2 tháng 4, 2022

Liên tiếp vụ học sinh đánh nhau đến nguy kịch, hệ lụy gì cho xã hội? (Phần 1)

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân cho rằng trẻ lên tiếng, chia sẻ về bạo lực học đường và mong muốn tìm giải pháp là sự dũng cảm đáng được ghi nhận.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bạo lực học đường đã xảy ra ở các địa phương trên cả nước. Ngày 29/3, vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, nữ sinh L.T.Y.N. (16 tuổi, học sinh lớp 10), trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đã bị bạn học đánh gây chấn động não.

Cũng vì mâu thuẫn từ trước, chiều 25/3, tại khu vực cổng trường THPT Phan Bội Châu (tỉnh Hải Dương), nam sinh B.D.H. (lớp 12) đã dùng dao đâm em N.H.M.Đ. (học lớp 10). Nạn nhân bị thương nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Hai nam sinh trong vụ việc đều không phải là học sinh cá biệt, học lực khá, chưa từng bị kỷ luật.

Trước đó, ngày 23/3, khoảng 3 học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đã dùng hung khí hành hung làm một học sinh khác bị thương, phải đi cấp cứu.

Hôm 17/3, tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) cũng xảy ra một vụ việc nữ sinh đánh nhau. Nhóm 4 nữ sinh quận Đồ Sơn đánh gây thương tích cho hai nữ sinh ở quận Dương Kinh, trong đó một em phải nhập viện.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân - Giám đốc Chương trình Tâm lý học của ĐH Hoa Sen, cho biết thời gian ở nhà do dịch Covid-19, trẻ có thể gặp những khó khăn về sức khỏe tinh thần như: stress vì giãn cách, tách biệt với các mối quan hệ, áp lực học tập... Khi quay trở lại trường, những khó khăn này nếu chưa được giải quyết sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và áp lực, được thể hiện qua các mâu thuẫn, xung đột trực tiếp giữa trẻ với bạn bè. Từ đó, góp phần làm gia tăng tần suất các vụ bạo lực học đường hiện nay.

Phải hỗ trợ nạn nhân kịp thời

Trên góc nhìn mang tính nhân văn, ông Ân nhận định trẻ bị bạo hành và trẻ có hành vi bắt nạt, bạo lực bạn bè đều cần được hỗ trợ tham vấn tâm lý.

Đối với nạn nhân bị bắt nạt, bạo lực học đường thì những hệ quả về mặt tâm lý và cảm xúc có thể rất lớn. Các di chứng do bạo hành thường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống và tương lai của nạn nhân. Vì vậy, đối tượng này cần được hỗ trợ kịp thời với thời gian phù hợp, không đơn giản là một, hai buổi nói chuyện.

Theo ông Ân, bị bắt nạt, bạo lực trong học đường không phải là lỗi của nạn nhân. Người lớn cần trân trọng sự dũng cảm lên tiếng và những mong muốn thay đổi trong cuộc sống của các em.

"Ai thực hiện hành vi bạo lực hoặc mang tính chất bắt nạt thì cần có trách nhiệm với hành vi của bản thân. Nạn nhân không phải là người có lỗi", ông Ân nói.

Để hỗ trợ những trẻ bị bắt nạt, bạo lực học đường, ông Ân nhận định gia đình có thể lắng nghe và khuyến khích sự chia sẻ của trẻ. Đôi khi trẻ sẽ sợ hãi vì phải nói về những điều đã xảy ra nên sự kiên nhẫn và bình tĩnh của bố mẹ là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần thể hiện sự quan tâm chân thật, sẵn sàng hỗ trợ, giúp trẻ nhận biết mình có quyền được an toàn. Phụ huynh nên cùng trẻ lên kế hoạch để giải quyết vấn đề. Việc trẻ được tham gia ra quyết định sẽ góp phần khiến các bạn cảm thấy sự tôn trọng và gia tăng cảm giác tự quyết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét