31 tháng 7, 2018

VỤ GIAN LẬN ĐIỂM THI Ở SƠN LA: CẦN MẠNH TAY CHO MỘT NỀN GIÁO DỤC SẠCH

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia tại tỉnh Sơn La, hôm nay ngày 31/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng gồm:

Bà Nguyễn thị Hồng Nga, SN 1967, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.

Ông Đặng Hữu Thủy, SN 1964, Phó Hiệu trưởng trường PTTH Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.

Ông Lò Văn Huynh, SN 1961, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng Ban thư ký.


Khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 đối tượng gồm:

Ông Trần Xuân Yến, SN 1971, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban chấm thi, Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.

Bà Cầm Thị Bun Sọn, SN 1969, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm, đều về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ Luật hình sự.

Trước đó, ngày 26/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" về những sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La.


Có thể nói, vụ gian lận thi cử tại Sơn La đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, được tiến hành có tổ chức và bài bản với sự tham gia và tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La. So về tính chất phức tạp và sự tinh vi thì vụ việc ở Sơn La có tính phức tạp hơn vụ việc xảy ra ở Hà Giang bởi tính tổ chức và được tiến hành rất bài bản.

Những đối tượng liên quan bước đầu đã bị bắt, khởi tố. Sự thật của vụ việc, thủ đoạn gian lận điểm thi, có hay không việc chạy điểm... sẽ được cơ quan công an làm rõ để trả lời công khai trước dư luận. Tuy nhiên, dù sự thật có được làm rõ thế nào thì vết thương này khó được chữa lành, niềm tin của dư luận đối với sự minh bạch, công bằng của một kỳ thi quốc gia như kỳ thi THPT không dễ để lấy lại.

Những sự việc xảy ra ở Hà Giang, Sơn La trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã thực sự gây chấn động đối với dư luận và những người làm công tác giáo dục. Tại sao một kỳ thi tầm cỡ quốc gia mà lại có để xảy ra những câu chuyện đau lòng như vậy. Sau Hà Giang, Sơn La còn địa phương nào nữa hay không? Liệu câu chuyện ở Hà Giang, Sơn La vừa qua mới chỉ là lần đầu hay đã được tiến hành trong vài năm? Còn đó rất nhiều câu hỏi và nỗi lo của người dân cả nước trước thực trạng giáo dục nước nhà.

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói rằng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”. Điều đó hoàn toàn đúng. Bởi vậy, rất cần những biện pháp mạnh để chấn hưng lại nền giáo dục nước nhà vào lúc này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét