8 tháng 10, 2019

“Hai Phượng” dự tranh giải Oscar

Bộ phim “Hai Phượng” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn đại diện phim Việt dự sơ tuyển hạng mục “Phim truyện quốc tế xuất sắc nhất” giải thưởng điện ảnh Oscar 2020 danh giá. Phần đông dư luận ủng hộ tác phẩm này vì bộ phim khá thành công cả trong và ngoài nước thời gian qua. Nhưng “Hai Phượng” cũng khó có thể hiện thực hóa giấc mơ vươn tới Oscar đối với điện ảnh Việt...


Xứng đáng

Có thể nói, “Hai Phượng” là bộ phim điện ảnh nổi bật của Việt Nam năm 2019, chất lượng khá tốt, được đầu tư lớn cùng nội dung mang tính nhân văn. Ngoài việc lập kỷ lục doanh thu phòng vé với 200 tỷ đồng sau đợt công chiếu, “Hai Phượng” còn được chiếu tại các rạp Mỹ, Ca-na-đa và sắp tới trình chiếu trên hệ thống Netflix – kênh chiếu phim quốc tế thu phí có mặt ở hầu hết nước trên thế giới.

Trong nhiều phim Việt ra rạp từ cuối 2018 đến hết tháng 7-2019, chiểu theo tiêu chí lựa chọn của Ban tổ chức giải thưởng Oscar 2020, “Hai Phượng” là cái tên xứng đáng đến với sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới diễn ra tại Mỹ đầu năm sau. “Hai Phượng” là dự án phim hành động có kinh phí sản xuất khoảng trên dưới 1 triệu USD, được xem là khá cao ở Việt Nam, có sự tham gia của nhiều tên tuổi hạng A của nước ngoài. Bộ phim này có kịch bản đơn giản với câu chuyện đơn tuyến: hành trình đi tìm đứa con gái nhỏ bị bắt cóc của người mẹ đơn thân. Từng từ giã quá khứ nhúng chàm để lui về vùng quê ở ẩn nuôi con, Hai Phượng (Ngô Thanh Vân thủ vai) bắt buộc phải trở lại thế giới tội phạm để giải cứu con mình.

Bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ xây dựng được bối cảnh đặc biệt, xuất thân của nhân vật và những thế đánh mang đậm bản sắc võ thuật truyền thống của Việt Nam. Điều đó làm nên sự khác biệt của bộ phim hành động này so với các bộ phim cùng thể loại. Các cảnh giao đấu tay đôi trong phim tạo được cảm giác căng thẳng, dồn nén nhờ nhịp phim nhanh, cắt dựng hiện đại và các góc quay tạo được sự phấn khích cho người xem. Các cuộc rượt đuổi, những màn cận chiến gay cấn diễn ra xuyên suốt phim và trên nhiều phương tiện giao thông như xe máy, thuyền, tàu hỏa cũng là điểm cộng làm nên “bản sắc” của “Hai Phượng”.

Theo chân “Hai Phượng”, đời sống của làng quê hay đô thị Việt Nam hiện lên đầy chân thực sinh động. Đó không chỉ là vẻ đẹp thơ mộng của sông nước làng mạc, sự trù phú của thiên nhiên, mà chính là cuộc sinh tồn thực thụ của con người. Với những điểm mạnh của bộ phim hành động Việt Nam mang tầm quốc tế, “Hai Phượng” nhanh chóng chinh phục người xem trong nước và mở ra triển vọng cho dòng phim hành động, thể loại luôn gặp khó khăn trước đó tại Việt Nam.

Chưa dám mơ xa

Dù có những ưu điểm kể trên, “Hai Phượng” được đánh giá khó có thể vượt qua vòng sơ tuyển giải thưởng Oscar 2020. Tác phẩm vẫn vấp phải vài điểm trừ như xây dựng nữ nhân vật chính có yếu tố siêu anh hùng, khi bị thương vẫn đánh nhau như cái máy. Phim phân bố thời lượng các pha hành động chưa hợp lý, khi tuyến nhân vật phụ bị hạ gục quá nhanh và đơn giản, gây hụt hẫng, còn “ông trùm” thì lại hơi lâu tạo nên sự mệt mỏi. Dù có bối cảnh và phân thể hiện hành động khá tốt, “Hai Phượng” vẫn rơi vào “cái bẫy” chết người của phim Việt là phần kịch bản yếu kém.

Thực tế chỉ ra rằng, thời gian qua nhiều phim Việt được dự sơ tuyển giải Oscar hạng mục “Phim điện ảnh quốc tế xuất sắc nhất” (trước đây có tên gọi phim nói tiếng nước ngoài hay nhất) đều bị loại ngay “vòng gửi xe”. Đó là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Cha cõng con”, “Chuyện của Pao”, “Áo lụa Hà Đông”, “Đừng đốt”, “Khát vọng Thăng Long”, “Mùi cỏ cháy”, “Trúng số”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”... Mặc dù các tác phẩm vừa nêu đều được giới làm phim trong nước đánh giá cao, nhưng lại bị loại vì vẫn dưới tầm so với các tác phẩm của những nền điện ảnh tiên tiến, chưa đủ lọt vào “mắt xanh” giải Oscar.

Lý giải nguyên nhân phim Việt còn chưa thể chạm tới đẳng cấp của Oscar, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, cách kể chuyện, cách quan sát vấn đề của phim Việt đang cũ, là rào cản lớn. Bên cạnh đó, phim Việt vẫn thiếu dấu ấn dân tộc, bản sắc văn hóa ở trong đó. Nhiều nhà làm phim trong nước cũng thừa nhận, cái thiếu ở phim Việt để có thể cạnh tranh những giải thưởng điện ảnh lớn và tầm cỡ như Oscar vẫn là tài kể chuyện, ngôn ngữ điện ảnh và tầm cỡ vấn đề đặt ra. Vì thế, việc lọt vào danh sách 5 tác phẩm đề cử chính thức và đem về tượng vàng Oscar danh giá vẫn là ước mơ xa vời!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét