18 tháng 4, 2019

Gạo nhựa - Chuyện thời cuộc

Gần đây, trên mạng xã hội cũng như được một số cơ quan báo chí dẫn lại, xuất hiện clip có nội dung liên quan đến loại gạo giả, được cho là làm từ nhựa mà một gia đình ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) mua phải. Trước sự việc này, cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã khẳng định, nội dung phản ánh trên là không có căn cứ.
          Câu chuyện lan truyền về gạo được làm giả từ nhựa, cao su hay bột giấy không có gì là mới, nhất là những năm gần đây khi công nghệ thông tin phát triển. Tuy nhiên nhìn lại các vụ việc liên quan, thì cho đến nay có thể nói hầu hết tất cả những thông tin tương tự đều là giả, nhưng ít nhiều đã tạo ra tâm lý không tốt cho cộng đồng. Một số vụ đã bị cơ quan chức năng xử lý, đơn cử như trường hợp V.T.H ở Cái Nước (Cà Mau) hồi đầu năm 2018 đã bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng, khi đưa clip “gạo giả” lên trang cá nhân Facebook.


          Có quan điểm cho rằng, việc một số người tạo dựng thông tin giả đưa lên mạng xã hội chỉ để đùa vui hoặc “câu view”, mà không ý thức được hậu quả của vấn đề. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng, những hành vi tương tự mang tính chất chủ ý, vì nhiều clip, hình ảnh hay tin tức được dàn dựng rất công phu, với kỹ nghệ đỉnh cao, khiến người xem tin đó là sự thật. Điều đáng nói là, thứ được cho là công nghệ gây hại đó đều được gắn với quốc gia láng giềng, vốn có quan hệ khá nhạy cảm đối với Việt Nam.

Thực tế, chỉ cần bình tĩnh suy ngẫm, sẽ thấy nếu tạo ra gạo giả nếu để cạnh tranh với hạt gạo thật như những loại hàng hóa thông thường khác, thì chẳng ai dại gì mà làm. Bởi lẽ, cũng chỉ cần gõ bàn phím mất vài giây, sẽ thấy giá hạt nhựa rẻ nhất trên thị trường hiện nay cũng khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi giá gạo bình quân chỉ có 15.000 đồng/kg, các loại nguyên liệu được cho là có thể làm giả thành gạo khác như cao su hay nhựa, đều có giá cao hơn nhiều so với gạo. Mặt khác, gạo dù được bày bán tự do, nhưng không phải mặt hàng trôi nổi, việc ai đó mua phải gạo giả sẽ không quá khó để truy xuất nguồn gốc.

          Cho thấy việc tung ra những thông tin tương tự nêu trên rất có thể mang động cơ xấu, thậm chí là động cơ chính trị nhằm gây hoang mang dư luận, phá hoại nền kinh tế, kích động lòng hận thù dân tộc và chia rẽ quan hệ quốc tế. Tiếc rằng, chuyện không mới nhưng việc làm rõ tận gốc lại chưa được đến nơi đến chốn. Thiêt nghĩ, đây không còn là “chuyện nhỏ”, mà cần một sự vào cuộc quyết liệt hơn từ những người có trách nhiệm, không chỉ nhằm trấn an dư luận, mà còn góp phần đập tan những âm mưu thâm độc của các thế lực thừ địch (nếu đó là sự thật), trả lại môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng.

                                                                                          Hoàng Minh (ANHP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét