22 tháng 12, 2017

Hiểm họa từ "chợ vũ khí" trên mạng

Một vấn đề đáng lo ngại là chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản là người mua có thể tìm được các trang rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Bất chấp pháp luật, "chợ vũ khí" trên mạng vẫn hoạt động ngày càng biến tướng, đe dọa trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội.


Theo quy định của pháp luật, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và các loại công cụ hỗ trợ được xác định là phương tiện đặc biệt, trang bị cho một số lực lượng chức năng sử dụng để giữ gìn an ninh, trật tự, trấn áp tội phạm... Tuy nhiên thời gian qua, trên mạng xã hội, các đối tượng tội phạm đã công khai rao bán nhiều loại vũ khí nguy hiểm và các công cụ hỗ trợ. Các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán khá phong phú về chủng loại cũng như giá cả và thường được che đậy dưới vỏ bọc "vũ khí tự vệ", trong đó, phần lớn là các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với khả năng gây sát thương cao như: Súng tự chế, mã tấu, kiếm, đao, dùi cui điện, roi điện,... thậm chí cả vũ khí quân dụng. Do nắm bắt được nhu cầu của một số thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng từ những bộ phim, clip, trò chơi bạo lực, nảy sinh tâm lý thích sử dụng vũ khí như nhân vật họ hâm mộ, cho nên một số loại vũ khí nguy hiểm được sản xuất "ăn theo" trào lưu như: Bộ móng vuốt kim loại, tay gấu (nắm đấm kim loại) hoặc kiếm,... cũng được một số đối tượng rao bán tràn lan trên mạng.

Dưới các tên gọi như: Shop dụng cụ, shop vũ khí tự vệ - súng đạn thật; Chợ mua bán vũ khí, mua bán công cụ hỗ trợ; Chuyên bán súng K54, K59, hoa cải và công cụ hỗ trợ,... những trang mạng xã hội này luôn thu hút hàng chục nghìn lượt like (yêu thích) cũng như comment (bình luận) mỗi ngày. Chỉ tính từ ngày 1-7 đến 26-8-2017, trên in-tơ-nét ghi nhận gần 92.500 lượt tương tác liên quan hành vi mua bán vũ khí. Ngoài ra, có hơn 4.500 lượt tương tác liên quan việc rao bán vật liệu gây nổ. Không chỉ đăng hình ảnh cụ thể từng loại vũ khí, những chủ tài khoản này còn công khai số điện thoại để người mua có thể giao dịch trực tiếp. Không chỉ rao bán, một số "cửa hàng" trên mạng xã hội còn đăng thông tin về việc mình đang cháy hàng và cần mua, nhập một số lượng lớn... Theo lực lượng chức năng, phần lớn công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm được rao bán trên in-tơ-nét hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài, được nhập lậu qua biên giới và tuồn vào các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh,... Nguy hiểm hơn, một số đường dây mua bán còn kiêm luôn cả khâu sản xuất súng đạn và nhận "nâng cấp" từ súng ít sát thương lên súng gây sát thương cao. Một số đối tượng dùng công nghệ 3D để sao chép, sản xuất nhiều loại súng có tính năng cao, giá trị lớn, rồi bán ra thị trường.


Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2012 đến tháng 6-2017, cả nước xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan mua bán vũ khí. Hầu hết các vụ việc vi phạm về tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ đều do các đối tượng, nhóm đối tượng manh động, liều lĩnh thực hiện và có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng. Có thể xem đây là nguyên nhân khiến số vụ trọng án mà người gây án sử dụng "vũ khí nóng" có xu hướng tăng. Trên thực tế, có không ít vụ cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ,... xảy ra và nhiều đối tượng đã sử dụng súng, kiếm và công cụ hỗ trợ là phương tiện gây án.

Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng mà hung thủ dùng súng để tiến công nạn nhân. Ðiển hình là ngày 4-7-2016, ở tỉnh Hà Nam, Lê Việt Hoàn (ở phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý) dùng súng K54 bắn chết ông Lê Hữu Trí (thôn Bảo Lộc 1, phường Thanh Châu, TP Phủ Lý). Cũng tháng 7-2016, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trần Hữu Thịnh và Nguyễn Văn Toàn (cùng trú tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) được thuê giết ông Phạm Ðức Thịnh (giám đốc một doanh nghiệp tại huyện Tân Thành). Hai đối tượng đã giết nạn nhân bằng súng. Ðầu năm 2017, tiếp tục xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng liên quan cá nhân, nhóm đối tượng "thanh toán" lẫn nhau bằng đao, kiếm, súng,... khiến nhiều người bị thiệt mạng.

Không dừng lại ở tình trạng tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép và sử dụng như một vật để phòng thân hay dùng làm hung khí khi xảy ra mâu thuẫn, một số đối tượng còn sử dụng để chống lại người thi hành công vụ. Những sự việc này đang có nguy cơ trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuân thủ kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, đe dọa an toàn tính mạng người dân và trật tự xã hội.


Tuy nhiên, hiện nay, việc xử lý các hành vi mua bán "hàng nóng" trên mạng xã hội đang gặp không ít khó khăn do khó xác định danh tính, địa chỉ cả người bán lẫn người mua; một số mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài. Bên cạnh đó là một số vướng mắc do quy định của pháp luật. Theo Ðại tá Ðỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), nhiều loại vũ khí như súng săn, súng bắn cồn, bắn gas... gây sát thương rất lớn, có thể gây chết người nhưng chỉ có thể xử lý hành chính chứ không thể khởi tố và xử lý hình sự. Ngoài ra, hoạt động tự chế vũ khí lại khá dễ dàng khi các video hướng dẫn làm súng săn, súng hơi, súng khí CO2,... và nhiều vũ khí khác tràn ngập trên in-tơ-nét. Thậm chí hoạt động này còn được hợp thức hóa thông qua các diễn đàn khoa học như: Câu lạc bộ tên lửa mô hình, Câu lạc bộ hóa học,... nhưng thực chất là nơi chia sẻ và hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các loại thuốc nổ, kíp nổ điện, phương pháp kích nổ từ xa bằng điện thoại di động... Hiểm họa từ những video, diễn đàn hướng dẫn tự chế vũ khí rất khó lường, bởi ý thức một bộ phận người dân chưa cao, dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực. Thêm vào đó là tính chất lưu manh, liều lĩnh, trắng trợn ngày càng tăng của những nhóm tội phạm tàng trữ, buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép.

Thực tế, trong những năm gần đây việc mua bán vũ khí trên mạng không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn gây căng thẳng tại nhiều quốc gia. Chính sự phức tạp và nguy hiểm của các "chợ vũ khí đen" này đã buộc trang mạng xã hội Facebook phải ban hành một lệnh cấm các tổ chức buôn bán vũ khí trái phép trên mạng hoạt động trá hình núp bóng các nhóm xã hội để thực hiện giao dịch. Ðồng thời, Facebook đã tạo cơ chế mới để người sử dụng có thể dễ dàng báo cáo về hoạt động buôn bán vũ khí trên mạng xã hội này. Khi nhận được báo cáo từ người sử dụng, Facebook cam kết sẽ gỡ bỏ các bài đăng liên quan buôn bán vũ khí. Các chuyên gia của Facebook có thể khoanh vùng rà soát đối tượng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mua bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, khó lường. Do đó, cùng với giải pháp và cam kết từ phía các trang mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn. Trước tiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các cá nhân có ý định mua bán, sử dụng vũ khí "nóng", nhận thức được đó là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Khoản 1, Ðiều 230 Bộ luật Hình sự quy định rõ: "Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm". Cùng với việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng trái phép, cơ quan chức năng cần phát hiện, chặn đứng nguồn cung, xử lý nghiêm các vi phạm. Không chỉ các cơ quan chức năng mà người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức để thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ. Sự hợp tác của người dân sẽ góp phần tích cực ngăn chặn hiểm họa từ những "chợ vũ khí" bất hợp pháp trên mạng hiện nay.
(THANH GIANG)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét