Nằm soi bóng bên hồ bán nguyệt với những hàng cây tỏa bóng mát trên mặt hồ, Đền Phú Xá (phường Đông Hải 1, quận Hải An) hiện lên đầy vẻ linh thiêng, cổ kính. Là một trong “tứ linh từ” của huyện cổ An Dương xưa, Đền Phú Xá cùng với nhiều di tích trên địa bàn phường Đông Hải 1, tạo thành một quần thể di tích có giá trị to lớn trong đời sống tâm linh và là kho tàng lịch sử sống động trong đời sống tinh thần, văn hóa của người dân địa phương cũng như toàn thành phố.
Theo sử sách ghi lại, Đền Phú Xá là một trong những di tích lịch sử sắn liền với chiến thắng trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Đó là chiến công đỉnh cao nhất trong ba lần đọ sức của quân dân Đại Việt với quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Tương truyền, khi đó để chuẩn bị cho cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã lấy làng Phú Lương xưa (nay là tổ dân phố Phú Xá, phường Đông Hải 1) làm nơi cất giữ kho lương thảo, phục vụ cho chiến đấu. Trận chiến sông Bạch Đằng đại thắng, Đại tướng quân Trần Hưng Đạo tiếp tục chọn làng Phú Lương là nơi mở hội khao thưởng quân sĩ trước khi kéo quân về Vạn Kiếp. Năm 1300, khi Trần Hưng Đạo qua đời, dân làng Phú Lương đã lập đền thờ Phú Lương (tức Đền Phú Xá ngày nay) để tưởng nhớ công lao của người.
Đền Phú Xá không chỉ là nơi nhân dân tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, nơi đây còn thờ tụng Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên, một người tướng nuôi quân trong quân đội của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cùng dân làng Phú Lương góp phần vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Theo sử sách ghi lại, năm 1288, khi đội quân của Trần Hưng Đạo trên đường đi đánh giặc Nguyên qua làng, bà Bùi Thị Từ Nhiên - người con dâu họ Phạm của làng với tinh thần yêu nước đã tự mình đem thóc gạo, vận động dân làng đóng góp, lập kho lương thảo để phục vụ tướng sĩ nhà Trần đánh giặc.
Do phải chiến đấu trên sông nước nên việc mang theo lương thảo gặp khó khăn, bà đã nghĩ cách làm bánh đa tráng bằng bột chín để quân sĩ mang theo, sử dụng là món lương khô rất thuận lợi trong chiến đấu. Để ghi nhớ công lao của bà trong cuộc chiến với quân Nguyên Mông, trước khi rút quân về Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã phong tặng cho bà là Nữ tướng hậu cần. Năm 1328, Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên qua đời, dân làng nhớ công lao của bà đã tạc tượng thờ bà tại đền thờ Phú Lương cùng với Trần Hưng Đạo.
Đền Phú Xá tọa lạc trên một thửa đất cao ráo, xây dựng theo thế phong thủy được trùng tạo vào thời Tự Đức, trước cửa Đền là một hồ nước, Đền quay về hướng Đông Bắc, phía cửa biển Bạch Đằng. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, Đền Phú Xá ngày nay đã trở thành một công trình kiến trúc bề thế với kết cấu kiểu nội công ngoại quốc, gồm 5 gian tiền đường, nhà thiên hương, giải vũ, nhà đệ nhị và hậu cung. Ngôi đền nằm ẩn mình bên hàng cây cổ thụ với bộ mái đao cong lợp ngói mũi hài của kiến trúc cổ Việt Nam. Trên hệ thống mái, nóc đền được trang trí đắp vẽ các đề tài như lưỡng long chầu mặt trời, kim, nghê. Các đường nét trang trí, chạm khắc, đắp vẽ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, những bức tượng pháp, cổ vật, đồ gốm có giá trị cao về mỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc có niên đại thế kỷ 17,18,19 được lưu giữ tại đây đã tạo nên giá trị lịch sử của di tích.
Ông Trịnh Thế Hanh - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 cho biết: “Hàng năm cứ vào ngày 20-8 và 5-3 âm lịch, nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống để ôn lại Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, dâng hương tưởng niệm công lao to lớn của Đức Thánh Trần và Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên. Các hoạt động tế lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể với các hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm giá trị văn hóa cùng nhiều trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về dâng hương, tham quan chiêm bái, nguyện cầu cho quốc thái dân an”.
Cũng theo ông Hanh, không chỉ là ngôi đền gắn liền với chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng, trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Đền Phú Xá còn là căn cứ địa của các đồng chí hoạt động cách mạng, xây dựng lực lượng và tuyên truyền phát động đấu tranh. Nơi đây còn là nơi cất giữ vũ khí, đạn dược, quân trang để trung chuyển cho chiến trường miền Nam.
Với ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống và lưu giữ những nét văn hóa nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, Đền Phú Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1988, trở thành điểm đến tham quan bổ ích, hấp dẫn du khách trong và ngoài thành phố.
(Phạm Ngân)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét