27 tháng 7, 2019

Biểu diễn ca nhạc tại các quán bar, phòng trà: Phong phú thêm đời sống văn hóa

Mỗi khi đêm về, một số quán bar, phòng trà ở đất Cảng lại sáng đèn với sân khấu ca nhạc mini. Tuy không sôi động như một số thành phố lớn khác, nhưng các sân khấu ca nhạc mini ở Hải Phòng ít nhiều đáp ứng nhu cầu thưởng thức của một bộ phận người nghe, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố.  


Sân khấu nhỏ nhưng tính tương tác lớn

Buổi tối giữa tháng 7, tại bar Hải Phòng Club (phố Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng), khá đông người đến dự đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Trịnh ca”. Đêm nhạc do ca sĩ Thanh Huệ tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Trong đêm nhạc ý nghĩa này, người nghe lần lượt được thưởng thức những tình khúc theo nhạc sĩ suốt cuộc đời, như: “Diễm xưa”, “Bốn mùa thay lá”, “Ru tình”, “Hạ trắng”, “Gọi nắng”, “Quỳnh hương”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Lặng lẽ nơi này”... qua giọng hát của hai ca sĩ gạo cội Thanh Huệ, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng và giọng hát của các ca sĩ trẻ, như: Kiều Mai Ly, Tiến Thành, Bảo Ngọc, đem đến người nghe một chương trình dày dặn, ấm áp. Điều làm đêm nhạc thêm thành công, sống động là ca sĩ hát “live” hoàn toàn trên nền tiếng đàn piano du dương, tiếng kèn sacxophone trầm bổng và tiếng ghi-ta điện tử da diết. Người nghe, người xem lúc im lặng lắng nghe từng giai điệu thánh thót vang lên, lúc thoải mái giao lưu, chia sẻ với người dẫn chương trình, các nghệ sĩ biểu diễn về tình yêu nhạc Trịnh.

Theo giới văn nghệ sĩ thành phố, phong trào biểu diễn ca nhạc ở các quán bar, phòng trà tại Hải Phòng rộ lên từ thập niên 80 của thế kỷ trước với những phòng trà Thủy Cung, Sài Gòn café, Câu lạc bộ Ca nhạc Thanh niên (Cung Văn hóa thể thao thanh niên). Khoảng từ năm 2010 đến nay, số phòng trà, quán bar xuất hiện nhiều hơn, kéo theo các sân khấu ca nhạc mini phát triển. Tuy nhiên, so với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình biểu diễn ca nhạc ở quán bar, phòng trà tại Hải Phòng có quy mô nhỏ hơn và không phân chia theo “gu” của từng quán. Các chương trình biểu diễn có lúc theo một chủ đề riêng như đêm nhạc Trịnh, đêm nhạc bô-lê-rô, nhưng cũng có khi là tổng hợp các tình khúc đi cùng năm tháng. Quản lý phòng trà Nano (phố Minh Khai) cho biết: “Đối với sân khấu phòng trà ở Hải Phòng, chương trình nào đông khách cũng chỉ có 70 đến 100 khách, thường vào các buổi cuối tuần. Còn các buổi khác khá thưa thớt khách. Tuy nhiên, sân khấu phòng trà vẫn giữ được nét đặc trưng riêng, đó là kéo gần khoảng cách giữa nghệ sĩ và người yêu nhạc”.

Cháy bỏng tình yêu nghệ thuật

Lực lượng ca sĩ, nhạc công biểu diễn ở quán bar, phòng trà ở Hải Phòng hiện tăng lên khá nhiều. Số ca sĩ thường được nhắc đến chia làm hai thế hệ. Trong đó, lớp nghệ sĩ thập niên 80-90 của thế kỷ trước, như: Hương Liên, Thanh Huệ, Quang Linh… trưởng thành từ phong trào văn nghệ công nhân, lao động thành phố Cảng. Dù chuyên nghiệp hay bán chuyên, họ ít nhiều từng đoạt huy chương vàng, bạc trong các hội thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc. Hầu hết các ca sĩ đi hát trước hết vì nhớ nghề, nhớ công chúng và mong muốn được tiếp tục cống hiến giọng hát đẹp của mình cho người nghe. Vì thế, mỗi khi đứng trên sân khấu, các ca sĩ đều biểu diễn hết mình, như “rút gan ruột” ra với từng ca khúc. Bên cạnh lớp ca sĩ thành danh là lớp ca sĩ trẻ, hát tự do, như: Phương Thảo, Nhật Linh, Huy Cường, Kiều Mai Ly, Phương Nam, Bích Liên... Ngoài ra còn một số ca sĩ trẻ của Đoàn Ca múa Hải Phòng, Đoàn Văn công Quân khu Ba, Đoàn Văn công Công an thành phố. Với các nhạc công, có thể kể tới như: Việt Dũng, Tuấn Hùng (saxsophoen), Hải Long (ghi-ta), Quang Toản (Ooc-gan), Hữu Tuấn (trống)…

Được biết, mức thù lao bình quân chung của các ca sĩ, nhạc công biểu diễn ở quán bar, phòng trà ở Hải Phòng hiện nay dao động từ 200-400 nghìn đồng/người/đêm. Trong một chương trình (khoảng 12 ca khúc) có thể cần tới 3 đến 4 ca sĩ và 2 đến 3 nhạc công, cũng có chương trình lớn hơn cần số ca sĩ và nhạc công nhiều hơn. Hoặc có những chương trình “hát cho nhau nghe” chỉ cần khoảng 1 đến 2 ca sĩ để “hát mồi”. Nhiều ca sĩ, nhạc công tâm sự rằng, với họ, hát tại quán bar, phòng trà không đặt nặng thù lao, mà là được hát, được chơi nhạc, được tiếp xúc thường xuyên với người nghe, người xem. Như một nhạc công ở City bar chia sẻ: “Việc chơi kèn thường xuyên là một cách giúp tôi giữ hơi và giữ tình yêu với nghề. Có thể mỗi đêm nhạc, chơi liên tục trong 4 giờ đồng hồ chỉ nhận mức cát-xê 250 nghìn đồng, còn thua xa một buổi biểu diễn trong đám cưới, trong sự kiện, nhưng tôi cần thiết phải đi biểu diễn mỗi tối”. Không chỉ có ý nghĩa đối với nghệ sĩ biểu diễn, việc duy trì các show diễn ở quán bar, phòng trà còn là cách đáp ứng nhu cầu, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố, bên cạnh các chương trình nghệ thuật chính thống, do các cơ quan, đơn vị tổ chức, có sự đầu tư của thành phố. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét