15 tháng 1, 2018

Thương vay, khóc mướn cho Đinh La Thăng

Vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn đang xét xử. Công đường vẫn cái giọng nam cao của vị thẩm phán trói buộc các bị cáo thít dần từ nhỏ đến to theo cách "lạt mềm buộc chặt", "giăng lưới bắt cá". 


Ngoài công đường gió lạnh về nhưng truyền thông chính thống và mạng xã hội lại nóng. Nóng vì xuất hiện sự cọ xát giữa hai quan điểm trái chiều về một nhân vật cộm cán Đinh La Thăng.

Kẻ yêu thì chép miệng: Mặc dù mình rất ghét những ai đè đầu cưỡi cổ người dân để tham nhũng, hoang phí tiền của nhân dân, lợi dụng chức quyền.... Nhưng không hiểu sao khi xem bức ảnh Đinh La Thăng bị còng tay mình lại thấy buồn và nhiều thương cảm. 

Buồn cho người đã một đời đi tìm danh phận từ một anh kế toán lên cán bộ đoàn rồi Phó Bí thư tỉnh ủy Thừa thiên - Huế, sang Chủ tịch tập đoàn Dầu khí, ra Bộ trưởng Giao thông Vận tải, lên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đi đâu cũng nổi đình, nổi đám, để lại nhiều ấn tượng. Tư chất thì mạnh mẽ, khảng khái, dám làm, dám chịu cho đến khi bị bắt, ra tòa vẫn nhận tội thay cho cấp dưới...

Người ghét thì bỉu môi: Tiền ông ấy làm thất thoát đủ mở mới vài tuyến quốc lộ! Trên cương vị Bộ trưởng và Bí thư Thành ủy, ông ta đã "trảm" bao nhiêu người, (có người uất hận phải tự tử). Việc hành xử "cương trực" chỉ là để đánh bóng hình ảnh, mục đích cũng không ngoài cái ghế cao hơn và che lấp cái tư lợi phía sau. 

Trong diễn biến phiên tòa, báo chí và mạng mẽo rút tít, bình phẩm về họ Đinh ít nói về sai phạm mà thiên về "thương vay, khóc mướn". Họ xoáy vào những cái được khi đương kim Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn. Họ tâng bốc cái chất "anh hùng, nghĩa hiệp". Họ suy đoán kẻ "chống lưng", lôi cả Bộ Chính trị vào chung với sai phạm. Họ phản bác kết quả giám định sai phạm tài chính...

Công thưởng, tội hành ấy là đạo lý của cha ông truyền đến bây giờ. Cái thời Tập đoàn Dầu khi (2006 - 2009) đạt tăng trưởng 35,4%; thời Bộ Giao thông Vận tải mở rộng đường, làm cao tốc, mở rộng sân bay, nâng cấp chạy tàu... là công. Có công thì mới lên như diều gặp gió. Ấy vậy nhưng đừng lờ đi đổ bể trầm trọng do làm liều của Dầu khí (anh cả đỏ), đừng lờ đi những rối ren BOT và bây giờ là Hàng không. Thiệt hại, mất mát đã hàng trăm ngàn tỉ đồng "đủ mở mới vài tuyến quốc lộ"... là tội.

Sao lại đi lý sự rằng hơn chục ngàn tỉ (chỉ trong vụ PVC) không phải là thiệt hại vì đấy là vốn của doanh nghiệp. Nhầm to, đấy là vốn của Dân, của Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý thông qua chính sách trích lại phần lời lãi để doanh nghiệp tái đầu tư, phát triển. Không tái đầu tư, phát triển mà đem đi đầu tư cổ phần, cổ phiếu, góp vốn bất động sản, trả nợ ngân hàng... dẫn đến mất mát là có tội.

Sao lại lý sự rằng thiệt hại 119 tỉ đồng mà giám định viên tài chính đưa ra là "tưởng tượng", là "hình sự hóa dân sự"! PVC sử dụng sai mục đích dẫn tới PVN mất cơ hội đầu tư dẫn đến chậm tiến độ xây dựng, mất "chi phí cơ hội đầu tư" tính bằng lãi suất không kỳ hạn số tiền trên thì các bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước là xác đáng. Cơ quan tố tụng chỉ tính cho các anh có hơn 100 tỷ như vậy là quá ưu ái lắm rồi.

Có nhà báo gạo cội tán dương một bài báo “Ông Đinh La Thăng khai chỉ định thầu là chủ trương của Bộ Chính trị” và lo "bỗng dưng bị các báo gỡ bỏ, bị thay tiêu đề hoặc bị chèn nội dung khác so với thời điểm ban đầu vừa xuất bản khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, vì tôi biết điều ông Thăng khai chính là sự thật". Từ bao giờ Bộ Chính trị chỉ đạo chuyện đấu thầu, cấp vốn, vay tiền, chi tiêu cụ thể vậy nhỉ? Viết thế mà không "gỡ" mới lạ, mới lo. Ngu mà lại tỏ ra nguy hiểm!

Ấy là chưa nói anh Thăng, anh Thanh và những anh khác lập hồ sơ khống rút ruột cả chục tỉ đồng của một dự án nhiệt điện Quảng Trach, Vũng Áng để chia nhau, để dùng riêng. Liệu bài này có được dùng trong các dự án khác không?

Thương vay, khóc mướn cho những kẻ ăn cắp, ăn tàn phá hại hàng ngàn tỉ nhưng lại lên án Đảng, Nhà nước là tội gì?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét