm việc với cơ quan chức năng, thu thập và trao đổi chứng cứ với luật sư người Malaysia để định hướng bảo vệ cho Đoàn Thị Hương.

Phán quyết của Tòa thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor (Malaysia) ngày 1-4-2019 tuyên mức án 3 năm 4 tháng tù giam đối với Đoàn Thị Hương là một trong những kết quả quan trọng quá trình nỗ lực của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện mọi biện pháp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, đảm bảo bản án công bằng, khách quan và sớm được trả tự do. Đồng thời, đây là quá trình phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của Chính phủ và cơ quan hữu quan nước bạn Malaysia trong quá trình giải quyết vụ việc.

Sau phiên tòa sáng 1-4-2019, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cảm ơn chính phủ Malaysia, Tổng chưởng lý và công tố viên Malaysia về phán quyết đối với Hương. Đại sứ cũng nhấn mạnh Đoàn Thị Hương là một nạn nhân trong vụ án, giống như công dân Indonesia Siti Aisyah.
Kết thúc phiên tòa, Đoàn Thị Hương và ông Đoàn Văn Thạnh (bố đẻ) đã cho biết rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các cơ quan hữu quan của Việt Nam, cũng như các luật sư đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho Đoàn Thị Hương.

Rõ ràng, việc vin cớ vụ án Đoàn Thị Hương để bôi nhọ bản chất của chế độ là sự liên hệ phi lý, vô căn cứ; cố tình suy diễn sự “thiếu trách nhiệm”, “bỏ rơi”, “thờ ơ” của Chính phủ, cơ quan hữu quan với công dân Đoàn Thị Hương là sự quy chụp lọc lừa dối trá dư luận. Âm mưu của chúng hòng xuyên tạc, làm lung lạc, xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, xuyên tạc chính sách, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận nỗ lực của Nhà Nước đối người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.