14 tháng 12, 2017

Lễ mừng cơm mới - Đặc sắc ở Hải Phòng

Lễ mừng cơm mới tại đình Quỳnh Hoàng (thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương) vào ngày rằm tháng 9 âm lịch là lễ hội ẩm thực truyền thống độc đáo ở Hải Phòng.

Cá mòi bày khéo cùng lá lốt.
Lễ hội lâu đời
 
Từ sáng sớm 3-11 (15-9 Đinh Dậu), cả thôn Quỳnh Hoàng nhộn nhịp khác thường. Các gia đình trở dậy khi đất trời còn bảng lảng sương lạnh, những tia nắng đầu tiên chưa chạm tới những ngọn cau trong thôn. Người chuẩn bị trang phục, đạo cụ tham gia lễ tế, người sắp xếp lương thực, thực phẩm, dụng cụ… đem ra đình làng. Không khí lễ hội tràn ngập ngôi đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ánh nắng thu dịu nhẹ nghiêng nghiêng trên mái đình rêu phong, hòa trong tiếng nhạc lễ rộn ràng. Trong dòng người về đình Quỳnh Hoàng không chỉ có người dân trong thôn, người con của quê hương đi xa trở về, mà còn bạn bè khắp nơi, cán bộ văn hóa huyện An Dương và các xã trên địa bàn huyện.
 
Phần “Lễ” diễn ra với những nghi thức trang trọng để cảm tạ tổ tiên, những người đã có công khai phá, gây dựng địa phương; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi, sức khỏe cho dân làng… Phần “Hội” là “mừng cơm mới”, người dân trong thôn cùng nhau sửa soạn những món ăn ngon nhất, trước là để cung tiến thánh thần, tổ tiên, sau là để cùng nhau thưởng thức sản vật quê nhà, thành quả sau vụ mùa lao động.
 
Theo những cụ cao niên trong thôn, Quỳnh Hoàng xưa có 3 nghề truyền thống là làm vườn, trồng lúa nước và đánh bắt hải sản. Đến cuối thế kỷ 16, dân làng thờ ngài Phạm Tử Nghi. Từ đó, nhờ ân trạch thánh ban, làng xóm ngày càng trù phú, đời sống nhân dân no đủ. Sản vật của Quỳnh Hoàng đến với nhiều vùng trong nước. Theo đó, tục lệ cúng mừng cơm mới hình thành.
 
“Tục lệ cúng mừng cơm mới của thôn có từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, được tổ chức hằng năm vào ngày kỵ Đức Nam Hải Đại Vương (15-9 âm lịch). Sau khi người dân thu hoạch lúa mùa, với tinh thần tự nguyện đóng góp. Lễ cúng cơm mới bị gián đoạn do biến động của lịch sử, được khôi phục năm 2005 và tổ chức thường niên từ đó đến nay. Mọi người dân trong thôn đều phấn khởi, tích cực chuẩn bị và đóng góp đồ dùng, lương thực, thực phẩm tổ chức lễ. Đây là dịp để người dân trong thôn, những người con đi xa trở về gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, phát huy tình đoàn kết” - ông Bùi Văn Nguyên, Trưởng thôn Quỳnh Hoàng chia sẻ.
 
Những sắc màu rực rỡ
 
Nét đặc sắc của lễ hội là mang màu sắc ẩm thực đặc trưng địa phương. Lễ vật dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp truyền thống và đặc trưng của mùa vụ, được lựa chọn, chế biến tinh xảo như gạo mới, cua bể, cá mòi, xôi chim ngói, hồng, cốm… Trước hết là cơm gạo mới. Khi xưa là lúa “ba giăng” (ba tháng) trên đồng, lúa nhậm trên bãi ven sông Rế, nay là lúa tám thơm, đều mới gặt xong. Gạo mới thổi thật khéo tay, hạt cơm trắng muốt, hương thơm ngào ngạt.
 
Thứ không thể thiếu nữa là xôi chim ngói. Những hạt gạo nếp cái hoa vàng tròn căng mới được gặt về, đem đồ xôi cùng thịt chim ngói. Đây là món ăn “khiến cho người sành ăn chỉ còn biết tặc lưỡi, gật đầu vì không còn chữ để mà ca ngợi nữa” như nhà văn Vũ Bằng miêu tả trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai” nổi tiếng. Chim ngói quý không chỉ vì xuất hiện duy nhất trong năm, khi lúa mùa chín, mà còn vì thịt mềm, ngọt, béo ngậy và thơm. Bây giờ chim ngói không còn nhiều như trước, người dân Quỳnh Hoàng phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời.
 
Mùa chim ngói cũng là mùa cá mòi, loài đặc sản vùng cửa biển. Trong mâm cỗ mừng cơm mới của người Quỳnh Hoàng, luôn có đĩa cá mòi rán vàng rắc lá lốt. Món ăn không chỉ bắt mắt về màu sắc mà còn “bắt miệng”, bởi cá mòi mùa này ngon khó loại cá nào sánh kịp. Rồi cua bể (hoặc ghẹ), ngọn bí xào, canh cải cá rô đồng… Đặc biệt còn có hồng và cốm. Thứ đỏ chói, thứ biếc xanh, đặt cạnh nhau đã đẹp, còn phải ăn cùng nhau mới hoàn hảo, để mềm ngọt của hồng hòa với vị thơm bùi, ngọt dịu của cốm.
 
Sau khi cúng lễ, những mâm cỗ đầy đặn, vừa quý vừa lành, chất chứa tinh hoa của mùa màng, của thiên nhiên và sự khéo léo của con người được dân làng thưởng thức và đãi khách. Bữa cỗ luôn tràn đầy niềm vui và những lời khen ngợi món ăn ngon.
 
Trong không khí tươi vui, ông Dương Văn Nhượng, gần 70 tuổi, người dân trong thôn bày tỏ, Lễ mừng cơm mới đánh dấu vụ mùa thành công, là dịp dân làng hưởng thụ thành quả lao động, vừa gửi gắm những ước mong về cuộc sống tốt đẹp phía trước. Đây cũng là dịp người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tưởng nhớ công lao của ông cha. Ông cùng bà con rất phấn khởi khi lễ hội được khôi phục, tiếp tục được duy trì, phát triển.
 
Lễ mừng cơm mới thực sự là phong tục dân gian tốt đẹp. Theo ông Dương Đình Long, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (huyện An Dương), Lễ cúng cơm mới tại đình Quỳnh Hoàng không chỉ giàu ý nghĩa tâm linh, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống tại cơ sở. Đây cũng là dịp để du khách thưởng thức, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đặc sắc của đất Cảng.
 
(Thanh Sơn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét