15 tháng 12, 2017

Người trong cuộc Bàn về tính tư lợi

Tính tư lợi, tức đặc tính chỉ biết đến (đề cao lên trên hết) lợi ích cá nhân mà xem nhẹ hoặc thậm chí muốn chiếm đoạt lợi ích của người khác về làm của mình. Một khía cạnh khác gọi là tính ích (vị) kỷ, tức chỉ biết bản thân chứ không quan tâm đến quyền lợi và mưu cầu của người khác.

Đó là một đặc tính của không ít người trong xã hội chúng ta. Nó đang hoành hành và tàn phá con người dưới nhiều góc độ, đặc biệt là việc quản lý quốc gia thông qua việc hoạch định chính sách và luật pháp.

Tính tư lợi, nếu xét về mặt cá nhân, tức đơn vị cá thể nhỏ nhất cấu thành nên xã hội, thì đó là việc một con người chỉ quan tâm xem mình được gì hoặc sẽ mất gì trong cuộc sống, trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Họ thường có tâm lý thăm dò, xét nét, sợ hãi và cân đo đong đếm từng ly từng tí trước khi cân nhắc sẽ làm việc gì đó. 

Ở đây, không thể đánh đồng sự cẩn trọng với việc toan tính và đề cao lợi ích cá nhân lên trước hết mọi thứ. Tính cẩn trọng là một nguyên tắc cần thiết trong công việc, nhưng là một đức tính mà ở đó người có được nó luôn xem xét sự việc dưới góc nhìn khách quan, phân tích và dự trù những phương án tối ưu để hành động, trong đó có việc làm sao để hài hòa cho cả mình và những người xung quanh, không xâm hại đến người khác hoặc quyền lợi của họ, và họ tính toán để giảm thiểu rủi ro, để tránh thất bại hoặc gây tổn hại, mất mát. 

Còn tính tư lợi là đặc tính được xem xét dưới góc độ là một động cơ của hành động, động cơ này là điều kiện duy nhất để khiến một con người thực hiện hành vi mà bất chấp hoàn cảnh và các điều kiện khác, chỉ nhằm mục đích duy nhất là để có thể chiếm dụng, chiếm hữu được lợi ích nào đó, kể cả xâm hại hoặc tước đoạt quyền lợi của những người có liên quan.

Gian dối trong làm ăn, làm hàng giả, hàng nhái...
Điều này đã được cụ Phan Chu Trinh đúc kết, nó cũng tương đồng với nhận xét của giáo sư Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương, cũng giống với nghiên cứu về đặc tính con người Việt Nam của một viện nghiên cứu của Hoa Kỳ công bố mới đây, ở đó cũng trùng khớp với nhận định của người Nhật Bản trong khi quan sát và tổng kết về tính phổ biến này trong xã hội chúng ta.

Vì tính tư lợi là động cơ của hành động, nên nó thường có xu hướng tạo nên những hành vi xấu, mà nếu được duy trì bởi phần đông con người trong một đất nước thì nó sẽ khiến cho con người trong quốc gia đó trở nên xa cách nhau, dễ dàng nghi kỵ lẫn nhau, ganh ghét, tính toán và kể cả là làm điều ác để hãm hại nhau. 

Vậy nếu một đất nước mà con người chỉ biết tư lợi, không thể liên kết nhau để làm ăn, để cùng học hỏi, trợ giúp nhau phát triển thì đất nước ấy cũng làm sao mà phát triển được?

Một gia đình, cha mẹ và con cái có đồng thuận, quan tâm đến nhau, đến quyền lợi của nhau, thì gia đình đó mới hòa thuận, êm ấm và cùng biết cách gánh vác và chia sẻ công việc chung, sẽ thúc đẩy kinh tế gia đình khá giả. Còn ngược lại, trong gia đình đó ai cũng như ai chỉ quan tâm và đòi hỏi cho quyền lợi của bản thân thì ai sẽ là người làm ra và đáp ứng các mưu cầu lợi ích cho các cá nhân đó? 

Biết lắng nghe và biết chia sẻ, biết tìm hiểu và quan tâm đến không chỉ quyền lợi của mình mà còn cả của những người khác, thì mới có thể có phương cách để thực hiện tốt nhất việc làm hài hòa lợi ích của các bên. 

Như trong thương thảo hợp đồng, một bên cứ khăng khăng đổ cho bên kia phải chịu mọi trách nhiệm trong việc hỏng hóc hàng hóa và còn chăm chăm đòi phạt thật nặng người ta thì thử hỏi ai dám làm ăn với những đòi hỏi quá đáng như thế?

Hay đặc tính tư lợi chúng ta còn thấy rõ nét nhất hiển hiện ngay trong cuộc sống đời thường mà chúng ta có thể bắt gặp bất kỳ ở đâu khi ra ngoài. 

Ví dụ, đi đường, ta thấy cảnh người ta chen nhau lên vỉa hè, đứng chờ đèn đỏ mà vượt qua vạch cho phép, hoặc cứ thế lao đi khi đèn còn chưa kịp chuyển sang xanh. Đó chính là tư lợi, vì mỗi khi bạn lấn làn đường, vượt đèn đỏ, chèn qua vạch chờ, là đang xâm phạm vào lợi ích của người khác và lợi ích công cộng đang được luật pháp bảo vệ. 

...cũng bắt đầu từ căn tính tư lợi của con người.
Hay trong trường học, các phụ huynh chỉ muốn con cái mình hơn con người khác, dù thua một chút về điểm chác là tức tối, khó chịu, tìm mọi cách để làm sao “hơn bạn hơn bè” để “nở mày nở mặt” với thiên hạ. 
Và từ đó là cứ nhờ vả thày cô trong việc chấm điểm, thi cử, học thêm, chạy chọt, quà biếu để thầy cô quan tâm hơn đến con mình,... tất cả những hành động đó xuất phát đều từ tính tư lợi của bản thân những người lớn mà ra.
Nó không những làm hỏng cả thầy cô, mà cũng gây nguy hại cho những đứa trẻ trong quá trình lớn lên và trưởng thành. Hay trong câu chuyện hàng xóm, láng giềng, người ta vẫn hay kháo nhau chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” hay “trâu buộc ghét trâu ăn” là để chỉ tính ganh ghét, đố kỵ, sự nhỏ nhen, ích kỷ chỉ muốn bản thân là nhất và từ đó là chỉ muốn các quyền lợi làm sao chảy về phía mình chứ không muốn ai khác có được. 
Và từ đó là tìm mọi cách để cốt sao chiếm đoạt được những lợi ích đó, ví dụ như chuyện sẵn sàng khai man hộ nghèo, tuổi tác, khai tử người sống để hưởng chính sách đãi ngộ của nhà nước. Hoặc để nhận hỗ trợ lũ lụt mà người không thiệt hại cũng kê khai thiệt hại, người chẳng nằm trong chính tâm vùng bão lũ cũng khai vống con số lên cao gấp nhiều lần thực tế. 
Hay chuyện xin đầu tư dự án thì thường xuyên kê khai giá cao hơn lên, tìm cách chuyển giá, hoặc đội vốn. Trong làm ăn thì ăn gian làm dối, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trốn thuế hoặc lo lót để không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. 
Tất thảy những hiện tượng tiêu cực đó đã trở thành phổ biến, mà đã phổ biến thì nó trở thành bản chất, và nó bắt đầu từ căn tính tư lợi (ti tiện, hẹp hòi, nhỏ mọn, gian tham) của một con người mà ra.
Tính tư lợi của người lớn gây nguy hại cho những đứa trẻ trong quá trình trưởng thành.
Trong quốc gia, việc hoạch định chính sách cũng phải dựa trên căn cứ mưu cầu chung của xã hội, của người dân, chứ không chỉ để thỏa mãn mục đích quản lý của một vài cơ quan nhà nước, một vài ngành, lĩnh vực nào đó, mà phải tính toán tới lợi ích cộng đồng, dân sinh, môi trường, tính bền vững, khả năng thực thi trên thực tế, các rủi ro có thể xảy ra (hậu quả lớn không, có khắc phục được không nếu nó khởi phát, người dân có chịu ảnh hưởng nghiêm trọng không, có kéo dài không...). 
Nếu chỉ biết tư lợi, đặt lợi ích quản lý làm sao để dễ dàng nhất cho mình để áp đặt lên xã hội những chính sách phi lý, theo góc nhìn thiển cận và tư lợi nhỏ mọn đó, thì sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực cho con người và xã hội, làm méo mó các hoạt động, giao dịch và môi trường làm ăn, sinh sống của người dân. Vậy thì tư lợi như thế chỉ có thể gây hại cho quốc gia chứ không thể tạo nên sự phồn thịnh.
Tuy nhiên, để tránh rơi vào việc đề cao chủ nghĩa tập thể chung chung mà bác bỏ và xem nhẹ quan điểm, quyền lợi cá nhân hoặc khi tìm người quy trách nhiệm thì không thấy ai, chúng ta phải xem xét một sự việc dưới các góc độ cụ thể và đồng thời như sau: thứ nhất, công việc giao phó phải chính danh - tức phải có con người (cơ quan) cụ thể đảm nhận xử lý, giải quyết; thứ hai, phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc hoạch định và ban hành chính sách quản lý; thứ ba, phải tìm hiểu cặn kẽ những mưu cầu (quan điểm, quyền lợi) của những người cùng tham gia hoặc của cộng đồng nơi sẽ thực thi chính sách nào đó. 
Bất kỳ việc còn tồn tại ý kiến hay những khuyến nghị, cảnh báo nào khác thì còn phải xem lại chính vấn đề đó.
Vậy thì, nhìn vào đó để thấy tính tư lợi, chỉ biết bản thân và xem thường quyền lợi người khác gây hại cho quốc gia và con người như thế nào để từ đó thức tỉnh mà sửa chữa cho kịp. Nếu không thì xã hội đó sẽ hỗn loạn, tha hóa và rồi ngày càng thụt lùi, suy vong trong sự giành giật lợi ích từ chính những công dân trong lòng đất nước đó chứ không cần tới sự lợi dụng từ các quốc gia khác.
(Tôn Minh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét