Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất bởi những người dân Thủ Thiêm, cũng là vấn đề họ đã yêu cầu được làm rõ trong nhiều năm qua.
Theo đó, nguyên nhân khiếu nại của hơn 60 hộ dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm đều vì họ cho rằng đất của họ không thuộc diện tích dự án, nhưng vẫn bị thu hồi. Nhiều gia đình có nhà, đất bị cưỡng chế mà không nhận được quyết định nào.
"Bà Quyết Tâm ơi, tôi khổ quá rồi", gương mặt nhăn nheo, chậm chạp đi quanh hội trường để vay mỗi người vài ngàn đồng mua thuốc, bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) nhớ lại nhà bà 88,9m2, có sổ đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, bị cưỡng chế lúc 8h sáng 1-3-2012.
"Tôi chưa từng được Quyết định thu hồi đất, chưa từng nhận đồng bồi thường nào. Từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, cuối đời, tôi trắng tay, hàng ngày phải đi ăn xin, ngửa tay mong được bố thí từng đồng. Tôi đã mất tất cả", nước mắt bà Dung không còn để rơi.
Theo lời bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An), từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, giờ đây bà trắng tay, phải đi ăn xin. |
Cử tri Lê Thị Hồng Vân (ngụ đường Lương Định Của, phường Bình Khánh) từng đi khiếu kiện 36 lần, từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Theo đó, căn nhà của bà không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi, mà không có Quyết định thu hồi đất.
Bà Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) hỏi: Không có bản đồ, lấy căn cứ nào đập nhà tôi? Tôi đã nhiều lần hỏi vì sao đập nhà tôi dù không có Quyết định thu hồi đất?
Nhiều năm trước, có những người dân ngơ ngác khi căn nhà của mình "bỗng" nằm gọn trong khu vực bị giải tỏa dù nằm ngoài ranh quy hoạch, rồi bị "bứng" đi gọn gàng. Bao năm qua, họ cần mẫn đi gõ cửa từng cánh cửa công quyền, nhưng câu hỏi này vẫn chưa ai trả lời: Dựa vào cái gì mà đập nhà tôi?
Chính sách đền bù không thỏa đáng
Hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 2 nóng bức bởi thời tiết khô nắng Sài Gòn vào những ngày giao mùa, bỗng lạnh run bởi cơn mưa giông bất thường đổ xuống ráo riết. Những người ngồi trong phòng tiếp xúc cử tri liên tục ồ lên vì những con số đền bù được người dân cung cấp.
"Tôi nhận tiền đền bù 18 triệu đồng/ m2, rồi sau khi tìm hiểu được biết họ bán lại giá 350 triệu đồng/ m2, và nói bán hết rồi, đến cuối 2018 mới có một số căn nữa, giá 23 tỉ một căn", bà Lê Thị Bạch Tuyết (ngụ Lương Định Của, phường Bình An) so sánh chua xót.
"Người dân đa số rất nghèo, chỉ thiểu số là giàu. Phải xem lại đi", bà Tuyết nức nở.
10 năm trước, bà Đoàn Ngọc Thủy (ngụ Khu phố 1, phường Bình An) được hứa hẹn bồi thường 330 triệu đồng cho mảnh đất 1.000 m2, thêm hỗ trợ tái định cư 170 triệu đồng. 10 năm sau, gia đình bà vẫn chưa nhận được số tiền này.
"Dù số tiền vào thời điểm này đã rớt giá quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng không yêu cầu thêm vì nghĩ quyên đất cho thành phố phát triển. Vậy vì sao 10 năm qua vẫn chưa chuyển tiền, mà đất đã thu của chúng tôi từ lâu?".
Bà Nguyễn Ngọc Thanh (chủ căn hộ 134 Lương Định Của) cho hay gia đình gầy dựng được căn nhà có diện tích 59 m2 tốn gần 50 cây vàng, nhưng Nhà nước khi lấy chỉ đền bù 94 triệu, rồi cho tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư. "Thử hỏi như vậy có vô lý không?", bà Thanh nói.
Nhiều năm ôm bức xúc, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết hơn 3000 m2 đất của gia đình chỉ được đền bù 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng được đền bù rẻ mạt.
"Hơn chục năm đau khổ, giờ chúng tôi chỉ được 5 phút để phát biểu, phải cho thêm thời gian để nghe dân đi", bà Tuyết vừa nói, nước mắt vừa chảy dài.
Đọc thêm:
1. Kỳ 1: Thủ Thiêm 9/5 - Cuộc tiếp xúc cử tri lịch sử
2. Kỳ 3: Đề nghị thanh tra dự án Thủ Thiêm
Đọc thêm:
1. Kỳ 1: Thủ Thiêm 9/5 - Cuộc tiếp xúc cử tri lịch sử
2. Kỳ 3: Đề nghị thanh tra dự án Thủ Thiêm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét