25 tháng 12, 2017

Nhiệt huyết với công tác Đoàn

“Trường là ngôi nhà thứ hai của tôi nên tôi muốn đem đến những gì tốt đẹp cho ngôi nhà của chính mình”- Cô giáo Trần Thị Ninh – đảng viên, Bí thư Đoàn Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn chia sẻ về những hoạt động sôi nổi mà chị làm trong suốt 11 năm công tác tại trường. Chị là một trong những tấm gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp thành phố.

Tốt nghiệp THPT, khát khao được tiếp tục với màu áo trắng học đường đưa Trần Thị Ninh bước chân vào giảng đường Trường đại học Hải Phòng. Để rồi, mơ ước thực sự đến với chị khi trở lại giảng dạy tại ngôi trường xưa- nơi chị coi như ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời mình.


Để làm cho “ngôi nhà” của mình lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc và ước mơ, Trần Thị Ninh bắt tay đánh từng “xô vữa” thể hiện vai trò “kết dính” giữa tổ chức Đoàn trường, Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Làm Bí thư Đoàn trường, Trần Thị Ninh có cơ hội tham gia những chuyên đề, hội họp của Thành Đoàn. Từ đó, chị tham khảo cách làm của các đoàn trường, áp dụng trong việc củng cố vào xây dựng câu lạc bộ, các chuyên đề, hoạt động thiện nguyện, tìm kiếm sự ủng hộ từ các thầy, cô giáo, Ban giám hiệu nhà trường, hội đồng sư phạm nhà trường, nhất là các bậc phụ huynh học sinh.

Coi học sinh là trung tâm của mọi hoạt động, chị lắng nghe để thấu hiểu, gần gũi học sinh như những người bạn bè. Thầy, trò nhà trường vẫn nhớ câu chuyện về một em học sinh có những sai lầm nhưng Trần Thị Ninh vẫn đặt niềm tin vào em, hướng em vào các hoạt động Đoàn, giúp em cơ hội sửa chữa sai lầm. Thầy, trò nhà trường không lạ khi thấy cô giáo Ninh ngồi với bạn học sinh nào đó đang lặng lẽ trên ghế đá học đường; hoặc nhắn tin tới 12 giờ đêm với những học sinh nhiều tâm sự. Chính những việc “không đâu vào đâu” đó giúp chị dần dần lấy được tình cảm và sự tin cậy của các em học sinh.

Gần gũi với học sinh, Trần Thị Ninh hiểu được nhu cầu của các em ngoài những giờ học căng thẳng trên lớp. Chị đề xuất nhà trường thành lập các câu lạc bộ các môn thể thao bơi, bóng đá, bóng rổ… tạo sân chơi cho những em ham thích thể thao. Những em thích các hoạt động xã hội, chị đề xuất nhà trường thành lập câu lạc bộ kỹ năng, Câu lạc bộ thiện nguyện. Các em thích đọc sách và khả năng MC, có Câu lạc bộ phát thanh, phòng tự học với việc ký kết chương trình luân chuyển sách hằng tháng với Thư viện thành phố. Trần Thị Ninh có nhiều cách để thúc đẩy phong trào “Sáng tạo trẻ” thông qua tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hội nghị, tọa đàm nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên. Phong trào “ Khi tôi 18”; “ Học sinh 3 tốt”; cuộc vận động thông qua viết Nhật ký làm theo lời Bác, các hoạt động thiện nguyện được tổ chức đều đặn theo tháng. Những hoạt động này liên tục được triển khai, khơi gợi cảm hứng nghiên cứu, học tập của học sinh.

Ngoài những kế hoạch, chương trình bám sát và giải quyết đời sống phong phú đầy sôi nổi của lứa tuổi trăng tròn, Trần Thị Ninh cùng Ban chấp hành Đoàn khéo léo trao đổi, phối hợp để có được sự đồng thuận, nhìn nhận trách nhiệm cao từ các giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh, và chính học sinh. Chị chia sẻ: “Tôi muốn cùng các thầy, cô và gia đình các em tạo ra một vòng tay yêu thương cho các học sinh, giúp các em được trải nghiệm đầy đủ những hoạt động xã hội, có những kỹ năng cần thiết để bước chân vào giảng đường đại học. Có thể từ những hoạt động của cuộc thi viết, dựng chương trình phát thanh, tham gia các hoạt động từ thiện, các cuộc thi thể thao, các em sẽ nhìn thấy được “công việc” mà mình muốn làm trong cuộc đời này.”

(Trúc Lâm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét