11 tháng 7, 2018

Hoàn thiện quy trình xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú: Để người trong cuộc tâm phục

Theo danh sách vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công bố, có 77/105 hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) và 303/359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đạt được trên 90% số phiếu đồng ý từ thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước. Như vậy, có gần 1/4 số hồ sơ bị loại so với danh sách do 48 Hội đồng cấp bộ, cấp tỉnh gửi hồ sơ lên trước đó.

NSƯT Trần Hạnh (bên trái) có thể được đặc cách phong NSND.
Đáng chú ý, trong danh sách trên có nhiều cái tên “bị loại” gây bất ngờ với người hâm mộ như NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Hồ Quỳnh Hương… Trong đó, trường hợp NSƯT Minh Vương lần thứ 3 bị “đánh trượt” danh hiệu NSND. Trước đó, trong đợt xét tặng ở Hội đồng cấp bộ, cấp tỉnh, hàng loạt nghệ sĩ cũng bị “gạch tên” như NSƯT Chí Trung, NSƯT Nguyễn Thị Thu Huyền (Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội)… Hy hữu, NSƯT Lê Văn Thể (NSƯT Lê Thể) có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định thành tích của mình là xứng đáng phong tặng NSND. Không những vậy, NSƯT Lê Văn Thể còn “tố” NSƯT Hoàng Minh Khánh - người cũng đang có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 9- lấy tác phẩm của ông đi dự thi.

Dễ nhận thấy, cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại có những tranh cãi gay gắt. Dường như việc bị đánh trượt phần nhiều làm ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự trọng của những người nghệ sĩ. Là người thường xuất hiện trong Hội đồng xét tặng ở nhiều cấp, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng: quy định là khung cứng, để đạt danh hiệu thì không chỉ có huy chương, mà cần phải thuyết phục được hội đồng để họ bỏ phiếu… “Thường thì các thành viên Hội đồng xét tặng đều là những người có nhãn quan, tư duy nghệ thuật chuẩn mực. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố cảm tính chi phối quyết định của chính những người cầm cân nảy mực này”.

Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành khá quyết liệt khi nhắc tới một số thành viên Hội đồng xét tặng ở vị trí này quá lâu, quá nhiều đợt, khó đạt được độ công tâm. Đã có những thay đổi khá tích cực nhằm đem lại sự công bằng nhất định trong quá trình xét, phong tặng. Tuy nhiên, ngay trong những điều được cho là rõ ràng của tiêu chí này, cũng có những điểm còn mơ hồ như sức lan tỏa với người xem, người nghe, rồi về  tư cách đạo đức. Đây cũng là nguyên nhân của bao điều ì xèo sau mỗi đợt xét tặng.

Ở một góc nhìn khác, vấn đề đặt ra là việc “cân đong đo đếm” hồ sơ xét tặng liệu có phù hợp không, khi sức lan tỏa lại là yếu tố khó đánh giá được và cũng không công bằng đối với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Bởi hiện nay, có nhiều loại hình nghệ thuật có điều kiện tiếp cận nhanh, gần với công chúng, nhưng cũng có các hình thức như Tuồng, Chèo... ít được tiếp cận hoặc tiếp cận với số lượng không nhiều người xem. Nếu nghệ sĩ không tham gia vào các live show trên truyền hình, phim truyền hình... thì gương mặt ít được biết tới trong khi có nhiều cống hiến. Thêm vào đó, việc rút ngắn thời gian phong danh hiệu từ 5 năm một đợt xuống 3 năm rồi 2 năm trong khi các kỳ, cuộc liên hoan hội diễn ngày một dày, chỉ tiêu huy chương cũng vì thế mà dễ dàng hơn rất nhiều. Dường như có gì đó phi lý trong bối cảnh sân khấu đang thưa vắng người xem, sự tác động với xã hội ngày một ít đi, các nghệ sĩ được vinh danh ít người biết tới.

Có thể thấy, danh hiệu NSND, NSƯT nếu được trao đúng lúc, đúng chỗ sẽ là nguồn động viên lớn lao để nghệ sĩ nỗ lực cống hiến. Thế nhưng, mỗi kỳ xét tặng nào cũng vậy việc vinh danh nghệ sĩ bằng danh hiệu vẫn đang phụ thuộc vào vấn đề thủ tục, những căn cứ, quy định. Nặng nề hơn, một số người cho rằng việc xét tặng vẫn bị cơ chế xin- cho đè nặng. NSND Minh Châu thẳng thắn nêu quan điểm: “Danh hiệu là niềm tự hào của nghệ sĩ. Nhưng việc phải làm hồ sơ, đi xin chữ ký chỗ nọ chỗ kia khiến chúng tôi thấy mệt mỏi, cảm giác như mình bị hạ thấp”.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Trần Hạnh mấy năm trước bị đánh trượt, năm nay nghe đồn đang được đặc cách phong NSND cũng chẳng mấy vui. Ông chia sẻ: “Nghệ sĩ có lòng tự trọng, chúng tôi đi diễn cả đời là vì tình yêu với nghề, muốn cống hiến cho công chúng. Chẳng ai thích việc năm lần bảy lượt làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu này nọ. Năm này bị trượt năm sau lại làm, nó buồn cười lắm. Danh hiệu trong lòng nhân dân với chúng tôi mới là quan trọng”.

Được phong tặng NSND, NSƯT là vinh dự, dù không làm người nghệ sĩ giàu thêm về tiền bạc nhưng thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước với những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà. Bởi với nhiều nghệ sĩ, họ làm nghệ thuật trên hết là vì yêu nghề, yêu khán giả chứ không vì bất kỳ danh hiệu nào. Dù có được danh hiệu hay không, họ vẫn cống hiến hết mình cho sàn diễn. Đây là điều các cơ quan có trách nhiệm cần lưu tâm xem xét, đề xuất giải pháp hoàn thiện quy trình, thủ tục phong tặng hợp lý hơn.
(Minh Nguyệt)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét