11 tháng 12, 2017

Kỳ vọng tăng lương cho giáo viên

Trước thực trạng nhiều giáo viên nghỉ việc do lương thấp, ông Trần Quang Vượng- trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng, nếu đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục được thông qua có thể cải thiện được tình trạng này.

Lương thấp, nợ lương

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, năm 2017 có 27 giáo viên THPT xin thôi việc, gấp 4 lần số lượng năm 2015.
Trong đó có cả giáo viên ở thành phố, giáo viên trẻ và giáo viên thâm niên công tác trên 10 năm. Qua tìm hiểu, lý do khiến giáo viên xin thôi việc chủ yếu là do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống sinh hoạt.


Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quang Vượng cho biết khi những giáo viên này viết đơn xin nghỉ việc, nhà trường cũng đã có những chia sẻ, động viên nhưng chỉ một số ít trường hợp ở lại.
Còn đa số khi họ đưa ra quyết định này thì dù được động viên nhưng vẫn quyết tâm xin ra khỏi ngành để làm công việc khác có mức thu nhập cao hơn dù vẫn còn nhiều trăn trở với nghề giáo. 
“Càng về cuối năm, chúng tôi càng nhận được nhiều đơn xin nghỉ của giáo viên, ở tất cả cấp bậc từ mầm non đến THPT”- ông Vượng nói. 
Ở Lào Cai hiện nay hệ thống các trường ngoài công lập mới chủ yếu phát triển ở cấp mầm non còn ở phổ thông hầu như chỉ có trường công lập.
Nên giáo viên xin nghỉ việc, ra khỏi biên chế là để chuyển ngành, làm công việc khác chứ không tiếp tục gắn bó với nghề giáo được nữa. Ông Vượng cũng thông tin, nhiều giáo viên sau khi chuyển sang làm các ngành dịch vụ có thu nhập cao gấp 4-5 lần lương giáo viên.
Trong khi đó, tại tỉnh Hải Dương có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương, có 61 giáo viên xin nghỉ việc.
Ông Vũ Văn Lương- giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương lý giải nhiều trường phải ký hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế do sĩ số học sinh liên tục tăng thêm trong khi chỉ tiêu biên chế giảm mạnh.
Thông tin thêm, ông Lương cho biết hiện tỉnh Hải Dương đang giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn mức quy định của Bộ GD&ĐT. Riêng trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh tăng 10.300 học sinh. Điều này đòi hỏi phải thêm giáo viên, thêm lớp.

Tăng lương để thu hút, giữ người giỏi

Tại hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Đại - phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ ra thực tế, do lương thấp ngành giáo dục đang khó thu hút nhân tài và giáo viên là nam giới.
Tỉ lệ giáo viên nam bậc THPT của Hà Nội chỉ chiếm 15% tổng số giáo viên toàn thành phố, nguyên nhân cơ bản là lương giáo viên quá thấp trong khi đây lại là trụ cột kinh tế chính của gia đình nên nhiều người không mặn mà với nghề giáo dù tốt nghiệp ĐH sư phạm ra. 
Chính vì vậy, đề xuất xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận từ phía giáo viên và các địa phương.
Thực tế, chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã có từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII từ năm 1996.
Đến Nghị quyết Trung ương 29 cũng khẳng định lại quan điểm đó. Việc đưa nội dung này vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm thể chế hóa quan điểm này bằng các văn bản pháp luật.
Tán thành việc đưa đề xuất này vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, GS.TSKH Nguyễn Cương- nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng cần có cách nào đó, trong Luật hoặc có thêm các văn bản giải thích Luật hay trong nghị định của Chính phủ, để đảm bảo chính sách về lương được thực hiện.
Cụ thể, GS Cương cho rằng nếu chỉ đưa vào Luật thì giáo viên phấn khởi, nhưng để đảm bảo thực hiện được thì cần có những quy định cụ thể hơn trong các nghị định hướng dẫn. Có thể thêm một số câu từ thể hiện rõ ràng sự đảm bảo và trân trọng sự đóng góp của giáo viên vào Luật. 
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc tăng lương giáo viên cần đưa vào luật may ra mới có thể hiện được, nếu chỉ tồn tại trên giấy và chính sách thì rất khó khả thi.
Và đề xuất tăng lương cho giáo viên được đưa ra tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính là một bước hiện thực hóa mục tiêu này. 
Về điều này, ông Phan Hồng Thủy - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc khẳng định, đề xuất tăng lương cho giáo viên là điều rất tốt, tuy nhiên, cần có đánh giá cụ thể về việc tác động và tính khả thi của chính sách.
Ông Thủy bày tỏ, trong bối cảnh về ngân sách Nhà nước hiện nay, liệu tính khả thi như thế nào. Vì thế, ông đề xuất việc tính toán thế nào cho phù hợp với điều kiện hiện nay. 
(Theo báo Đại Đoàn Kết)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét