5 tháng 5, 2019

Vụ án Đoàn Thị Hương diễn ra khi ngày 13-2-2017, tại ga sân bay quốc tế của Kuala Lumpur (Malaysia), hai nữ nghi phạm là Đoàn Thị Hương và Siti Aisah (người Indonesia) bị cho là đã tấn công ông Kim Chol, một công dân Triều Tiên bằng chất độc khiến cho nạn nhân tử vong. Trong suốt thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc về vụ án này.


Họ liên hệ cái chết của ông Kim Chol là bản chất của chế độ, quy kết chính phủ, nhà nước Việt Nam bỏ rơi, không quan tâm đến công dân nước mình khi có khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý ở nước ngoài.

Phiên toà xét xử Đoàn Thị Hương qua nhiều thủ tục pháp lý và diễn ra nhiều phiên khác nhau. Lần đầu tiên, ngày 1-3-2017, Đoàn Thị Hương bị phiên tòa sơ thẩm ở Sepang, bang Selangor cáo buộc phạm tội giết người và có thể bị tử hình. Cơ quan điều tra Malaysia công bố kết quả pháp y cho thấy ông Kim Chol tử vong do bị đầu độc bằng chất độc VX, một hóa chất bị Liên hợp quốc liệt vào vũ khí hóa học giết người hàng loạt.

Sau đó, vào ngày 16-8-2018, tòa án cấp cao Malaysia tuyên bố đã thu thập đủ bằng chứng về việc bị cáo Đoàn Thị Hương cùng Siti Aisyah và 4 nghi phạm khác người Triều Tiên đã tham gia “một âm mưu được lên kế hoạch kỹ lưỡng” nhằm sát hại ông Kim Chol.

Tiếp theo đó, ngày 11-3-2019, tại phiên tòa cấp cao Shah Alam ở Kuala Lumpur, các công tố viên đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti theo mục 254 Luật Hình sự nước này và đã được thẩm phán chấp nhận. Nghi can Siti Aisyah được thả tự do. Đặc biệt, ngày 1-4-2019, tòa thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor (Malaysia) tuyên mức án 3 năm 4 tháng tù giam đối với Đoàn Thị Hương.

Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tội danh cố ý gây thương tích bằng “các phương tiện nguy hiểm”, thay vì tội danh giết người trước đây. Quyết định hủy cáo trạng giết người đối với Hương được công tố viên đưa ra sau khi nhận được đơn yêu cầu của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia và đoàn luật sư bào chữa cho Hương. Luật sư của Đoàn Thị Hương cho biết, cô sẽ được trả tự do vào tháng 5 tới.

Vụ án Đoàn Thị Hương đã dần khép lại. Với phán quyết của toà vừa rồi, công luận đánh giá là phù hợp, công bằng với tính chất vụ án. Tuy nhiên thời gian vừa qua, lợi dụng vào vụ án này, nhiều người có những quan điểm sai lệch, thậm chí cố tình xuyên tạc trên nhiều khía cạnh.

Lợi dụng nhằm mục đích chính trị, trên mạng xã hội và nhiều tờ báo, trang mạng, blog tiếng Việt ở hải ngoại cho rằng, vụ án Kim Chol là thể hiện bản chất chế độ độc tài, phê phán chế độ cộng sản chủ nghĩa nói chung và chế độ xã hội XHCN ở Việt Nam nói riêng.

Linh mục P quy kết, đả kích chế độ khi cho rằng: “Bạn chỉ là nạn nhân của chế độ cộng sản, trong một vụ án chính trị mà ngay cả chính quyền Việt Nam đã và sẽ sẵn sàng hy sinh công dân của mình vì chế độ Bắc Hàn đồng chí của họ”.

Một công dân đã bình luận ngay sau phát biểu của ông P rằng: “Thật nực cười cho một sự suy diễn và quy kết không có cơ sở, thiếu hiểu biết của linh mục này. Thực tế, giới chức Triều Tiên cũng chưa từng thừa nhận nạn nhân có liên hệ đến ông Kim Jong-un. Được biết, quan hệ Việt Nam - Triều Tiên đang tiến triển tốt sau chuyến làm việc của ông Kim Jong-un tại Việt Nam”.

Cùng với sự kiện diễn biến của phiên toà, ngày 11-3-2019, tại phiên tòa cấp cao Shah Alam ở Kuala Lumpur, các công tố viên đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti theo mục 254, luật hình sự và đã được thẩm phán chấp nhận.

Nghi can Siti Aisyah được thả tự do, trong khi đó Đoàn Thị Hương vẫn bị giữ nguyên cáo trạng. Căn cứ vào kết quả này, nhiều người cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã bỏ rơi, không quan tâm, thờ ơ và không có những động thái để giúp đỡ công dân nước mình.

Trên các trang báo hải ngoại và mạng xã hội Fecebook lan truyền nhiều bài viết với nội dung quy chụp công kích: Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bỏ mặc sự sống chết của công dân; những lúc đó đại sứ quán Việt Nam ở đâu mà không thuê nổi một luật sư cho Hương, để toà án Malaysia phải chỉ định…
Có kẻ giả vờ tỏ an ủi: “Thật tội cho Hương một mình nơi đất khách quê người, không người thân, không bạn bè, đây là lúc em cần nhất là sự che chở, bảo vệ của cơ quan đại diện ở nước ngoài thì Đại sứ quán đã bỏ rơi em?”.

Ngày 1-4-2019, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa án Malaysia đối với công dân Đoàn Thị Hương, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng nêu rõ: “Ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp bảo hộ công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và sớm được trả tự do”.

Có thể thấy, quá trình hỗ trợ những thủ tục pháp lý và triển khai những biện pháp bảo hộ cho công dân Đoàn Thị Hương là những nỗ lực không ngừng nghỉ, khẩn trương, toàn diện, liên tục và kịp thời. Ngay sau khi hết thời gian 14 ngày giam giữ đầu tiên, ngày 2-3-2017, đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với gia đình công dân Đoàn Thị Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Trước các phiên tòa diễn ra, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và các cơ quan hữu quan Việt Nam đã tích cực phối hợp với các luật sư trong việc chuẩn bị, hỗ trợ cho công dân Đoàn Thị Hương trong các phiên tranh tụng và biện hộ nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cô.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức cả đội ngũ chuyên gia làm việc với cơ quan chức năng, thu thập và trao đổi chứng cứ với luật sư người Malaysia để định hướng bảo vệ cho Đoàn Thị Hương.

Phán quyết của Tòa thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor (Malaysia) ngày 1-4-2019 tuyên mức án 3 năm 4 tháng tù giam đối với Đoàn Thị Hương là một trong những kết quả quan trọng quá trình nỗ lực của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện mọi biện pháp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, đảm bảo bản án công bằng, khách quan và sớm được trả tự do. Đồng thời, đây là quá trình phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của Chính phủ và cơ quan hữu quan nước bạn Malaysia trong quá trình giải quyết vụ việc.

Sau phiên tòa sáng 1-4-2019, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cảm ơn chính phủ Malaysia, Tổng chưởng lý và công tố viên Malaysia về phán quyết đối với Hương. Đại sứ cũng nhấn mạnh Đoàn Thị Hương là một nạn nhân trong vụ án, giống như công dân Indonesia Siti Aisyah.
Kết thúc phiên tòa, Đoàn Thị Hương và ông Đoàn Văn Thạnh (bố đẻ) đã cho biết rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các cơ quan hữu quan của Việt Nam, cũng như các luật sư đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho Đoàn Thị Hương.

Rõ ràng, việc vin cớ vụ án Đoàn Thị Hương để bôi nhọ bản chất của chế độ là sự liên hệ phi lý, vô căn cứ; cố tình suy diễn sự “thiếu trách nhiệm”, “bỏ rơi”, “thờ ơ” của Chính phủ, cơ quan hữu quan với công dân Đoàn Thị Hương là sự quy chụp lọc lừa dối trá dư luận. Âm mưu của chúng hòng xuyên tạc, làm lung lạc, xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, xuyên tạc chính sách, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận nỗ lực của Nhà Nước đối người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét