Hiện toàn thành phố có khoảng hơn 80 xe buýt hoạt động trên 14 tuyến tỏa đi khắp thành phố, kết nối nội thành với ngoại thành. Khá đa dạng về tuyến, lượng xe dư thừa đáp ứng nhu cầu của người dân, song xe buýt Hải Phòng vẫn vắng khách. Đó là câu hỏi luôn được đặt ra trong công tác quản lý, vận hành xe buýt cách đây hơn 10 năm cho đến bây giờ. Không khó để đưa ra câu trả lời: xe buýt Hải Phòng thiếu sự thuận tiện cho người đi xe dù nhu cầu của người dân thành phố luôn có. Vậy doanh nghiệp xe buýt cần làm gì để thu hút người dân, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân ?
Chưa thu hút khách
Đến thời điểm này, xe buýt chỉ phục vụ được 1,3% nhu cầu của người dân, thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được triển khai thực hiện từ 2007. Nhiều doanh nghiệp (DN) xe buýt phải dừng hoạt động vì xe vắng khách, nhiều tuyến xe phải hủy bỏ vì “xe trống” như tuyến nội thành –khu công nghiệp VSIP.
Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng vừa đầu tư loạt xe mới, thay thế dần các xe cũ đang hoạt động. |
Sự thiếu thuận tiện trong việc bố trí các tuyến xe buýt khiến người dân cảm thấy đi phương tiện cá nhân vẫn thuận lợi hơn. Thời gian chờ giữa các chuyến xe quá dài, từ 15-30 phút, thậm chí có chuyến giãn cách đến 45 phút. Ông Hà Quang Bổ ở đường Lạch Tray cho biết, nhu cầu của người dân luôn có, nhưng họ không thể chờ từ 30-45 phút để lên xe buýt trong chặng đi chỉ từ 5-7 km, vì vậy, sử dụng phương tiện cá nhân là giải pháp tối ưu. Việc kết nối các tuyến xe cũng không đồng bộ. Hầu hết xe buýt hoạt động trên các tuyến trục chính như: Đà Nẵng, Điện Biên Phủ, Trần Nguyên Hãn, Lạch Tray, Phạm Văn Đồng… Người dân ở những tuyến đường nhánh như: Thiên Lôi, Lương Khánh Thiện, Hồ Sen, Lê Lợi…khó có thể tiếp cận ngay với xe buýt. Nói cách khác, xe buýt hiện chỉ đáp ứng tốt đối với người dân ở các tuyến phố chính.
Ngoài ra, việc quảng bá sử dụng xe buýt cũng là vấn đề đáng bàn. Rất nhiều người dân không biết có những tuyến xe buýt nào, kết nối ra sao. Việc truyền thông chủ yếu do các DN tự làm theo cách của mình, dẫn đến sự không thống nhất trong công bố thông tin chung…Giám đốc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng Hà Duy Hưng nhận xét, khi người dân không rõ thông tin về xe buýt, họ không sử dụng xe buýt cũng là điều dễ hiểu.
Làm gì để người dân tiếp cận xe buýt nhiều hơn ?
Để khuyến khích DN đầu tư xe buýt góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, thành phố cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp giá vé đến người dân, như tuyến Bến Bính-An Lão-Vĩnh Bảo do Công ty CP Đường bộ Hải Phòng quản lý. Tuyến này có giá vé từ 12-18.000 đồng/vé cho chặng đường gần 40km, thấp hơn tuyến Khách sạn Dầu khí-Đồ Sơn của Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng lộ trình chưa đến 30km nhưng giá vé cao nhất là 18.000 đồng, dự kiến còn tăng trong thời gian tới. Nhiều thành phố trong cả nước có hỗ trợ loại hình vận tải xe buýt qua giá vé cho người dân như: Hà Nội, thành phó Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng… nên các DN xe buýt hoạt động ổn định, thu hút khách.
Việc kết nối các tuyến xe đến các công sở, bệnh viện, trường học… rất cần cơ quan quản lý nhà nước làm “trọng tài” để giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Do đó, thành lập một đơn vị quản lý, điều hành giao thông công cộng rất cần thiết. Cơ quan này sẽ điều động phương tiện phù hợp với thời gian và nhu cầu của người dân. Đồng thời chủ động trong các chương trình về truyền thông về tuyến, giá vé, thông báo chất lượng xe… bảo đảm thông tin phổ biến rộng rãi đến người dân. Thành phố cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho DN xe buýt về miễn, giảm tiền thuê bãi đỗ xe, trạm bảo dưỡng, sửa chữa và được hỗ trợ về lãi suất đầu tư phương tiện...
Trước mắt, để hoạt động hiệu quả hơn, các DN xe buýt cần tính toán xây dựng các tuyến trong nội thành Hải Phòng phù hợp với người dân bằng cách tăng tần suất chuyến trong giờ cao điểm, thời gian hành trình nhanh chóng, kết nối khớp giờ với các tuyến khác. Ví dụ, hành khách từ Đồ Sơn muốn đến Khu công nghiệp Nomura-Hải Phòng, chọn xe Thịnh Hưng đến bến xe Cầu Rào, sau đó tiếp tục lên xe của Công ty CP Đường bộ đang chờ sẵn để đến điểm cuối. Nhanh chóng, thuận tiện, giá vé thấp, kết nối phù hợp, quảng bá rộng rãi…là điều kiện để xe buýt Hải Phòng thoát khỏi cảnh “ế” khách như hiện nay.
(Mai Lâm - báo Hải Phòng)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét