Ngày 20/4, bác sĩ Hoàng Công Lương đã có tâm thư gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước để gửi tâm tư nguyện vọng của mình với mong muốn được mọi góc nhìn khách quan về vụ việc.
Xin trích đăng lại lá thư của BS Hoàng Công Lương
Kính gửi:
- Bác Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
- Bác Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
- Bác Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
- Bác Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam
- Bác Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ
"Cháu là Hoàng Công Lương, sinh ngày 13/7/1986, công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo – Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ của một bác sĩ điều trị.
Cháu hiện là bị can trong vụ án “Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong sự cố y khoa làm tử vong 08 người tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vào ngày 29/5/2017. Vụ án hiện đã có Cáo trạng truy tố để đưa ra xét xử sơ thẩm, trong đó đối với cá nhân cháu về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cháu đã suy nghĩ, đấu tranh tinh thần và rất khó khăn cháu mới dám gửi đến các bác lá thư này vì cháu hiểu các bác đang bộn bề công việc đại sự của đất nước, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân; giờ đây cháu làm phiền đến các bác vì việc nhỏ của mình khiến bản thân cháu thực sự băn khoăn.
Tuy nhiên, qua một số vụ việc tư pháp những năm qua (vụ cà phê “Xin chào”, vụ giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long; vụ giúp đỡ cho Đoàn Thị Hương…) cháu cảm nhận thấy rõ là Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều đang rất quan tâm đến công tác cải cách tư pháp, bảo vệ pháp chế XHCN, công lý cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi suy nghĩ, với trách nhiệm của một bác sĩ điều trị làm công tác chữa bệnh, cứu người; cháu mạnh dạn bày tỏ tâm tư và kính mong các bác xem xét, giúp đỡ cháu.
Cháu là một người con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông giàu truyền thống cách mạng, tham gia kháng chiến (ông nội, bố đẻ và chú ruột là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam). Từ nhỏ cháu đã nuôi ước mơ sau này sẽ học tập để trở thành một người bác sĩ chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là địa bàn miền núi, khó khăn.
Theo đó, vơi sự nỗ lực của bản thân, cháu đã tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Nguyên (chuyên ngành bác sỹ đa khoa). Đến đầu năm 2011, cháu được tuyển dụng và công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo (TNT) thuộc Khoa hồi sức tích cực của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Sau đó, cháu tiếp tục học xong chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tại trường Đại học Y Hà Nội, trở về công tác tại khoa. Cháu thực hiện công việc được giao là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên TNT (việc phân công của Khoa đối với các bác sĩ làm việc tại Đơn nguyên TNT là luân phiên theo tháng, quý).
Trong thời gian 07 năm làm việc tại khoa, cháu không ngừng học hỏi chuyên môn với đồng nghiệp, trao dồi kiến thức, rèn luyện y đức và luôn hoàn thành nhiệm vụ trong công tác khám, chữa bệnh; chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp cũng như tích cực tham gia các hoạt động phong trào về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do công đoàn, đoàn thanh niên bệnh viện tổ chức. Trong 7 năm công tác thì 05 năm liền cháu được Giám đốc Sở Y tế tặng Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”. Từ năm 2011-2017, cháu tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành với vai trò là chủ nhiệm đề tài hoặc thành viên trong nhóm nghiên cứu. Cháu may mắn là thành viên trong 03 bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí Y Dược lâm sàng 108. Cháu cũng là ủy viên BCH Đoàn thanh niên Bệnh viện, Bí thư chi đoàn khối nhà kỹ thuật Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Ngày 29/05/2017, xảy ra sự cố rất nghiêm trọng tại Đơn nguyên TNT, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo được khoảng 45 phút thì xuất hiện dấu hiệu nhiễm độc. Sự cố hy hữu này gây tử vong 8 bệnh nhân và hơn 120 bệnh nhân suy thận mạn phải chuyển về các bệnh viện khu vực Hà Nội để tiếp tục chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân sau đó được xác định là do trước đó 01 ngày, đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng đã bất cẩn để tồn dư một lượng lớn hóa chất trong hệ thống nước RO dùng để chạy thận nhân tạo.
Về sự cố này, cháu xin sơ lược như sau:
- Ngày 25/05/2017, công ty dược phẩm Thiên Sơn cùng bệnh viện đa tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo. Thực hiện Hợp đồng này, lãnh đạo Bệnh viện đã giao cho phòng Tài chính kế toán và phòng Vật tư-thiết bị y tế (TBYT) của bệnh viện phối hợp thực hiện. Công ty Thiên Sơn cũng chính là đơn vị đặt máy thận nhân tạo tại Đơn nguyên TNT cho bệnh viện thuê, trả tiền theo số ca chạy thận (7,7 USD/1 ca); là đối tác trực tiếp xây dựng hệ thống nước RO phục vụ cho chạy thận nhân tạo, cung cấp dịch lọc đậm đặc, cung cấp quả lọc máu; ký các hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng các máy thận nhân tạo và hệ thống RO từ trước đến nay với bệnh viện (theo cháu được biết thì đã có 17 hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng máy thận và hệ thống RO được ký giữa hai bên từ năm 2010 đến ngày xảy ra sự cố).
- Ngày 28/05/2017, công ty Thiên sơn cử người đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO phục vụ cho chạy thận nhân tạo theo Hợp đồng đã ký ngày 25/5/2017. Phòng Vật tư-TBYT của bệnh viện đã phối hợp và có cử người giám sát quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Các công việc này không liên quan đến công việc chuyên môn và trách nhiệm của cháu và các đồng nghiệp tại Đơn nguyên TNT.
- Sáng ngày 29/05/2017, cháu cùng 2 bác sỹ điều trị và 9 điều dưỡng đến làm việc tại Đơn nguyên TNT như thường ngày, tất cả chúng cháu được điều dưỡng Đỗ Thị Điệp là người trực thường trú ngày hôm trước (28/05/2017) thông báo về việc phòng Vật tư-TBYT báo là đã sửa chữa, bảo dưỡng xong hệ thống nước RO và có thể hoạt động chạy thận bình thường (có biên bản bàn giao sau sau sửa chữa, bảo dưỡng giữa nhân viên công ty Thiên Sơn với nhân viên phòng Vật tư-TBYT bệnh viện; biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa, bảo dưỡng giữa nhân viên phòng Vật tư-TBYT bệnh viện với nhân viên Đơn nguyên TNT ngày 28/5/2017).
Tiếp theo, các điều dưỡng tiến hành khởi động hệ thống RO, thấy các chỉ số trên hệ thống trong giới hạn bình thường. Các điều dưỡng tiến hành rửa máy thận, kiểm tra (test) máy thận thấy các chỉ số bình thường, sau đó lắp quả lọc máu vào máy thận nhân tạo và chạy thử thấy máy hoạt động bình thường. Đơn nguyên có 3 buồng bệnh, cháu cùng 2 bác sỹ khác chia mỗi người về một buồng bệnh để thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân và thấy các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đều đảm bảo cho chạy thận nhân tạo. Bác sĩ và các điều dưỡng trong Đơn nguyên TNT chúng cháu đã thực hiện công việc của mình theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014 (được Bệnh viện ban hành thực hiện).
Chỉ sau khi kiểm tra thấy máy thận nhân tạo đã chuẩn bị đầy đủ, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đủ điều kiện chạy thận nhân tạo, cháu và 2 bác sỹ khác mới ra y lệnh lọc máu cho các bệnh nhân, theo đó các điều dưỡng kết nối máy thận với bệnh nhân. Tại thời điểm các bác sĩ và điều dưỡng kết nối máy để chạy thận nhân tạo cho một số bệnh nhân (số bệnh nhân còn lại chưa được kết nối với máy thận nhân tạo) thì cũng có mặt anh Bùi Mạnh Quốc (kỹ sư công ty Thiên Sơn) và anh Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật tư-TBYT bệnh viện) tại Đơn nguyên TNT và đều chứng kiến việc các bác sĩ và điều dưỡng đang và sắp chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Tiến hành chạy thận cho bệnh nhân được khoảng hơn 30 phút, một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng: ngứa khắp người, tức ngực, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Chúng cháu ngay lập tức dừng toàn bộ quá trình chạy thận của tất cả các bệnh nhân trong ca lọc máu, duy trì đường ven tĩnh mạch. Đồng thời chúng cháu báo cho lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện xin ý kiến chỉ đạo và xin hỗ trợ nhân lực từ các khoa, phòng trong bệnh viện. Chúng cháu theo dõi sát bệnh nhân, xử trí bệnh nhân theo các triệu chứng lâm sàng. Sau 5 phút, chúng cháu có sự hỗ trợ nhân lực của Đơn nguyên Hồi sức tích cực; sau 15 phút có được sự hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện và các khoa, phòng khác. Quá trình xử trí cấp cứu bệnh nhân, trong tổng số 18 bệnh nhân chạy thận, có 8 bệnh nhân tình trạng nặng (huyết áp thấp, suy hô hấp…) nên chúng cháu tiến hành hồi sức và hộ tống đến Đơn nguyên Hồi sức tích cực điều trị và theo dõi. Trong quá trình nằm điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực, 8 bệnh nhân tử vong (có 7 bệnh nhân tử vong trong ngày 29/5/2017 và 01 bệnh nhân tử vong trong ngày 03/6/2017). Còn 10 bệnh nhân toàn trạng tạm ổn định, cháu và một số đồng nghiệp được lãnh đạo bệnh viện phân công vận chuyển số bệnh nhân đó sang bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình để tiếp tục lọc máu. Sau khi bệnh nhân được lọc máu xong, cháu cùng đồng nghiệp và các chuyên gia bệnh viện Bạch Mai tiếp tục vận chuyển 10 bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp (tất cả 10 bệnh nhân được vận chuyển đến bệnh viện Bạch Mai an toàn và được cứu sống).
Ngày hôm sau 30/5/2017, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra.
Ngày 22/06/2017, cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố và bắt tạm giam 03 bị can, trong đó cháu bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về chữa bệnh” (theo điều 242, BLHS năm 1999).
Sau 13 ngày bị tạm giam, đến ngày 05/07/2017, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hòa Bình có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho cháu được tại ngoại với lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay.
Ngày 14/11/2017, VKSND tỉnh Hòa Bình có quyết định thay đổi tội danh đối với cháu từ tội “Vi phạm quy định về chữa bệnh” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo điều 285, BLHS năm 1999 nay là điều 360, BLHS năm 2015).
Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hòa Bình và các chuyên gia y tế tuyến Trung ương đã họp và kết luận: các bác sỹ và điều dưỡng tại Đơn nguyên TNT đã thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ do Bộ Y tế ban hành năm 2014 và khi xảy ra sự cố đã xử trí cấp cứu bệnh nhân theo đúng phác đồ cấp cứu. Hội đồng chuyên môn kết luận các bệnh nhân bị nhiễm độc, nguyên nhân nghĩ nhiều đến là do nguồn nước RO phục vụ cho chạy thận nhân tạo không đảm bảo chất lượng (có biên bản đính kèm).
Sau khi được tại ngoại, cháu được biết nguyên nhân gây tử vong bệnh nhân mà cơ quan chức năng xác định là do tồn dư hóa chất sau sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước RO, gây ngộ độc Florua cho người bệnh chạy thận ngày 29/5/2017. Trong đó, bên bảo dưỡng, sửa chữa đã sử dụng các a-xít HCL và HF cấm dùng trong y tế.
Với trách nhiệm của bác sĩ điều trị theo quy định tại Quy chế bệnh viện số 1895/1997/QĐ-BTY của Bộ Y tế (Quy chế chung và Quy chế Khoa lọc máu), 03 bác sĩ chúng cháu đã làm hết chức trách và nhiệm vụ của bác sỹ điều trị trong công tác khám và cứu chữa người bệnh. Bác sĩ điều trị chúng cháu không được đào tạo chuyên môn về các trang thiết bị cũng như hệ thống nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo và chúng cháu không có chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng kiểm soát chất lượng nước RO có đảm bảo hay không. Nhiệm vụ và trách nhiệm đảm bảo nguồn nước RO phục vụ cho chạy thận nhân tạo là trách nhiệm của đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO (đã ký hợp đồng với bệnh viện) và phòng Vật tư-TBYT của bệnh viện (giám sát việc thực hiện hợp đồng), do đặc thù bệnh viện chúng cháu không có khoa thận nhân tạo riêng, không có kỹ sư, kỹ thuật viên riêng phục vụ tại khoa. Do đó, việc bàn giao, nghiệm thu sau sửa chữa, bảo dưỡng là trách nhiệm của phòng Vật tư-TBYT bệnh viện với đơn vị sửa sữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO. Chúng cháu chỉ là người sử dụng nguồn nước RO phục vụ cho công tác điều trị chạy thận nhân tạo sau khi đã được phòng Vật tư-TBYT bệnh viện bàn giao lại và khi đã bàn giao cho Đơn nguyên TNT sử dụng thì có nghĩa là nguồn nước đã đảm bảo an toàn.
Bác sĩ chúng cháu sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu dẫn đến tử vong cho bệnh nhân, nhưng không thể buộc chúng cháu phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn, nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân gây chết người bệnh do công tác sửa chữa, bảo dưỡng làm sai; sử dụng hóa chất độc hại cấm dùng, sục rửa, xả thải cẩu thả và do người có trách nhiệm của phòng Vật tư –TBYT không giám sát chặt chẽ khi được phân công từ ngày hôm trước chứ không phải là lỗi của bác sĩ điều trị chúng cháu thực hiện khám chữa bệnh vào ngày hôm sau. Đó là chưa kể đến việc người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng cũng không phải là người của công ty Thiên Sơn đã ký Hợp đồng với bệnh viện.
Chính vì vậy, sau khi nhận được bản Cáo trạng ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình truy tố để xét xử cháu về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khiến cháu rất bàng hoàng, đau xót và không thể cắt nghĩa nổi vì sao cháu lại là can phạm tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong khi trách nhiệm đó không thuộc về cháu, hậu quả nghiêm trọng do những người có trách nhiệm gây ra!
Gần một năm qua, không ngày nào cháu không suy nghĩ về sự cố đã xảy ra, bản thân cháu chỉ có một mong muốn duy nhất là chữa bệnh, cứu người nhằm thực hiện ước nguyện cả đời làm người bác sĩ điều trị, cố gắng học hỏi chuyên môn, giữ gìn y đức, hết lòng yêu thương người bệnh như người thân của mình để cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà. Thế nhưng, hệ lụy đã gần một năm qua, cháu sống trong thân phận của một bị can sắp phải đứng trước bục khai báo dành cho bị cáo – điều mà cháu không bao giờ tưởng tượng được; cả gia đình, dòng họ cháu cũng phải sống trong điều tiếng, bất an; nhiều người thân hao mòn về thể xác, suy sụp về tình thần, kiệt quệ niềm tin, sức sống... Bản thân cháu, do bị cấm đi khỏi thành phố Hòa Bình, muốn về thăm ông bà, bố mẹ với cháu đều phải để dành vào dịp Tết, gia đình có việc lớn vì việc chỉ về quê thôi cũng thực sự khó khăn cho cháu ở thân phận bị can, bởi cháu phải làm các thủ tục xin phép rất vất vả và cảm thấy vô cùng tủi nhục!
Sự việc của cháu cũng đã được Vụ pháp chế Bộ Y tế, Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam; Giáo sư, Phó Giáo sư, tiến sỹ đầu ngành về chuyên ngành thận học, hồi sức cấp cứu-chống độc; các đồng nghiệp trên cả nước và người dân quan tâm, ủng hộ, lên tiếng giúp đỡ. Đặc biệt, cháu rất may mắn được các cơ quan truyền thông đăng tải nhiều thông tin khách quan, đa chiều về vụ việc, nêu rõ các ý kiến, quan điểm phân tích của các nhà khoa học, các luật sư, các nhà quản lý… về tính pháp lý của cáo trạng truy tố đối với trường hợp của cháu. Cháu vô cùng xúc động khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ, động viên quan tâm đến từ hơn 10.000 đồng nghiệp, người dân trong số đó đại đa số cháu chưa từng quen biết đã thiện tình ký tên mong muốn vụ án được xét xử đúng pháp luật, công bằng cho cháu. Trong những giờ phát sóng của Truyền hình VTV1, truyền hình Quốc hội, truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, VTC1, VTC14…về câu chuyện của mình, mặc dù cháu không được xem do bận trực bệnh nhân nhưng cháu thực sự thấy ấm lòng vì tất cả những gì mà xã hội và cuộc đời đã ban cho cháu, động viên để cháu tiếp tục làm tốt công tác của bác sĩ điều trị, chờ ngày ra tòa tới đây.
Lá thư này là tâm thư được cháu chắt lọc từ nước mắt, niềm tin với mong muốn gửi đến các bác. Kính mong các bác giúp đỡ cho xem xét lại bản chất của vụ án, xét xử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật; đúng người, đúng tội, đúng pháp luật theo đúng tinh thần cải cách tư pháp hiện hành; tránh bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội để những bệnh nhân đã tử vong sau sự cố này có thể yên tâm, thanh thản về cõi vĩnh hằng; để người dân giữ trọn niềm tin vào người thầy thuốc, vào cơ sở y tế khi họ đã trao gửi cả thân phận, bản mệnh của mình mỗi khi ốm đau, bệnh tật.
Cháu xin cầu chúc cho các bác luôn mạnh khỏe, trường thọ để tiếp tục cống hiến và lãnh đạo đất nước nhằm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Cháu xin hứa sẽ luôn tuân thủ pháp luật, thực hiện bổn phận của một công dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào để mãi là một người Việt Nam yêu nước, một người thầy thuốc vì nhân dân.
Cháu xin trân trọng cảm ơn các bác đã bớt thời giờ quý báu để đọc tâm thư này của cháu.
Kính thư
Hoàng Công Lương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét