Khi mới về đến đất làng Lý Học (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) tôi đã ngửi thấy hương vị thuốc lào. Một người chuẩn bị chiếc dao thái sợi nhỏ mỉm cười nhìn tôi, rồi hỏi có làm thử một điếu thuốc lào tươi không, phê phải biết. Ông ta rút ra một chiếc điếu cày to tướng, dài đến cả mét. Tôi tò mò rẽ ngay vào bãi thuốc. Thôi thì cứ thử mơ mộng chút với cái thứ “Cỏ tương tư” này xem sao...
Nhớ ai như nhớ…
Cái gò phù sa bên sông Hàn ngàn năm dần dần mở rộng thành làng, thành xóm. Tên làng được gọi là Lý Học từ xa xưa rồi. Không hiểu vì sao nữa. Chuyện xưa kể, có một anh học trò hàng ngày đi qua sông và bén duyên với cô lái đò xinh đẹp.
Cô bé mới 15 tuổi hàng ngày chở chàng lên huyện học. Rồi sau còn ra tỉnh dùi mài kinh sử, chàng chỉ có đi đò của nàng, lần nào cũng liếc mắt đưa tình, như muốn gửi lại lời hò hẹn. Thời gian trôi đi, chàng lên kinh thi, đỗ đạt làm quan không còn thấy quay về. Cô lái đò ngày trông tháng đợi. Lòng nàng trĩu nỗi niềm thương nhớ. Tâm những sầu mà héo hon. Hoa nở đến lúc tàn phai. Cô lái đò đổ bệnh tương tư mà chết.
Cha mẹ xây mộ ngay trên bến đò theo ý nguyện của cô vì hồn vẫn vọng người về. Nhưng cô đâu có ngờ, chàng học sinh nghèo năm xưa đã trở lại, vì thấy lòng xôn xao và nhớ nhung đến cháy bỏng ruột gan. Thu xếp việc quay trở lại bến đò thì người xưa đâu tá. Chỉ còn một nấm mộ cỏ mọc xanh rờn.
Trên nấm mộ mọc lên một cây có tàn lá xum xuê chồng lên nhau như cái nơm úp. Một chùm bông hoa trắng muốt bỗng bừng nở khi chàng trai chạm vào. Ngát một mùi hương se se ngai ngái như nỗi nhớ bị chôn sâu dưới lớp phù sa sông Hàn.
Chàng trai năm xưa buồn rầu, ngắt một cánh lá non nếm thử, mới thấy cay cay. Vị cay sâu làm tê cả lưỡi. Chàng trào nước mắt vì thương nhớ người mình yêu năm xưa. Chàng đứng bên nấm mồ khóc nức nở. Lòng thương nhớ khôn nguôi.
Người làng biết chuyện gọi đó là cây lá tương tư. Họ mang về phơi rồi cuộn thành lá hút. Khói thơm phức hương xưa kể lại một mối tình. Đó chính là sự tích hình thành cây thuốc lào ở làng Lý Học tự xa xưa. Cả làng trồng thuốc lào và sấy thuốc đem đi bán khắp bàn dân thiên hạ từ đó.
Người đàn ông trong làng kể chuyện cho tôi nghe, rồi nhấn mạnh đất làng Lý Học có một vị riêng mà nó gửi vào những lá thuốc lào, thơm và đậm hơn bất kể nơi đâu. Có thể ví như cây trà trên Thái Nguyên vậy, không vị trà nơi nào thơm và có vị cốm ngầy ngậy, ngọt hậu như cây trà trên đất xã Tân Cương. Vì thế thuốc lào ở Lý Học, Vĩnh Bảo thơm ngon nổi tiếng từ hàng trăm năm qua. Đến đâu những người nghiện chỉ tìm mua thuốc Vĩnh Bảo là vì vậy.
Tục ngữ xưa đã truyền khắp vùng rằng: “Diêm Quả đào, thuốc lào Vĩnh Bảo”. Ông già làng còn kể, nhiều câu ca dao hay về thuốc lào đều hình thành từ làng này mà ra cả. Nhất là câu ca cổ quen thuộc: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Trong dân gian cũng lắm người viết thơ về món "khoái khẩu" này. Họ tếu táo ra thơ về thuốc lào, đến nay dân trong làng đều thuộc, như: “Thuốc lào chồng hút vợ say. Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà. Có anh hàng xóm đi qua. Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần. Thêm chú gà trống ngoài sân. Mổ nhầm bã thuốc cánh chân cứng đờ. Lại còn chị gái hoa mơ. Ngửi phải hơi thuốc bơ phờ cả lông…”.
Đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng một lần họa thơ về điếu bát của cánh mày râu, rất kỳ thú: “Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao. Mân mân mó mó đút ngay vào. Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục. Âm dương hòa khí sướng làm sao”. Phải nói đó là những vần thơ đặc sắc nhất nói về cái khoái thú của việc hút thuốc lào từ xưa đến nay.
(Vương Tâm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét