Trước ý kiến cho rằng, Hạ Long “cấm” tàu du lịch của Cát Bà (Hải Phòng) đưa du khách sang tham quan vịnh Hạ Long, ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - cho rằng, để kết nối 2 điểm đến này, trước hết 2 bên phải thống nhất tour, tuyến theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đồng bộ công tác quản lý, bởi, hiện chất lượng đội tàu du lịch của 2 bên quá khác xa nhau.
Không “ngăn sông, cấm chợ”
Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó trưởng BQL vịnh Hạ Long - trước đây, thời điểm cả Cát Bà chỉ có vài tàu du lịch nhỏ thì thỉnh thoảng có đưa khách đến vùng giáp ranh giữa Cát Bà và vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, từ 1.7.2011, Cảng thủy nội địa cấp lệnh tại các điểm tham quan thì không sang được, bởi hầu hết các tàu du lịch của Cát Bà thời điểm đó chưa đủ điều kiện chạy tuyến đường biển. “Ngay cả những tàu chạy tuyến cố định Cát Bà - Tuần Châu hiện nay phần lớn cũng là tàu của Quảng Ninh chuyển sang vì đây là những tàu đủ tiêu chuẩn chạy tuyến biển”.
Trong khi đó, ông Bùi Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh - cho biết, hiện chỉ có tuyến cố định chạy thẳng từ Gia Luận sang Tuần Châu, chứ không được rẽ ngang. Thỉnh thoảng cũng có chuyến thẳng từ Cát Bà sang cảng Vinashin Hòn Gai, nhưng chạy theo hợp đồng chuyến và chạy trên tuyến đường thủy, chứ không phải tuyến du lịch. Trong trường hợp tàu du lịch Cát Bà muốn đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long thì ít nhất Quảng Ninh và Hải Phòng phải thống nhất tour, tuyến và bố trí các lực lượng chức năng trên tuyến này. Trong đó, trước hết, bên Cát Bà phải được cấp thẩm quyền công bố tuyến, điểm du lịch, luồng đường thủy, hàng hải, cảng bến, khu neo đậu, khu tránh trú.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, cả đại diện Sở GTVT Quảng Ninh và UBND TP.Hạ Long đều khẳng định, để kết nối du lịch giữa 2 bên, đầu tiên, huyện Cát Hải phải có văn bản đề nghị về việc kết nối, tuy nhiên đến nay, cả 2 đơn vị này chưa nhận được ý kiến chính thức của Cát Hải. Ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chưa nhận được đề xuất trên của Hải Phòng.
Bất cập quản lý
Theo những chủ tàu lớn tại vịnh Hạ Long, kể cả khi 2 bên thống nhất mở tuyến Cát Bà - vịnh Hạ Long thì cũng còn rất nhiều việc phải giải quyết, bởi việc quản lý, chất lượng đội tàu giữa 2 bên hiện rất khác biệt. Trong khi đội tàu của vịnh Hạ Long từ nhiều năm qua đang được tinh lọc dần, với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, thẩm mỹ và cả tàu, đội ngũ nhân viên bị xử lý rất mạnh tay nếu vi phạm.
Tất cả các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cả tàu tiếng hiện đều phải lắp hệ thống cứu hỏa hiện đại, hệ thống camera, định vị để cơ quan chức năng giám sát. Đặc biệt, với hệ thống định vị, có thể biết tàu du lịch đó đang ở đâu, làm gì, thậm chí có thể truy lại hành trình trên vịnh cả nhiều ngày trước đó. Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó trưởng BQL vịnh Hạ Long - vì siết chặt quản lý nên nhiều tàu đã được chuyển sang Cát Bà hoạt động. “Đã có khoảng 30 tàu cũ chuyển sang Cát Bà hoạt động. Vậy, nếu kết nối tour, những tàu này có được trở lại vịnh Hạ Long hay không?” - ông Huỳnh đặt câu hỏi.
Một số chủ tàu Quảng Ninh cũng xin đóng tàu mới bên Cát Bà do Quảng Ninh tạm dừng việc này và sau này, nếu có tiếp tục thì tàu phải theo mẫu, chuẩn vừa được Sở GTVT Quảng Ninh công bố. Theo đó, với tàu tiếng ít nhất phải là 60 ghế, thay vì 48 ghế trở xuống như hiện nay. Đây cũng là bài toán rất hóc búa một khi vịnh Hạ Long - Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới mà Hải Phòng đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận. “Sự khác biệt về chất lượng tàu, dịch vụ, quản lý là một chuyện. Nhưng, để tàu du lịch Cát Bà được đưa khách tham quan vịnh Hạ Long, trước hết 2 bên phải công bố tour, tuyến đã. Vì thế không thể nói Hạ Long ngăn sông, cấm chợ được” - ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - chia sẻ.
(NGUYỄN HÙNG)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét