Chiếm đến 70% dân số cả nước, hiếm có điều kiện đến rạp mua vé xem phim với đa số người dân nông thôn, điện ảnh hiện diện trong đời sống chủ yếu là các phim truyền hình.
Tuy nhiên, tràn ngập trên sóng là các phim về tình yêu, gia đình, tranh quyền đoạt lợi chốn phố thị hay phim hài giải trí… Những bộ phim truyền hình về nông thôn, phản ánh các vấn đề về cuộc sống của người nông dân vẫn như… sao buổi sớm.
Từng trở thành những tác phẩm “ăn khách” nhất trên sóng truyền hình với hàng loạt tác phẩm: “Đất phương Nam”, “Bí thư Tỉnh ủy”, “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Gia phả của đất”…, phim về đề tài nông thôn là một phần quan trọng của phim truyền hình Việt.
Hầu hết các phim nói trên đều chạm đến những vấn đề “nóng” của xã hội nông thôn qua nhiều thời kỳ đặc biệt mà cho đến nay, khi nói về, nghĩ về vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người và không hẳn là của một thế hệ.
Với Đài Truyền hình Việt Nam, chỉ từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2017, hàng loạt dự án phim đã tạo nên “cơn sốt” truyền hình. Trong đó, nổi bật phải kể đến “Tuổi thanh xuân 2”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”… Tuy nhiên, không khó để nhận thấy, hầu hết các phim đều khai thác về đời sống phố thị. “Thương nhớ ở ai” là một trong số phim truyền hình hiếm hoi về đề tài nông thôn lên sóng VTV nhưng lại không phải dự án phim mới.
Cảnh phim “Thương nhớ ở ai” - một trong số ít phim về đề tài nông thôn được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam năm 2017. |
Chuyện phim dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, kể về những người đàn bà ở vùng quê Bắc Bộ thời chiến. Chưa kể, phiên bản phim truyện điện ảnh của, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng kể chính câu chuyện này đã ra mắt khán giả trước đó không lâu.
Thực tế, không chỉ các đạo diễn, nhà sản xuất phía Bắc làm phim về nông thôn Bắc Bộ mới loanh quanh trong các đề tài cũ. Các phim truyền hình về nông thôn Nam bộ, sau một vài phim bắt đầu chạm đến câu chuyện về nông thôn đổi mới nhưng chưa tạo được những “cơn sốt” phim như mong đợi đã có xu hướng trở về các đề tài cũ.
Trong đó các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh đã trở thành 1 dòng phim khá quen thuộc. Nếu chưa tính về mức độ thu hút người xem, chỉ xét về số lượng, các phim về đề tài nông thôn Nam bộ cũng hoàn toàn “lọt thỏm” giữa “biển” phim truyền hình Việt.
Chia sẻ về hiện tượng này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - người đã thành công với nhiều phim truyền hình về đề tài nông thôn cho rằng, sở dĩ phim về nông thôn có số lượng ít vì nhà sản xuất phải dựa vào quảng cáo để thu hồi vốn. Trong khi đó, các nhãn hàng, nhà tài trợ ít quan tâm đến các phim về đề tài nông thôn. Khách hàng thường xuyên mà các nhà tài trợ mong muốn hướng đến là những người trẻ, người thành thị.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh thì cho rằng làm phim về nông thôn hiện nay vô cùng khó. Những làng quê của đồng bằng Bắc Bộ cũ luôn là những ký ức vô cùng đẹp, không chỉ với những người đang sinh sống ở nông thôn mà còn cả những người con xa xứ. Thế nhưng, làng quê bây giờ đã phố hóa, bê tông hóa quá nhiều.
Chỉ riêng việc tìm kiếm bối cảnh cho phim đã vô cùng vất vả. Thế nên, khi làm phim “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và đoàn làm phim đã phải đến quay ở 18 ngôi làng. Hơn 2.000 cảnh quay đã được thực hiện. Hầu như cảnh nào cũng “dính” hình ảnh đường bê tông, nhà cao tầng, dây điện chằng chịt.
Khi về xử lý hậu kỳ, ê kíp làm kỹ xảo đã phải mất nhiều tháng ròng xử lý mới kịp tiến độ. Nếu xác định làm phim để lấy thu nhập, chắc chắn ê kíp thực hiện “Thương nhớ ở ai” không thể hoàn thiện được tác phẩm.
Về phía nhà sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Dương, đại diện truyền thông của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho rằng đời sống nông thôn hiện nay có rất nhiều vấn đề có thể khai thác đưa lên phim. Phim truyền hình về nông thôn vẫn thu hút rất đông khán giả. Tuy nhiên, làm phim về nông thôn hiện nay rất khó, kể cả khó trong quá trình thực hiện lẫn trong tìm kiếm được kịch bản.
Hàng năm, VFC đều cố gắng tìm kiếm, khai thác kịch bản từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả việc thông qua các mối quan hệ quen biết, đặt hàng…, nhưng rất ít có kịch bản hay, lạ, đủ sức hấp dẫn khán giả. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, VFC duy trì sản xuất mỗi năm 1 phim, thậm chí là 1,5 năm mới có 1 phim truyền hình về nông thôn. Năm 2018, kết quả có lẽ cũng không hẳn khả quan hơn.
(Hoa Nguyễn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét