15 tháng 4, 2019

Phải ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi phá hoại di tích, trộm cắp cổ vật

Mặc dù có không ít vụ xâm hại, phá hoại di tích, di sản xảy ra ở nước ta làm nóng dư luận, nhưng tình trạng này chưa có hồi kết. Gần đây câu chuyện này tái diễn. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, nhiều di tích lịch sử và không gian thờ tự như đền, chùa đang bị xâm hại nghiêm trọng.  

Tượng phật chùa Khánh Long bị kẻ xấu bẻ gãy tay, chân... 
Hồi chuông báo động

Mới đây, nhiều người dân và các phật tử đến chùa Khánh Long (Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) không khỏi bàng hoàng xen lẫn bức xúc khi chứng kiến 16 tượng Phật tại chùa bị kẻ gian phá hoại. Đại đức Thích Thanh Khánh, trụ trì chùa Khánh Long phải viết đơn cầu cứu gửi tới các cấp chính quyền thành phố Hà Nội về việc 16 bức tượng La Hán bị kẻ gian phá hoại. Theo đó, cuối tháng 3-2019, nhà chùa phát hiện 12 bức tượng La Hán bị kẻ xấu phá hoại, gần đây tiếp tục phát hiện thêm 4 tượng La Hán  bị phá hoại. 16 bức tượng La Hán bằng đá cẩm thạch tại chùa Khánh Long bị kẻ gian bẻ tay, chân, tai tượng, trông rất phản cảm. Cơ quan chức năng liên quan tại huyện Đông Anh đang tích cực điều tra nhằm tìm ra kẻ phá hoại tượng phật để xử lý theo quy định pháp luật.

Trên thực tế, tình trạng xâm hại và phá hoại tượng phật trong không gian di tích, chùa từng diễn ra ở nhiều địa phương. Điển hình, ngay đoạn đường dưới chân núi lên chùa Bái Đính cổ (nằm trong hang động núi Bái Đính, tỉnh Ninh Bình) có đặt 70 pho tượng La Hán được tạc từ đá nguyên khối, nhưng có tới 21 tượng bị hư hỏng, chủ yếu là mất cánh tay, gãy ngón tay, sứt mũi…Nguyên nhân bởi vào mùa lễ hội Bái Đính hoặc khi hành hương tới chùa Bái Đính cổ, nhiều du khách sau khi sờ, đặt tiền cầu may lên tượng phật thì tiện tay “bẻ thử” những ngón tay Phật để về làm kỷ niệm. Không chỉ những pho tượng La Hán đặt tại lối lên chùa cổ bị xâm hại, mà hàng trăm pho tượng La Hán khác đặt ở hai bên lối lên chùa Bái Đính mới cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số pho tượng bị gãy ngón tay, bị nhét tiền lẻ trông rất nhếch nhác.

Thời gian qua, nhiều ngôi chùa còn nằm trong “tầm ngắm” của kẻ xấu để trộm cổ vật. Như chùa Bổ Đà (Bắc Giang), di tích quốc gia đặc biệt, nhiều năm liền bị trộm cổ vật giá trị: năm 2009, bị mất trộm 6 pho tượng phật; đầu năm 2016, bị kẻ gian đột nhập trộm mất 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình; năm 2017 lại mất pho tượng Quan Âm tống tử. Trong khi đó, chùa Vẽ (thành phố Bắc Giang), từng bị kẻ gian đột nhập lấy cắp 4 pho tượng quý có niên đại hàng trăm năm mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, chùa Hiển Lễ (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chỉ trong thời gian ngắn bị kẻ gian liên tiếp đột nhập lấy trộm 15 pho tượng khiến nhân dân địa phương lo lắng, bức xúc. Đặc biệt, dư luận và các nhà nghiên cứu từng rất bức xúc trước việc tượng Quan Thế Âm ở chùa Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) bị mất cắp, sau đó kẻ gian vứt tượng ở vệ đường, tuy nhiên tượng bị bẻ hết tay chân. Đây là pho tượng Phật cổ quý hiếm, một kiệt tác hiếm có ở Việt Nam, bởi mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, được đánh giá có thể đưa vào danh sách bảo vật quốc gia.

Cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm để răn đe

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu Việt Nam hiện nay, đối với những tên “đạo chích”, cổ vật trong chùa là món mồi ngon béo bở dễ dàng lấy cắp. Bởi phần lớn các thủ từ, thủ nhang- những người thường được giao trông coi di tích đều cao tuổi. Đến khi cổ vật bị mất cắp, trách nhiệm không biết quy cho ai. Bởi vậy, các địa phương, ngành chức năng cần chú trọng hơn trong công tác quản lý bảo vệ di sản văn hóa, di tích để tránh tình trạng “chảy máu cổ vật”. Trong khi đó, vấn nạn phá hoại tượng Phật như bẻ tay, chân... là do ý thức kém cỏi của một bộ phận người dân, là hành vi đáng lên án bởi làm xấu xí, làm mất đi vẻ trang nghiêm trong không gian thờ tự.

Thực tế trên đã, đang báo động vấn nạn xâm hại di tích, trộm cắp cổ vật nơi thờ tự tại Việt Nam có không ít chiêu thức khác nhau nhưng tựu trung đều gây hại cho di tích. Bởi vậy, các chuyên gia văn hóa đều cho rằng, không nên “khoán trắng” nhiệm vụ trông coi di tích, bảo vệ cổ vật cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang... như thời gian qua, mà cần có sự phối hợp giữa ngành văn hóa, chính quyền và nhân dân địa phương. Đồng thời, Ban quản lý các khu di tích, đền, chùa cần tiếp tục tuyên truyền, cắt cử nhân viên túc trực để nhắc nhở người dân không xoa tiền, gài tiền lẻ lên tượng Phật nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm. Đặc biệt, phải điều tra rõ thủ phạm, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đã phá hoại, xâm hại tượng phật và trộm cắp cổ vật tại các di tích để răn đe kẻ khác.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét