Với việc tạm dừng phát sóng bộ phim truyền hình 18+ “Quỳnh Búp bê”vì có nhiều ý kiến trái chiều của người xem cho thấy sự lúng túng của VTV trong việc quản lý đối với những phim truyền hình có nội dung nhạy cảm.
Phim "Quỳnh Búp bê" chỉ được dán nhãn 18+ sau khi chiếu được 4 tập phim. (Ảnh: Facebook) |
Bối rối trong quản lý
Ngày 10-7, VTV ra thông báo ngừng phát sóng phim “Quỳnh Búp bê” do ý kiến trái chiều của công chúng. Tác phẩm được gắn nhãn 18+ do kể về cuộc sống của những cô gái mại dâm, có lối tiếp cận trực diện qua nhiều cảnh "nóng" và bạo lực. Với nội dung nhạy cảm như vậy, một số người xem nhận định, phim không nên chiếu vào 20 giờ 45, thuộc khung “giờ vàng” (từ 18 giờ đến 21 giờ), lúc nhiều thành viên trong gia đình, trong đó có các em nhỏ, xem phim.
Bên cạnh sai lầm trong việc chọn khung giờ chiếu phim, việc gắn nhãn 18+ quá muộn màng cho “Quỳnh Búp bê” cũng khiến không ít công chúng phẫn nộ. Trong suốt 4 tập đầu của bộ phim, những hình ảnh “nóng”, ngôn ngữ thô tục, cảnh bạo hành phụ nữ được chiếu thoải mái mà không có bất kỳ khuyến cáo hay cảnh báo nào về nội dung. Phải đến tập 5, sau nhiều ý kiến phản hồi của người xem, phim mới được nhà đài dán nhãn giới hạn lứa tuổi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, do phim vẫn được chiếu trong giờ vàng, nên việc gắn mác 18+ muộn màng này không có nhiều ý nghĩa.
Trước “Quỳnh Búp bê”, bộ phim 18+ “Sex and the City” cũng được chiếu vài tập vào lúc 22 giờ 45 hằng ngày, nhưng sau đó VTV buộc phải ngừng phát sóng do phim có nhiều cảnh “nóng” và thảo luận về đề tài tình dục một cách quá táo bạo. Talkshow của nhà báo Trác Thúy Miêu “Chuyện ấy là chuyện nhỏ” cũng gặp nhiều dư luận trái chiều nên phải tạm biệt sóng truyền hình. Cứ duyệt chiếu rồi lại gỡ khỏi sóng, gây tranh cãi rồi mới ngừng phát sóng, dường như nhà đài quá thiếu chủ động trong việc quản lý phim và đánh giá phản ứng của công chúng.
Thực tế, việc những bộ phim có nội dung nhạy cảm xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền hình là điều tất yếu. Sự phát triển của xã hội khiến công chúng có cái nhìn cởi mở hơn với các vấn đề vốn ít được bàn luận công khai trên truyền hình. Các nhà làm phim từ đó cũng mạnh dạn khai thác các đề tài gai góc của cuộc sống một cách trần trụi, táo bạo hơn. Tuy nhiên, rất cần vai trò của nhà quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò của nhà Đài trong việc phát sóng những bộ phim này vào khung giờ thích hợp, lựa chọn nhãn mác cảnh báo về nội dung phim. Nếu bị công chúng quay lưng chỉ vì sự quản lý lúng túng, phim dù hay đến đâu cũng không còn nhiều giá trị.
Cần mã riêng để xem phim 18+
Cấm hay không cấm không còn là câu hỏi quan trọng nhất. Vì để cấm phát sóng bộ phim rất dễ, nhưng để quản lý bảo đảm nội dung phim phù hợp đối tượng công chúng, nhất là giáo dục giới tính một cách đúng đắn mới là điều khó. Công tác này còn khó thực hiện hơn khi hiện nay, thiếu những quy định cụ thể về việc phân loại, quản lý phim truyền hình có nội dung nhạy cảm.
Từ tháng 10-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình phải cảnh báo nội dung không phù hợp trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Tuy nhiên, khác với phim điện ảnh - vốn có luật về dán nhãn với bốn mức, phim truyền hình Việt chưa có phân loại cụ thể về nội dung. Theo điều 38 Luật Điện ảnh (2006), hiện nay, việc kiểm duyệt phim truyền hình chủ yếu do các đài tự thực hiện và chịu trách nhiệm. Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch chỉ thu hồi giấy phép phổ biến nếu phát hiện vi phạm về nội dung, hình ảnh. Theo nhà báo Nguyễn Phong Việt - người nhiều năm theo dõi mảng phát hành phim, "việc phân loại hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của nhà đài. Chuyện kiểm duyệt đang rất mơ hồ. Phim nào người xem không phản ứng, xem như không có việc gì, còn phim nào người xem phản ứng mạnh như “Quỳnh búp bê” thì nhà đài tự ngừng chiếu".
Việc xây dựng hệ thống đánh giá và khung giờ chiếu là điều cần thiết trong bối cảnh phim truyền hình Việt đang phát triển nhanh về số lượng. Điều này tạo hành lang thông thoáng cho các nhà làm phim trong tương lai. Theo nhà báo Nguyễn Phong Việt, nên nhanh chóng dán nhãn độ tuổi với phim truyền hình và áp khung giờ chiếu phù hợp. Cơ chế rõ ràng sẽ tốt hơn là để mọi thứ phụ thuộc vào dư luận như hiện tại". Ngoài ra, giải pháp khác cho các phim 18+ có thể là chiếu trên các kênh VOD - video theo nhu cầu.
Trong khi đó, NSND Hoàng Dũng đặt vấn đề tại sao lại xảy ra chuyện dừng sóng khi có cả hệ thống, đội ngũ duyệt phim trước khi chiếu? Theo nghệ sĩ cần có trọng tài, “người phán xử” thật sự có “văn hóa”, có trình độ và công tâm. Công chúng chính là đối tượng quan trọng nhất và họ phải tâm phục khẩu phục. Người trọng tài ở đây trước hết nên là chính các nhà đài. Chênh vênh giữa việc làm hài lòng người xem và trân trọng sự cống hiến nghệ thuật của đoàn làm phim, ý thức chủ động dán nhãn phim phù hợp, chọn khung giờ chiếu hợp lý sẽ tránh xảy ra những lùm xùm đáng tiếc như vừa qua.
(Thu Thảo tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét