30 tháng 12, 2017

Nỗi niềm "chọi trâu"

Tại cuộc gặp báo chí ngày 29/12, Sở Văn hoá - Thể thao (VH-TT) Hà Nội tiếp tục đưa ra biện pháp cứng rắn: Sẽ không ủng hộ và không cấp phép lễ hội chọi trâu.

Điều này đồng nghĩa với việc, năm nay lễ hội chọi trâu của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) sẽ không được tổ chức.

Vậy các địa phương khác thì sao? Hãy xem qua Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Dù mới đây đã xảy ra tai nạn hi hữu là trâu chọi húc chết chủ, nhưng Lễ hội này vẫn được tổ chức. Rất nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hoá đã nêu quan điểm của mình, nhưng khái quát lại, phần lớn họ muốn giữ Lễ hội chọi trâu.


Một nhà nghiên cứu văn hóa danh tiếng cho rằng, lễ hội chọi trâu nằm sâu trong tiềm thức con người vì thế không lý do gì để cấm đoán. Tất nhiên vị này cũng thừa nhận những bất cập của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nói riêng, các lễ hội tương tự ở trên nhiều vùng miền đất nước nói chung. Nhưng ông này cho rằng, có bất cập thì chính quyền địa phương cần "quản lý mạnh mẽ và sát sao hơn", không để cho lễ hội chọi trâu bị biến tướng thành thương mại hóa lễ hội. “Điều gì cũng bắt nguồn từ dân, từ cộng đồng, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn có tồn tại hay không do cộng đồng người dân Đồ Sơn quyết định", khi đó nhà nghiên cứu này đã nói như vậy. Vậy là chọi trâu Đồ Sơn vẫn được tiếp tục, dù rằng theo yêu cầu của cơ quan chức năng, phạm vi tổ chức có hẹp hơn trước.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng, Đồ Sơn được tổ chức chọi trâu, sao Phúc Thọ lại không thể? Không lẽ con trâu ở Hải Phòng khác trâu ở Hà Nội? Hay bởi Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có lịch sử lâu đời hơn, hay còn bởi tiêu chí nào khác? Nơi cho tổ chức lễ hội, nơi lại không cho, như vậy có khiến người dân "tâm phục, khẩu phục" không? Rõ ràng đây là những câu hỏi cần có câu trả lời cụ thể, từ cơ quan quản lý hoạt động này, đó là ngành văn hóa.

Tất nhiên chúng tôi hiểu, những ý kiến trên đây không nhằm bảo vệ Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ hay các lễ hội có yếu tố bạo lực, bởi nhiều người cũng không thích thú gì khi xem chọi trâu. Hơn nữa, trong thời đại văn minh, những lễ hội không còn phù hợp cũng cần được xem xét đưa ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội. Như ở Tây Ban Nha, nơi đấu bò tót được coi là một “di sản văn hóa”, dù không có chuyện mổ thịt con bò trước đám đông để bán giá cao như ở nước ta, nhưng người dân cũng liên tục biểu tình kêu gọi ban hành lệnh cấm tổ chức các cuộc đấu. Lý do không chỉ sự nguy hiểm với những người tham gia cuộc đấu, mà còn vì họ cho rằng lễ hội này đã thiếu tính nhân đạo đối với động vật.

Tuy vậy, việc bỏ hay giữ lễ hội nào cũng cần có sự nhìn nhận thấu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi các lễ hội đó là tấm gương phản chiếu đời sống vật chất, tinh thần của một giai đoạn lịch sử tại một địa bàn cụ thể. Ở góc độ nào đó, việc một cộng đồng dân cư muốn giữ lễ hội, dù là vô thức hay ý thức, cũng là cách để cộng đồng ấy kéo dài sợi dây lịch sử và các yếu tố truyền thống của mình. Do vậy, nếu muốn bỏ, cần có sự trao đổi, giải thích, thậm chí là tranh luận, để đạt được mục đích tốt đẹp nhất của hành động này, đó là vì cuộc sống và sự nhân bản trong mỗi con người.

(Minh Nhật)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét