Không quá khi nói cuộc gặp gỡ kéo dài 8 tiếng liên tục giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với các cử tri Quận 2 chiều 9/5 là buổi tiếp xúc lịch sử.
Gần 100 hộ dân tới Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 2, mang theo hồ sơ pháp lý, bản đồ, và tất cả những bức xúc đè nén về vấn đề ranh quy hoạch, công tác bồi thường, bố trí tái định cư, việc chậm giải quyết đơn thư khiếu nại,... liên quan tới "siêu dự án" này.
Sau nhiều năm liên tục lên tiếng, đây là lần đầu tiên họ được chính quyền lắng nghe. Chính ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Quận 2, cũng nói không ngờ cử tri lại đến đông như vậy.
Năm 1996, khi bắt đầu khởi động dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, các lãnh đạo thành phố thời điểm đó kỳ vọng đây sẽ là trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế.
20 năm trôi qua, mảnh đất vàng này được phủ kín bởi các tòa cao ốc, đại dự án nghìn tỷ của các đại gia bất động sản, xen lẫn với nhiều khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước, sinh hoạt thiếu thốn.
Ông Đặng Văn Truyền là chủ hộ căn nhà cuối cùng bị phá dỡ tại Khu phố 1, phường Bình An vào năm 2015. Ông cùng nhiều người hàng xóm bị đẩy ra khu ở tạm cư nhếch nhác, trong khi giá đền bù được miêu tả "chỉ mua được mấy tô phở".
"Khi phê duyệt cả Thủ tướng và lãnh đạo thành phố đều muốn người dân cố cựu được hưởng quyền lợi trước nhất, bây giờ chính người dân cố cựu khổ cực như thế này làm sao hợp lẽ?", ông Truyền hỏi đoàn đại biểu.
"Người dân Thủ Thiêm chưa nhận được thành quả ở Thủ Thiêm", cử tri Nguyễn Tiến Hịnh (phường Thành Mỹ Lợi) nói.
Năm 2012, gia đình ông nhận được quyết định thu hồi đất. Nghĩ đây là việc mở rộng trung tâm thành phố, xây dựng khu đô thị mới, cả gia đình đồng ý chuyển tới nơi tái định cư. Ông được đền bù 2 triệu đồng/m2 và phải bù thêm 40 triệu đồng/m2 mới có thể vào được nơi ở mới. "Thành phố giải thích nơi này có thang máy, ở trung tâm nên đắt tiền. Chúng tôi đâu có cần và nếu cần thì lấy đâu ra từng ấy tiền mà mua?".
Sau nhiều năm dự án khởi động, những người như ông Hịnh ngỡ ngàng vì không biết quảng trường, khu vui chơi, bệnh viện, trường học,... ở đâu tại Thủ Thiêm, mà chỉ thấy mọc lên nhà cao tầng, villa.
Trưng ra sơ đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà tại Thủ Thiêm thuộc quyền sở hữu nhà nước, tỷ lệ 1/10.000, cử tri Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn qua bản đồ này để khẳng định nhà, đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Nếu Nhà nước cần đất mở rộng thành phố, xây dựng đô thị mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng 20 năm qua, chưa thấy cái gì thành hình, tất cả chỉ bán đất, phân lô, xây chung cư,..."
"Đã đau khổ quá lâu", những người phụ nữ mới học tới lớp 9 phải tự học luật để bảo vệ gia đình, những cựu chiến binh dành cả tuổi thanh xuân chiến đấu giành độc lập để cuối đời chưa thể có tự do cho chính mình, những bậc cha mẹ hàng ngày chứng kiến con cháu mình chen chúc trong căn nhà tái định cư nhếch nhác,... đồng lòng khẳng định như vậy.
Xếp hàng đăng ký được phát biểu, chờ khoảng 6 tiếng để có 5 phút lên tiếng về những bức xúc kéo dài 10 năm, nhưng đến khi được cầm vào micro, ông Trần Kim Long lại không giấu được cơn nấc nghẹn.
Người cựu chiến binh từng chiến đấu tại nhiều mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho biết: năm 2007, trong một lần đi vắng, khi trở về đã thấy nhà bị tịch thu.
Trước đó, ông không được nhận quyết định giải tỏa, chưa từng được tiếp xúc về vấn đề giải tỏa, chưa từng nhận được giấy tờ bồi thường hay số tiền bồi thường, cũng chưa từng ký bất cứ giấy tờ nào.
Ông và con trai hiện phải đi ở nhà thuê, không có công ăn việc làm vì không có giấy tờ, hộ khẩu rõ ràng. "Tôi không có gì trong tay để chứng minh đó là đất của tôi. Tôi chưa từng có giấy tờ gì để chứng tỏ nhà mình đã bị cưỡng chế".
8 giờ với hàng chục kiến nghị 'nóng hổi' của cử tri Thủ Thiêm Suốt gần 8 giờ liên tục, hàng loạt những câu hỏi, vấn đề được cử tri Thủ Thiêm chuyển tải đến tổ ĐBQH TP.HCM. Họ mong muốn thành phố "giải quyết công bằng" để ổn định cuộc sống.
Đi khiếu kiện, ông Long được hứa hẹn sẽ giải quyết. Ông đã chờ hơn 10 năm tại nơi ở tạm mục nát. Những người như ông Long, là 3 không: không Quyết định thu hồi đất, không tiền đền bù, không có nơi ở tái định cư.
"Tôi muốn bà con bình tĩnh, chúng ta đã chờ được 20 năm, chẳng lẽ không chờ thêm chút nữa?", những người dân Thủ Thiêm tự nói với nhau, như họ vẫn nói với nhau bao nhiêu năm nay.
Nếu nói dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm là một đứa bé, được khai sinh vào ngày 4/6/1996, cùng quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì đến nay, đứa trẻ này đã 22 tuổi. Nó được nuôi lớn lên, bằng những khiếu kiện, khiếu nại, đơn thư, nước mắt, bức xúc của rất nhiều hộ dân.
Đọc tiếp:
1. Kỳ 2: Thủ Thiêm - Cơ sở pháp lý nào thu hồi đất của dân?
2. Kỳ 3: Đề nghị thanh tra dự án Thủ Thiêm
Đọc tiếp:
1. Kỳ 2: Thủ Thiêm - Cơ sở pháp lý nào thu hồi đất của dân?
2. Kỳ 3: Đề nghị thanh tra dự án Thủ Thiêm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét