15 tháng 10, 2019

Hành vi xâm hại danh lam thắng cảnh: Cần xử lý thật nghiêm!

Thời gian qua, nhiều sự việc xâm hại hoặc tác động xấu đến danh lam thắng cảnh, di sản thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ gìn giá trị danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử thì mọi hành vi xâm hại phải được xử lý nghiêm.  


Tổ hợp nhà hàng, quán cà phê 7 tầng “Mã Pì Lèng Panorama” vi phạm các quy định về bảo vệ di sản và xây dựng 

Người dân cả nước gần đây rất bức xúc khi chứng kiến hình ảnh tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng “Mã Pì Lèng Panorama” mọc lên tại hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) phá vỡ cảnh quan thiên nhiên - nơi được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang, công trình Mã Pì Lèng Panorama chưa được cấp phép xây dựng. Mặc dù công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ 2 của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, phá vỡ nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết vốn có của đèo Mã Pì Lèng.

Liên quan đến nhà hàng “Mã Pì Lèng Panorama”, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) vừa vào cuộc và đưa ra các đánh giá của mình về góc độ văn hóa. Theo đó, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 của danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng. Điều 36 Luật Di sản văn hóa nêu rõ: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng. Rõ ràng trong sự việc này có sự tắc trách, chậm trễ của cơ quan chức năng địa phương, từ đó để công trình mọc lên giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của danh thắng quốc gia.

Thực tế, có không ít sự việc tương tự gây bức xúc dư luận. Đầu năm 2019, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng buộc doanh nghiệp phải tháo dỡ phim trường xây dựng trái phép trong vùng lõi (vùng bảo vệ nghiêm ngặt của thắng cảnh) danh thắng hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt). Theo đó, doanh nghiệp đã dựng phim trường “chui”, hoạt động công khai tại di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm từ năm 2017. Phim trường này có nhiều hạng mục xâm phạm vùng bảo vệ nghiêm ngặt của thắng cảnh của hồ Tuyền Lâm như chuồng nuôi súc vật, nhà vệ sinh, bãi xe và hàng loạt cây cầu xâm phạm vùng lõi di tích quốc gia. Không những vậy, doanh nghiệp còn thu tiền vé tham quan tại công trình xây dựng trái phép này. Với các hành vi sai phạm, cơ quan chức năng TP Đà Lạt xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp, buộc tháo dỡ các công trình không phép, trả lại nguyên trạng danh thắng hồ Tuyền Lâm.

Đặc biệt, các chuyên gia văn hóa – lịch sử cùng người dân cả nước từng dậy sóng bức xúc bởi trong thời gian dài, Công ty du lịch Tràng An tự ý xây dựng công trình cổng và đường lên núi Cái Hạ với chiều dài hơn 1 km với hơn 2.000 bậc lên xuống xâm phạm nghiêm trọng vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình). Sau đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch kiểm tra và kết luận công trình này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng; vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, buộc tháo dỡ công trình.

Có nhiều sự việc xâm hại di sản, di tích, danh thắng đã diễn ra ở nước ta thời gian qua, gây bức xúc lớn trong cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc coi thường di sản, danh thắng quốc gia như trường hợp ở Mã Pì Lèng gần đây (hoặc những sự vụ tương tự đã nêu) cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Chính quyền địa phương không thể chỉ xử phạt hành chính, kiểm điểm cá nhân (đơn vị) để xảy ra sai phạm theo kiểu hình thức để xoa dịu dư luận. Bởi nếu không quyết liệt ngăn chặn từ “trứng nước”, di sản, danh lam thắng cảnh khó có thể tránh được “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”! 
Khôi Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét