30 tháng 10, 2019

Điện ảnh vùng vẫy trong "chiếc áo quản lý" chật chội (*): Lúng túng trong khâu thẩm định phim

Kiện toàn nhân sự và nâng cao năng lực của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim là cần phải trẻ hóa đội ngũ chuyên môn, những người dễ dàng tiếp cận và am hiểu kiến thức, xu hướng phát triển mới của điện ảnh thế giới

Hiện nay, việc cấp phép phổ biến phim ngắn được giao về cho địa phương, phim truyền hình do mỗi đài truyền hình duyệt cấp phép phát sóng. Cục Điện ảnh chỉ duyệt cấp phép cho phim điện ảnh trong nước sản xuất, phim sản xuất có yếu tố nước ngoài và phim nhập khẩu. Thế nhưng, sai phạm qua công tác thẩm định cấp phép phim thời gian qua lại tập trung ở khâu thẩm định của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim (gọi tắt là Hội đồng Duyệt phim trung ương) và cấp phép phổ biến của Cục Điện ảnh.

"Bà đỡ" hay "gác cửa"?

Nên tồn tại Hội đồng Duyệt phim trung ương hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra trên công luận sau khi liên tiếp xảy ra những sai sót nghiêm trọng trong khâu thẩm định và cấp phép phổ biến phim của Hội đồng Duyệt phim trung ương và cơ quan quản lý ngành là Cục Điện ảnh: Trẻ em 13 tuổi đóng cảnh làm tình, phim có cảnh tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông…


Phim “Thất sơn tâm linh” không chỉ bị buộc phải thay tên gốc “Thiên linh cái”, để vượt qua được cửa ải duyệt phim, dự án điện ảnh tâm linh này đã phải thay đổi khá nhiều so với bản gốc. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Một trong những lý do mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị đổi mới cơ chế duyệt phim, thậm chí bỏ Hội đồng Duyệt phim trung ương vì sự yếu kém của hội đồng này và cơ chế hoạt động của nó nêu trong văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh. Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh phản ánh thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và gây rủi ro cho doanh nghiệp. Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim, nhiều yêu cầu bị cho là thái quá; can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim, chứ không chỉ phục vụ mục đích duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…

Theo ông Châu Quang Phước, chuyên viên truyền thông phim: "Thời gian gần đây, rất nhiều nhà sản xuất phim Việt Nam và phát hành phim liên tục than khổ trên các trang mạng và cả trên mặt báo chính thống với câu chuyện duyệt phim theo kiểu của cơ quan chức năng lâu nay, từ đó dẫn đến hệ lụy đã có rất nhiều phim Việt chiếu rạp bị cắt xén tan nát với những lý do không khiến người làm nghề "tâm phục khẩu phục", cả về lý cũng như về tình, thậm chí về mặt nghề nghiệp". Ông Phước bày tỏ khán giả Việt lâu dần cũng phải thừa nhận vấn đề bất cập của việc duyệt phim ở Việt Nam như hiện có, từ đó khiến họ mất lòng tin vào phim Việt. Bên cạnh đó, nhiều phim ngoại nhập nổi tiếng cũng chẳng còn toàn vẹn ngôn ngữ nghề khi được cấp phép phát hành tại thị trường Việt.

Trong hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh mới đây tại Hà Nội và TP HCM, các cá nhân và tổ chức hoạt động điện ảnh kêu gọi luật nên quy định cởi mở cơ chế duyệt phát hành phim như lâu nay, có những quy định cần cụ thể hóa chứ không nên chung chung, chẳng hạn về thuần phong mỹ tục, bạo lực… để nhà làm phim có thể tự do tư duy sáng tạo nghệ thuật. Một khi còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, khâu thẩm định theo cảm tính sẽ gây hoang mang cho người sản xuất, phát hành phim. Cần thay đổi khuynh hướng duyệt phim bảo thủ, an toàn để giảm sự kìm hãm tính sáng tạo, đột phá trong tác phẩm điện ảnh.

Rất nhiều người muốn được công khai thành viên hội đồng thẩm định phim để cùng chia sẻ và tham vấn, đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề còn tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh trong thời gian duyệt phim. Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, cho rằng các nhà làm phim luôn mong được đối thoại, nghe phía Hội đồng Duyệt phim trung ương đưa ra những thay đổi, quy trình thẩm định để chọn lựa và thảo luận. Phía nhà làm phim có thể lựa chọn một quy trình hoặc sự đổi mới nào đó phù hợp với sự phát triển chung. Bởi những thành viên trong Hội đồng Duyệt phim trung ương mới là người hiểu rõ mình có gì, cần gì, đổi mới cái gì để tốt hơn. Việc đối thoại, trao đổi sẽ giúp các phía hiểu rõ nhau hơn, cùng hướng đến mục đích chung là sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt.

Cần kiện toàn nhân sự, nâng cao năng lực

Trong điều kiện của Việt Nam, việc thẩm định phim để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những sai phạm gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật lành mạnh của người dân là cần thiết. Tuy nhiên, việc đổi mới cơ chế duyệt, cấp phép như thế nào để không kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và đánh mất cơ hội được xem phim của khán giả là việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cần tính toán.

Có ý kiến cho rằng nên xã hội hóa việc thẩm định phim, thậm chí dẫn cơ chế tự kiểm duyệt của các nhà xuất bản để cho rằng các hãng phim cũng có thể chịu trách nhiệm tự kiểm duyệt như vậy. Thực tế, các xuất bản phẩm vẫn được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định nội dung thông qua hình thức đọc lưu chiểu trước khi ấn phẩm phát hành ít nhất 10 ngày. Thực tế, rất nhiều xuất bản phẩm phải thu hồi do nội dung sai phạm trong thời gian qua. Vì vậy, xã hội hóa việc thẩm định phim là giải pháp không dễ thực thi vì nhiều lý do thuộc về trách nhiệm.

Mới đây, Bộ VH-TT-DL yêu cầu Cục Điện ảnh tiếp tục kiện toàn nhân sự và nâng cao năng lực của Hội đồng Duyệt phim trung ương. Theo đó, Cục Điện ảnh phải phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Điện ảnh và các nghị định hướng dẫn, trong đó cần sửa đổi cơ chế thẩm định, cấp phép phổ biến phim phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời làm rõ trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu phim trong trường hợp vi phạm. Ngoài ra, phải nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo bộ xem xét, phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và có đề nghị được phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim.

Một số đơn vị đề xuất nhà nước nên xem xét thành lập hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay hoặc phân theo tỉnh, thành phố lớn. Bởi hiện tại, với số lượng phim nhập về rất lớn, các đơn vị phát hành phải xếp hàng trình duyệt, đặc biệt là những dịp lễ, Tết, dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp lịch phát hành. Hiện tại, trung bình mỗi năm có khoảng 250 phim được cấp phép ra rạp.

Kiện toàn nhân sự và nâng cao năng lực của Hội đồng Duyệt phim trung ương là cần phải trẻ hóa đội ngũ chuyên môn, những người dễ dàng tiếp cận và am hiểu kiến thức, xu hướng phát triển mới của điện ảnh thế giới. "Thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang cần được đánh giá trên mọi phương diện, nhất là phương diện sáng tác, không chỉ để khẳng định giá trị, khẳng định những năng lực tìm tòi sáng tạo mới; phê phán những biểu hiện lệch lạc về thị hiếu nghệ thuật… mà còn để góp phần định hướng dư luận, giáo dục ý thức thẩm mỹ, tạo ra một môi trường trong sạch và lành mạnh cho sự phát triển tiến bộ của nghệ thuật"- PGS-TS Phan Trọng Thưởng (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương) nêu quan điểm khi nói về định hướng phát triển lý luận văn học - nghệ thuật Việt Nam. 

Hội đồng thẩm định phim được quy định tại điều 39 Luật Điện ảnh 2006, cụ thể như sau:

Hội đồng thẩm định phim cấp trung ương do bộ trưởng Bộ VH-TT-DL thành lập; hội đồng thẩm định phim cấp tỉnh do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình do người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình thành lập;

Hội đồng thẩm định phim có từ 5 thành viên trở lên, bao gồm đại diện cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim, đạo diễn, biên kịch và các thành viên khác. Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi.

Hội đồng Duyệt phim trung ương lâu nay vẫn được duy trì gồm 11 thành viên. Các phim Việt muốn phát hành ở các rạp hay tham dự các liên hoan phim ngoài nước đều phải thông qua hội đồng duyệt phim này. Nếu phim không vi phạm, sẽ được dán nhãn tùy mức độ: phổ biến tới mọi đối tượng, cấm khán giả dưới 13 tuổi, cấm khán giả dưới 16 tuổi, cấm khán giả dưới 18 tuổi. Nếu phim có những cảnh không phù hợp sẽ yêu cầu nhà phát hành cắt bỏ (phim nhập ngoại) hoặc yêu cầu chỉnh sửa (phim sản xuất trong nước).

Văn Nghệ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét