7 tháng 3, 2018

Thái quá “đức tin”, lạm dụng tín ngưỡng trong thờ cúng

Từ xưa tới nay, các cụ dạy rằng, việc dâng lễ lên ban thờ Phật, thánh, thần linh, tổ tiên, ông bà cha mẹ… chỉ cần tấm lòng thành, đâu cần “mâm cao cỗ đầy”. 

Nhưng ngày nay, không biết vì “đức tin” thái quá hay vì muốn “chơi trội”, một số người đã lạm dụng tín ngưỡng một cách phô trương, phản cảm, phi văn hóa. Đáng tiếc, trong số đó có người là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Trước đây, đồ mã hình “ông ngựa” được làm thống nhất với kích thước vừa phải, chiều cao trung bình khoảng 45cm đến 50 cm, dài khoảng 55 cm đến 60 cm; nhưng hiện nay tại một số đình đền, nhiều “ông ngựa” đem dâng thánh, thần được làm với tỷ lệ 100%  như ngựa thật. Với tư duy “trần sao âm vậy”, đủ thứ đồ mã trước đây không có, nhưng nay được sản xuất theo trào lưu của xã hội dương thế như xe máy SH, iphone, nhà lầu, ôtô… 

Tệ đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí. Ảnh: minh họa của CTV.
Theo đó, thay vì đốt vài tập tiền vàng như trước đây, người ta đốt hàng đống đồ mã. Chính từ vì sự lạm dụng thái quá việc đốt vàng mã, gây lãng phí lớn của cải cho xã hội, mà Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản khuyến cáo không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo; nhưng e rằng, chỉ khuyến cáo không chưa đủ, nếu Nhà nước không có những chế tài cụ thể, thì rất khó để từ bỏ thói quen đốt vàng mã tràn lan như hiện nay.

Một biểu hiện phản cảm khác đã được nói nhiều, nhưng vẫn chưa có chuyển biến, đó là tình trạng dâng tiền lẻ tràn lan tại các điểm thờ tự. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước hạn chế in tiền lẻ để ít nguồn cung tiền lẻ; nhưng bằng mọi cách, từ nhiều nguồn khác nhau, người đi lễ vẫn kiếm được cho mình những xấp tiền lẻ mới tinh. 

Tiền lẻ được rải đầy các ban thờ, từ bên trong nơi thờ tự, đến ngoài sân, khi gặp gió, tiền lẻ bay khắp nơi rất phản cảm. Chúng ta dâng tiền lẻ tại nơi thờ tự là muốn hảo tâm đóng góp cho cơ sở thờ tự, nhưng với cách rải tiền lẻ như vậy thực sự là gây khó cho các cơ sở thờ tự trong việc thu gom tiền lẻ, đổi tiền lẻ ra tiền chẵn để sử dụng… 

Thiết nghĩ, cần thay đổi thói quen này, thay vào đó, chúng ta chỉ công đức một lần tại một cơ sở thờ tự. Việc dâng tiền phải bỏ vào hòm công đức không nên đặt tràn lan tại nơi thờ tự.

Chúng ta vui mừng  khi tín ngưỡng thờ mẫu (chủ yếu là lễ hầu đồng) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.  Qua đó, việc hầu đồng cũng đã được công nhận là nét đẹp văn hóa đáng tự hào của dân tộc ta, không được coi là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, ranh giới giữa “văn hóa” và “mê tín dị đoan” rất dễ bị xóa nhòa. 

Chúng tôi được biết, có nhiều người được phán là có “căn đồng”, mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng đã phải vay mượn tiền bạc để tổ chức giá chầu tốn kém hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Lại cũng có người lợi dụng việc hầu đồng để khoe sự giàu sang phú quý, bằng việc ném hàng xấp tiền có mệnh giá từ 100 - 500 ngàn đồng trong buổi chầu, để những người tham gia lễ chầu xô nhau nhặt “lộc thánh” ban…

Trước đây, người xưa đi lễ phật, lễ thần, lễ thánh bằng tấm lòng thành kính. Chủ yếu, họ cầu nguyện cho “quốc thái, dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhà nhà ấm no hạnh phúc”. 

Nhưng ngày nay, đức tin của một số người đầy vụ lợi cá nhân. Ví dụ như việc đi lễ đền Cô bé Chí Mìu ở Bắc Giang. Dân cờ bạc, lô đề rỉ tai nhau đi lễ đền này rất thiêng, vì cô bé Chí Mìu phù hộ cho may mắn trong cờ bạc? 

Nhưng thực tế Cô bé Chí Mìu chính là Cô bé Thượng ngàn, do nằm ở bản Chí Mìu nên người ta gọi tên đền theo tên địa danh. Thực tế, Cô bé Thượng ngàn được thờ ở nhiều nơi và dĩ nhiên không vị thần thánh nào lại cổ xúy cho tệ nạn cờ bạc cả. 

Tập tục rước ấn tại Đền Trần cũng vậy, từ một câu chuyện lịch sử tốt đẹp thời nhà Trần, người ta đã thêu dệt nên những điều không tưởng về việc thăng quan tiến chức khi có được ấn ban. Từ đó, dẫn đến những hành vi phản cảm như chén lẫn xô đẩy để tranh giành ấn, thậm chí là cướp ấn, gây mất an ninh trật tự trong lễ hội.

Việc đi lễ đầu năm là một tập tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc ta; tuy nhiên, không nên lạm dụng “đức tin” một cách thái quá, làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp của  những tập tục thờ cúng mà nhà Phật và tổ tiên đã truyền dạy cho chúng ta. Trong số những người đi lễ đầu năm, có những người là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải làm gương để bài trừ những thói quen, hủ tục, làm trong sáng văn hóa dân tộc.
(Đào Minh Khoa)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét