Buổi gặp mặt báo chí đầu năm của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cách đây ít ngày, một câu hỏi lớn được báo giới đặt ra cho tân Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng: “Vừa làm chủ tịch một CLB, vừa làm lãnh đạo VPF, điều hành các giải đấu của các CLB, ông còn giữ được cái chất khảng khái trước đây của mình không?”.
Ông Trần Mạnh Hùng trả lời rằng việc ông tham gia Hội đồng quản trị VPF trong tư cách một cổ đông là hoàn toàn đúng luật. Và ngay cả khi đã có một ghế trong dàn lãnh đạo VPF thì ông vẫn sẽ tích cực đóng góp, phản biện (nếu cần thiết) như trước đây, để xây dựng VPF và các giải bóng đá trong nước ngày một cách vững mạnh hơn.
Tân Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng. |
Dân làng bóng không ai không biết trong một buổi tổng kết V.League cách đây ít năm, ông Hùng trong tư cách Chủ tịch CLB Hải Phòng đã bất ngờ đứng bật dậy "đánh" các thành viên VPF tơi tả. Đầu tiên ông "đánh" một vị phó tổng giám đốc, phụ trách mảng tài trợ khi bảo vị này nhận lương không dưới 50 triệu đồng/tháng mà không thể mang về một gói tài trợ khả dĩ nào.
Sau đó ông "đánh" Giám đốc điều hành, Trưởng Ban tổ chức V.League Nguyễn Minh Ngọc vì những cách làm mà theo ông là "rất không chuyên nghiệp" của vị quan chức trẻ tuổi này. Ông Hùng "đánh" mạnh, "đánh" không thương tiếc, khiến các quan VPF ngồi trên bục danh dự không khỏi nóng mặt. Bây giờ thì ông Hùng vừa là Chủ tịch một CLB, lại vừa là Phó Chủ tịch VPF, chính vì vậy, những dấu hỏi mà báo chí đặt ra cho ông là cần thiết. Và những câu trả lời ban đầu của ông cũng đã ít nhiều mang tới sự an tâm.
Còn nhớ năm 2012, khi VPF mới thành hình, và khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao VPF như Chủ tịch Võ Quốc Thắng, các Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức... cũng đồng thời là ông chủ các CLB tham gia sân chơi V.League thì đã có người đặt ra câu hỏi: như thế có khác gì "vừa đá bóng vừa thổi còi" hay không?
Thực tế thì ở lượt đi V.League mùa giải ấy, các đội bóng của các ông bầu trong Hội đồng quản trị VPF nhận được hàng loạt quyết định ưu ái từ trọng tài. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi lãnh đạo một số đội bóng khác, mà điển hình là lãnh đạo CLB Đà Nẵng đã phải gửi công văn, kiến nghị dừng ngay V.League lại.
Thời điểm ấy, tâm sự với chúng tôi, một trọng tài cho biết: "Các ông bầu ở VPF không bao giờ chỉ đạo chúng tôi phải ưu ái đội của họ. Nhưng nói thật mỗi khi ra sân điều hành, nhìn thấy họ ngồi trên khán đài, chúng tôi cũng không tránh khỏi phân tâm. Vì một lý do nào đấy mà họ không hài lòng với chúng tôi và năm sau không mời chúng tôi làm trọng tài nữa thì sao?".
Cần phải nói ngay rằng, thời đó mặc dù Ban trọng tài vẫn thuộc sự quản lý của VFF nhưng trên thực tế Phó Chủ tịch VPF đã "dựng" lên Phó ban trọng tài Đoàn Phú Tấn vốn là người rất mực tin tưởng, nên VPF vẫn có những tiếng nói rất trọng lượng tới hoạt động của ban này.
Sau này thì bầu Kiên xộ khám, bầu Đức rút chân khỏi Hội đồng quản trị, bầu Thắng cũng chính thức rút tên khỏi chức vụ Chủ tịch CLB Long An, thế nên ở nhiệm kỳ vừa qua, cả Chủ tịch Võ Quốc Thắng lẫn ba Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn (chuyên gia bóng đá), Nguyễn Công Khế (nhà báo), Trần Quốc Tuấn (lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá) về danh nghĩa đều là những nhân vật độc lập với các CLB. Đến nhiệm kỳ 3 thì ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng lại trở thành Phó chủ tịch, và nó ít nhiều gợi lại câu chuyện các vị lãnh đạo "vừa đá bóng vừa thổi còi" trước đây.
Hy vọng là thời gian tới, Phó chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng sẽ làm đúng những gì mình phát biểu, rằng mặc dù đã trở thành một trong hai lãnh đạo lớn nhất của VPF nhưng ông vẫn giữ nguyên cá tính cùng những phản biện trên tinh thần xây dựng, chứ không vì một lý do nào đó mà bị "hoà tan"!.
(Hoàng Anh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét