Giữa lúc đám hiếu đang đông, một nhóm năm chàng trai, cô gái trẻ đi vào xin đăng ký vào viếng. Họ ăn mặc sành điệu: trai mặc áo thun bó sát, quần bò rách gối, gái mặc váy ngắn, trang điểm đậm. Viếng xong, tốp bạn trẻ quay ra bàn uống nước, họ tán chuyện ồn ào, thỉnh thoảng lại rúc rích cười trong tiếng kèn ai oán. Những người có mặt không khỏi cảm thấy chướng tai gai mắt với cách hành xử thiếu văn hóa của đám bạn trẻ nọ. Một chị trung tuổi quay sang bà cụ ngồi cạnh:
- Không biết đám bạn trẻ kia ở đâu mà chuyện trò, cười cợt giữa lúc gia chủ đang đau buồn vì mất người thân, thật thiếu ý thức…
Bà cụ chép miệng:
- Đám bạn của con gái chị chủ nhà đấy. Bà ngoại mất, nhưng cô cháu gái cùng đám bạn cười nói như không. Thật không hiểu bọn trẻ nghĩ gì mà hành động thiếu văn hóa vậy!?
Bà cụ thở dài nhìn về phía đám bạn trẻ ồn ào kéo nhau ra ngõ, không quên nhấm nháy hẹn nhau đi cà phê sau đám tang…! Người phụ nữ chia sẻ với bà cụ:
- Hôm nọ cháu chứng kiến một đám hiếu đi qua đường Đà Nẵng giữa lúc tan tầm. Dòng người xe hối hả ngược xuôi, ai cũng vội vã trở về nhà sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng, mệt nhoài. Một cụ già khoảng chừng ngoài 80 tuổi, dáng người gầy nhỏ chuẩn bị qua đường, nghe tiếng trống kèn từ xa, vội dừng sát vỉa hè… Đám ma đi ngang, cụ khẽ ngả mũ, cúi gương mặt nghiêm trang, thành kính. Cử chỉ của cụ già mà cháu cảm thấy ấm áp niềm tin vào tình yêu thương con người, đồng loại. Cử chỉ nhỏ nhưng đáng để nhiều người trẻ suy ngẫm về cách ứng xử có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày cụ ạ…
Bà cụ đồng tình:
- Cách cư xử thiếu văn hóa vừa rồi không phải cá biệt trong giới trẻ …Một số bạn trẻ cho rằng đây là chuyện nhỏ trong sinh hoạt, không quan trọng. Đúng là việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa không nhỏ, bởi đó là thước đo văn hoá, cách ứng xử với cộng đồng ở mỗi người…Tôi nghĩ, người có văn hoá không phải được tính bằng bằng cấp này nọ, hay ăn diện “sang chảnh” mà thể hiện ở những nét bình dị đời thường, đôi khi chỉ là hành động như của cụ già nọ thôi, phải không cô…?
(Dương Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét