Từ lúc biết mình mắc ung thư vú, cô gái nhỏ Đặng Trần Thủy Tiên, 19 tuổi (Hải Phòng) đã chủ động cạo trọc đầu để thích nghi dần với hành trình giành sự sống. Không chỉ can đảm đối mặt với bệnh tật, cô gái nhỏ còn truyền nghị lực, tinh thần lạc quan cho chính người thân và những người cùng cảnh ngộ như mình.
Cô gái mạnh mẽ và chủ động trong mọi tình huống
Gặp gỡ Thủy Tiên vào một buổi chiều trước khi em lên Hà Nội bước vào đợt điều trị lần thứ 10, tôi vô cùng ấn tượng về tinh thần lạc quan của em. Dáng người cao, gương mặt xinh xắn với nụ cười luôn thường trực trên môi, thoạt nhìn Tiên, khó ai có thể đoán em là người đang mang căn bệnh hiểm nghèo "ung thư vú".
Thủy Tiên tươi cười đón tôi và nhẹ nhàng kể: "Cho đến giờ em cũng không hiểu nổi sao mình trẻ như này mà đã bị mắc ung thư vú. Khi nhận kết quả, em rất sốc và vẫn hy vọng sinh thiết nhầm. Nhưng đến đợt kết quả lần 2 thì cả em và gia đình đều khẳng định mình đã bị ung thư vú giai đoạn 2.
Thú thực lúc đó em hoảng sợ vô cùng, thậm chí nghĩ tiêu cực. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, em chọn giải pháp đối mặt với nó và bảo lưu kết quả, bước vào hành trình điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra. Giờ thì đều đặn 1 tuần e lên Hà Nội xạ trị 1 lần. Đến giờ đã được 10 lần rồi ạ".
Nhắc lại hành trình nhận tin cho đến khi bước vào các đợt xạ trị giành sự sống của mình và gia đình, Tiên liên tục khóc vì nghĩ "chưa kịp báo hiếu gì cho cha mẹ đã mang bệnh khiến gia đình lo lắng, tốn kém".
Tiên chia sẻ, sau khi nghe bác sĩ tư vấn những tác dụng phụ cho cơ thể trong quá trình xạ trị, em đã chủ động cắt bỏ toàn bộ mái tóc của mình, không đợi tóc từ từ rụng vì muốn dùng chính mái tóc đó để làm tóc giả cho mình.
Truyền nghị lực sống, sự lạc quan cho người cùng cảnh ngộ
Chia sẻ về cô con gái bé bỏng của mình, chị Trần Thúy Hà - mẹ của Tiên kể: "Tiên rất mạnh mẽ và cũng khá kín tiếng. Ngay cả những thành tích trong học tập, không bao giờ Tiên khoe, chỉ đến khi nhà trường thông báo về, gia đình mới hay. 12 năm học, Tiên luôn là học sinh giỏi và thi đỗ vào trường ĐH Ngoại thương mà cô bé mơ ước".
Theo lời chị Hà, nhờ tính cách mạnh mẽ và lạc quan của Tiên nên khi quyết định nói thật tình trạng bệnh, họ cảm thấy đỡ bị áp lực hơn. Và đúng như dự đoán, Tiên nhanh chóng vượt qua cú sốc về bệnh tật và đồng hành cùng gia đình giành lại sự sống. "Thậm chí đến giờ, con gái mình còn là nhà tư vấn, truyền nghị lực và sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư khác, đặc biệt những bạn trẻ không may mắc bệnh hiểm nghèo", chị Hà chia sẻ.
Không còn mệt như những lần đầu xạ trị, hiện Thủy Tiên thấy "quen dần" với cảm giác "say sóng" sau điều trị. Đều đặn mỗi tuần, Tiên cùng mẹ hoặc bố lên Hà Nội 2 ngày hóa trị. Thực đơn ăn uống của Tiên cũng có sự thay đổi vì em bị thiếu bạch cầu, lịch sinh hoạt cũng được điều chỉnh ngủ đúng giờ, không thức khuya.
Tiên khoe: "Em cũng chẳng ăn uống được nhiều lắm đâu, nhưng từ ngày điều trị, em lại tăng được 10 kg đấy. Bạn bè biết tin đều thường xuyên chạy qua thăm hỏi, trò chuyện, động viên tinh thần em. Đôi lúc bi quan, em đã nghĩ nếu điều xấu nhất xảy ra với mình thì bố mẹ sẽ là người đau lòng nhất. Nhưng cảm giác đó qua rất nhanh. Em xác định rồi, em không cho phép mình được buồn thêm nữa, không được gục ngã, phải mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật để bố mẹ yên tâm, vững vàng".
"Từ ngày em bị bệnh, dù không ai để em phải suy nghĩ gì nhưng em vẫn cảm nhận được việc chi tiêu tiết kiệm trong gia đình. Dưới em, còn một cậu em trai bố mẹ phải nuôi nấng nữa. Đã có lúc em nghĩ, liệu mình có là gánh nặng cho bố mẹ hay không?", Tiên suy tư.
Về quyết định tham gia cuộc thi của trường ĐH Ngoại thương Beauty and Charm (Đẹp và Quyến rũ), Thủy Tiên cười tươi nói: "Em muốn tham dự cuộc thi này để truyền tải tinh thần lạc quan, nghị lực, niềm hy vọng cho các bạn cùng cảnh ngộ như mình. Ngoài thời gian điều trị, lúc rảnh rỗi em học guitar để thư giãn, sống tích cực hơn. Em muốn được về trường lắm rồi, em rất nhớ các bạn và thầy cô", Tiên xúc động trải lòng.
Đinh Huyền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét