6 tháng 4, 2022

Kiểm soát viên không lưu Cát Bi đeo tai nghe, không biết phi công gọi

Phi công chuyến bay VJ 671 đã liên lạc nhiều lần với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi (Hải Phòng) nhưng bất thành.

Chiều 6-4, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã thông tin về việc phi công chuyến bay VJ 671 không liên lạc được với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi (Hải Phòng).

Theo đó, chuyến bay VJ 671 từ sân bay Cát Bi đi Buôn Ma Thuột dự kiến rút chèn (giờ bắt đầu chuyến bay) lúc 6 giờ 15 ngày 18-3.

Lúc 5 giờ 31 ngày 18-3 phi công liên lạc lần đầu với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi để được cung cấp thông tin khí tượng nhưng không thấy kiểm soát viên không lưu trả lời.

Phi công tiếp tục gọi Đài kiểm soát không lưu Cát Bi từ 5 giờ 32 đến 5 giờ 58 nhưng không thấy kiểm soát viên không lưu trả lời.

Lúc 5 giờ 58, phi công gọi Trung tâm Kiểm soát đường dài (ACC) Hà Nội trên tần số 133.65Mhz thông báo việc không liên lạc được với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi trên tần số 118.5Mhz. ACC Hà Nội lập tức gọi cho Đài kiểm soát không lưu Cát Bi để thông báo về việc này.

Lúc 5 giờ 59, kiểm soát viên không lưu Cát Bi liên lạc với phi công chuyến bay VJ 671 cung cấp thông tin khởi hành, huấn lệnh đường dài và điều hành đối với chuyến bay theo kế hoạch.

Chuyến bay VJ 671 cất cánh lúc 6 giờ 16 đúng giờ dự kiến theo kế hoạch.

Qua xác minh của VATM, trong thời gian phi công chuyến bay VJ 671 không liên lạc được với kiểm soát viên không lưu, không có máy bay khác hoạt động trong khu vực trách nhiệm của Đài kiểm soát không lưu Cát Bi nên không ảnh hưởng đến công tác điều hành bay và không ảnh hưởng đến an toàn bay.

Sơ bộ xác định tại thời điểm phi công gọi Đài kiểm soát không lưu Cát Bi, kiểm soát viên không lưu đã thực hiện không đúng quy định về vị trí trực theo tài liệu hướng dẫn khai thác. Cụ thể có mặt tại cabin kiểm soát nhưng không ngồi đúng vị trí trực, làm việc riêng (đeo tai nghe cá nhân) do đó không nghe thấy phi công gọi.

Công ty Quản lý bay miền Bắc đã rút các kiểm soát viên không lưu liên quan ra khỏi dây chuyền để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.

VATM đã chỉ đạo rút kinh nghiệm chung trong toàn lực lượng kiểm soát viên không lưu, đồng thời chỉ đạo có các giải pháp để khắc phục không để xảy ra các sự việc tương tự tại các cơ sở điều hành bay đặc biệt là tại các Đài kiểm soát không lưu các sân bay địa phương.

Được biết, tại thời điểm xảy ra sự việc, tại Đài kiểm soát không lưu Cát Bi đang thực hiện áp dụng chế độ trực chốt để phòng chống dịch COVID-19.

Năm 2017, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai kiểm soát viên không lưu tại Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi.

Nguyên nhân, kiểm soát viên không lưu đã ngủ quên và không duy trì liên tục canh nghe trên các kênh liên lạc được chỉ định. Việc này khiến cho hoạt động điều hành bay bị gián đoạn suốt hơn 30 phút.

Hải Phòng phát động cuộc thi viết “Khi dân khó-có công an”

Chiều 6/4, Công an thành phố Hải Phòng đã tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Công an xã-những tấm gương sáng đẹp”; cuộc thi ảnh “Nét đẹp cán bộ, chiến sĩ công an Hải Phòng phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và phát động cuộc thi viết “khi dân khó-có công an” trên An ninh Hải Phòng - chuyên đề của Báo Công an nhân dân.

Đây là hoạt động thiết thực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Bộ Công an và chủ đề thi đua “Chủ động, nêu gương, siết chặt kỷ cương, tăng cường cơ sở” của Công an Hải Phòng.

Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng cho biết, Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong toàn lực lượng Công an thành phố. Qua đó, động viên lực lượng Công an Hải Phòng tiếp tục phấn đấu, học tập, tu dưỡng, rèn luyện tư thế, lễ tiết, tác phong nghiêm túc, chính quy, tăng cường đoàn kết nội bộ; thực hiện nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, chế độ làm việc, kỷ luật trong công tác, chiến đấu; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, vì nhân dân phục vụ.

Qua các cuộc thi, nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ công an có thành tích nổi bật được tôn vinh và tuyên truyền nhằm lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh người chiến sĩ Công an Hải Phòng “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”, “Hết việc chứ không hết giờ”…

Đồng thời, qua các cuộc thi cũng góp phần khích lệ, động viên cán bộ chiến sĩ khắc phục khó khăn, gian khổ, nỗ lực, cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Công an Hải Phòng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cảng và đất nước.

2 tháng 4, 2022

Liên tiếp vụ học sinh đánh nhau đến nguy kịch, hệ lụy gì cho xã hội? (Phần 2)

Tránh "dán nhãn" học sinh có hành vi bắt nạt, bạo hành bạn bè

Đối với những học sinh có hành vi bắt nạt, bạo hành bạn bè, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân cho rằng chính các bạn cũng là những người cần được quan tâm, yêu thương và hỗ trợ. Trong đó, vai trò phòng tránh của nhà trường và cộng đồng là rất quan trọng. Người lớn cần nhận biết các "dấu hiệu sớm" của những hành vi nguy cơ có thể dẫn đến vấn đề bạo lực học đường để hỗ trợ đối tượng này ngay lập tức.



Các dấu hiệu đó có thể là biểu hiện gặp của việc trẻ gặp khó khăn khi thích ứng với môi trường mới, hoặc thiếu những năng lực trong giao tiếp và kiềm chế, quản lý cảm xúc của mình. Ông Ân cho rằng nhà trường và cộng đồng không nên để xảy ra bạo lực học đường rồi mới tìm cách hỗ trợ.

Cũng theo ông Ân, khi xử lý những học sinh có hành vi bạo hành, bắt nạt bạn bè, nhà trường và gia đình nên tránh "dán nhãn", đặt "biệt danh", khiến đối tượng này trở thành người bị tẩy chay hoặc làm hành vi bạo lực trở thành "đặc điểm nhận dạng" của các bạn. Cách xử lý này không giúp trẻ có hành vi bạo lực, bắt nạt tìm thấy lối ra trong tương lai hoặc trong cách hành xử của bản thân. Đôi khi còn đẩy các bạn vào những lối hành xử, tính cách tiêu cực hơn.

"Chúng ta cần hỗ trợ về tâm lý cho các học sinh có hành vi bắt nạt, bạo hành bạn bè. Những khó khăn trong đời sống, gia đình, học tập... có thể ảnh hưởng tới việc xử lý cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn. Nhà trường, gia đình cần giúp các bạn học cách làm việc và giải quyết mâu thuẫn với nhau, nói không với sử dụng bạo lực", ông Ân nói.

Tạo môi trường an toàn cho tất cả học sinh

Theo ông Ân, để xử lý một vụ việc bạo lực học đường cần phải có sự phối hợp giữa trường học, cộng đồng và gia đình. Nhà trường không thể kiểm soát tất cả học sinh. Khi trẻ ra ngoài khuôn viên, thầy, cô giáo khó có khả năng can thiệp và hỗ trợ, kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Ân nhận định các cơ sở giáo dục ở Việt Nam cần cải thiện cách xử lý và phản ứng khi phát hiện những vụ việc mang tính chất bạo lực, bắt nạt ở trường học; đảm bảo hỗ trợ cả hai đối tượng là nạn nhân và trẻ có hành vi bắt nạt, bạo lực với bạn bè.

Bên cạnh đó, trường học cần có thêm các chương trình ngoại khóa, hướng dẫn thật sự chất lượng, khoa học để làm tăng các mối quan hệ, cải thiện không khí trong lớp học; tạo điều kiện để học sinh nâng cao khả năng xã hội, giao tiếp và xử lý cảm xúc của bản thân.

Sau mỗi vụ việc bạo lực học đường, có khả năng nạn nhân sẽ gặp khó khăn trong việc quay trở lại trường, tránh né với những bối cảnh, cá nhân đã gây ảnh hưởng đến mình. Theo ông Ân, việc này có thể xảy ra do nạn nhân vẫn còn cảm giác môi trường học đường không an toàn và nhận thấy còn có sự đe dọa.

Thầy, cô giáo đôi khi không nắm bắt được cụ thể sự việc, chỉ giải quyết, xử lý "sơ sài" các tình huống bạo lực, lạm dụng. Điều này góp phần làm tăng khả năng tái lập các hành vi tiêu cực trong tương lai, đẩy các học sinh bị bạo hành vào những tình huống nghiêm trọng hơn, làm mất niềm tin của trẻ vào khả năng mình được hỗ trợ, giúp đỡ.

"Rất khó để một người quay lại môi trường mà bản thân đã bị bắt nạt, bạo hành và cảm thấy bị đe dọa. Nhà trường phải trở thành môi trường an toàn cho tất cả học sinh. Vì vậy, tập thể nhà trường cần giải quyết triệt để các vấn đề khi phát hiện sự việc bạo lực học đường với một quy trình nghiêm túc, phù hợp", ông Ân nhấn mạnh.

Liên tiếp vụ học sinh đánh nhau đến nguy kịch, hệ lụy gì cho xã hội? (Phần 1)

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân cho rằng trẻ lên tiếng, chia sẻ về bạo lực học đường và mong muốn tìm giải pháp là sự dũng cảm đáng được ghi nhận.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bạo lực học đường đã xảy ra ở các địa phương trên cả nước. Ngày 29/3, vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, nữ sinh L.T.Y.N. (16 tuổi, học sinh lớp 10), trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đã bị bạn học đánh gây chấn động não.

Cũng vì mâu thuẫn từ trước, chiều 25/3, tại khu vực cổng trường THPT Phan Bội Châu (tỉnh Hải Dương), nam sinh B.D.H. (lớp 12) đã dùng dao đâm em N.H.M.Đ. (học lớp 10). Nạn nhân bị thương nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Hai nam sinh trong vụ việc đều không phải là học sinh cá biệt, học lực khá, chưa từng bị kỷ luật.

Trước đó, ngày 23/3, khoảng 3 học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đã dùng hung khí hành hung làm một học sinh khác bị thương, phải đi cấp cứu.

Hôm 17/3, tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) cũng xảy ra một vụ việc nữ sinh đánh nhau. Nhóm 4 nữ sinh quận Đồ Sơn đánh gây thương tích cho hai nữ sinh ở quận Dương Kinh, trong đó một em phải nhập viện.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân - Giám đốc Chương trình Tâm lý học của ĐH Hoa Sen, cho biết thời gian ở nhà do dịch Covid-19, trẻ có thể gặp những khó khăn về sức khỏe tinh thần như: stress vì giãn cách, tách biệt với các mối quan hệ, áp lực học tập... Khi quay trở lại trường, những khó khăn này nếu chưa được giải quyết sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và áp lực, được thể hiện qua các mâu thuẫn, xung đột trực tiếp giữa trẻ với bạn bè. Từ đó, góp phần làm gia tăng tần suất các vụ bạo lực học đường hiện nay.

Phải hỗ trợ nạn nhân kịp thời

Trên góc nhìn mang tính nhân văn, ông Ân nhận định trẻ bị bạo hành và trẻ có hành vi bắt nạt, bạo lực bạn bè đều cần được hỗ trợ tham vấn tâm lý.

Đối với nạn nhân bị bắt nạt, bạo lực học đường thì những hệ quả về mặt tâm lý và cảm xúc có thể rất lớn. Các di chứng do bạo hành thường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống và tương lai của nạn nhân. Vì vậy, đối tượng này cần được hỗ trợ kịp thời với thời gian phù hợp, không đơn giản là một, hai buổi nói chuyện.

Theo ông Ân, bị bắt nạt, bạo lực trong học đường không phải là lỗi của nạn nhân. Người lớn cần trân trọng sự dũng cảm lên tiếng và những mong muốn thay đổi trong cuộc sống của các em.

"Ai thực hiện hành vi bạo lực hoặc mang tính chất bắt nạt thì cần có trách nhiệm với hành vi của bản thân. Nạn nhân không phải là người có lỗi", ông Ân nói.

Để hỗ trợ những trẻ bị bắt nạt, bạo lực học đường, ông Ân nhận định gia đình có thể lắng nghe và khuyến khích sự chia sẻ của trẻ. Đôi khi trẻ sẽ sợ hãi vì phải nói về những điều đã xảy ra nên sự kiên nhẫn và bình tĩnh của bố mẹ là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần thể hiện sự quan tâm chân thật, sẵn sàng hỗ trợ, giúp trẻ nhận biết mình có quyền được an toàn. Phụ huynh nên cùng trẻ lên kế hoạch để giải quyết vấn đề. Việc trẻ được tham gia ra quyết định sẽ góp phần khiến các bạn cảm thấy sự tôn trọng và gia tăng cảm giác tự quyết.