Hàng loạt liveshow của các ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Bằng Kiều, Quang Hà, Ưng Hoàng Phúc… vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc- thông tin vừa được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) công bố.
Live concert Quang Hà “Trăm năm không quên” tổ chức ngày 23-7-2017, bị VCPMC khởi kiện ra Tòa án nhưng đến nay chưa được giải quyết.
VCPMC phát hiện hàng trăm chương trình biểu diễn xâm phạm quyền tác giả, nếu chỉ tính các chương trình với quy mô lớn. Trong đó, có những đơn vị tổ chức xong những show lớn, xóa tên công ty và thành lập công ty mới. Hành vi xâm phạm quyền tác giả là cố ý, mặc dù trung tâm nỗ lực gửi cảnh báo, gửi đề nghị đến các đơn vị tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị đều tìm cách né tránh thực hiện quy định về quyền tác giả, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tác giả, gây nên bức xúc đối với các tác giả sáng tác âm nhạc.
Bên cạnh đó, có hiện tượng đối phó cơ quan quản lý nhà nước khi một số tác giả ký giấy cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ, người biểu diễn hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ phận Pháp chế VCPMC cung cấp danh sách 8 vụ việc (xâm phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn) mà VCPMC khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, song đến nay chưa có vụ nào được xét xử. Trong đó có live concert Quang Hà “Trăm năm không quên”, ngày 23-7-2017, tại Nhà hát Hòa Bình (thành phố Hồ Chí Minh); Chương trình “Để nhớ một thời ta đã yêu 6” với chủ đề “Một thuở yêu người”, ngày 6-7-2018, tại Nhà hát Hòa Bình (thành phố Hồ Chí Minh); Chương trình Khánh Ly “Như một lời chia tay”, ngày 1-9-2018, tại nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng); liveshow “Câu chuyện Bằng Kiều”, các ngày 18, 19-8-2018, tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội... Phía VCPMC thừa nhận, “cực chẳng đã” mới phải khởi kiện các công ty, đơn vị tổ chức, bởi thực tế, các vụ kiện đến nay kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, song vẫn chưa được giải quyết.
Nêu quan điểm về việc bảo vệ bản quyền tác giả, luật sư Quách Minh Trí cho rằng: Các chủ thể sáng tạo cần tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình, tức là đi đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng. Trong các lĩnh vực, hội nghề nghiệp cần xây dựng cơ chế để tham gia bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực của mình.
Đạo diễn Việt Tú, người vừa thực hiện vụ kiện tranh chấp bản quyền chương trình thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” chia sẻ: Trong tranh chấp bản quyền ở bất cứ lĩnh vực nào, điều cần thiết là phải hiểu đúng pháp luật. Bởi việc đi kiện không phải là biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Bản thân tôi vừa theo đuổi vụ kiện, khá tốn kém cả về thời gian và vật chất. Các bên liên quan nên ngồi lại với nhau, cùng đối thoại dựa trên cơ sở pháp luật để đưa ra sự thống nhất”.
Trước đó, nhiều tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xem xét lại những vấn đề chưa phù hợp, đánh giá hệ lụy, thiệt hại đối với tác giả, người sáng tạo từ việc hủy bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP. Đồng thời xem xét quy định rõ, cụ thể về thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và giấy phép phê duyệt nội dung sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn tại dự thảo nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn dưới các định dạng khác nhau.
Ở góc nhìn khác, tới thời điểm này, Việt Nam ký kết và tham gia nhiều công ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc vẫn diễn ra tràn lan, kể cả với những ca sĩ tên tuổi. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, ngành chức năng, để tình trạng vi phạm bản quyền sớm được cải thiện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét