Thời gian gần đây, ở một số địa phương, liên tục xảy ra những vụ bạo lực học đường, giữa chính bạn học cùng lớp, sau đó quay video đăng tải trên các trang mạng xã hội, làm tổn hại tới sức khỏe, danh dự người khác. Những vụ việc này cho thấy một số học sinh chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật cũng như hành vi của bản thân.
Cán bộ Vùng 1 Cảnh sát biển phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh Trường THCS Đoàn Xá.
Có thể bị phạt tù vì tấn công bạn bè
Cuối tháng 3 vừa qua, mạng xã hội xôn xao vụ việc một học sinh nữ lớp 9 Trường THCS Phù Ủng, ở tỉnh Hưng Yên bị 5 bạn cùng lớp đánh hội đồng, lột quần áo, quay video đăng tải lên mạng internet. Nạn nhân phải nhập viện điều trị các dấu hiệu bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần. Một tuần sau đó, dư luận lại bức xúc khi trên mạng xã hội xuất hiện video nhóm 3 học sinh ở Trường THCS Diễn Hùng (tỉnh Nghệ An) bắt một nữ sinh cùng lớp quỳ xuống rồi lần lượt tát vào mặt.
Tại Hải Phòng từng xảy ra một số vụ việc học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, như việc một học sinh lớp 12 Trường THPT Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) bị nữ sinh lớp khác đánh đến ngất xỉu hồi tháng 9-2017. Trước đó, Công an huyện An Dương từng tiếp nhận xử lý vụ việc nhóm 9 học sinh của một số trường THPT, THCS trên địa bàn đánh nhau, quay video đăng tải trên mạng xã hội.
Đáng lưu ý, trong những vụ việc gần đây không chỉ là các học sinh cá biệt, mà có sự tham gia của cả học sinh được nhà trường đánh giá là ngoan ngoãn, thậm chí đang được bồi dưỡng tham gia học sinh giỏi cấp tỉnh.
Luật sư Vũ Đình Dực, Trưởng văn phòng luật sư Bạch Đằng cho rằng: Các vụ việc bạo lực học đường thường diễn ra với một nhóm học sinh rủ rê đánh một học sinh khác, sau đó xúc phạm danh dự của bạn khi đăng tải các đoạn video lên mạng xã hội. Thực tế này cho thấy các em nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật. Hành vi của các học sinh trong 2 vụ việc gần đây tại Hưng Yên và Nghệ An có thể bị xử lý về hai tội gồm cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Trong khi, nhiều học sinh và gia đình lại cho rằng, các em dưới 18 tuổi, chưa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong học sinh
Thực tế, nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo lực học đường xuất phát từ những lý do rất nhỏ như bạn không chép bài hộ, không cho mượn đồ dùng cá nhân hoặc xuất phát từ những mối quan hệ tình cảm không phù hợp với lứa tuổi. Hiệu trưởng Trường THCS Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) Bùi Khánh Hòa cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để khắc phục lỗ hổng kiến thức pháp luật của học sinh, sinh viên. Hiện nay, công tác tuyên truyền pháp luật tại nhà trường thường chủ yếu tập trung vào Luật Giao thông đường bộ; Luật phòng, chống ma túy. Do đó, các trường cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Công an mở rộng nội dung tuyên truyền pháp luật cho học sinh, trong đó có Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc tuyên truyền tập trung vào phân tích hậu quả phải chịu trước pháp luật của những hành vi dễ xảy ra như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác ...
Trưởng văn phòng thừa phát lại An Biên, Đỗ Trung Chính cho rằng: Ngay cả khi nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ, học sinh cần được giáo dục phân biệt đúng, sai trong hành vi. Do đó, những người làm công tác quản lý giáo dục cần nghiên cứu lại hiện tượng học sinh bạo hành lẫn nhau, trong đó tập trung phân tích nguyên nhân, từ đó có điều chỉnh nội dung một số bộ môn như đạo đức, giáo dục công dân cho phù hợp với thực tế. Trong đó, cần lưu tâm xây dựng các tình huống hướng dẫn học sinh giải quyết mâu thuẫn với bạn cùng lớp, kịp thời báo cáo thầy, cô giáo, ban giám hiệu khi xảy ra sự việc. Mỗi gia đình dành nhiều thời gian hơn giáo dục, uốn nắn hành vi của con em mình.
Ngoài ra, trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường trong thời gian gần đây, biện pháp xử lý của ngành giáo dục thường là buộc học sinh vi phạm nghỉ học có thời hạn. Biện pháp này là cần thiết, song chưa đủ tính răn đe, nhất là đối với những học sinh phạm lỗi nhiều lần với tính chất nghiêm trọng. Do đó, cơ quan điều tra nên xem xét khởi tố một số vụ án điểm, làm rõ trách nhiệm của từng học sinh có liên quan, cũng như trách nhiệm của nhà trường. Biện pháp này giúp nâng cao trách nhiệm của nhà trường, thầy, cô giáo trong việc đấu tranh phòng, chống nạn bạo lực học đường, tránh hiện tượng một số trường cố tình che giấu vụ việc vì lo ngại ảnh hưởng tới thi đua của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa bằng việc áp dụng khoa học công nghệ, lắp đặt camera giám sát tại các phòng học để theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi bạo lực học đường, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc nêu trên./.
Theo quy định tại điều 12, Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 1, điều 134 Bộ luật Hình sự quy định: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng phạm tội từ 2 lần trở lên. Còn theo quy định tại khoản 1, điều 155 Bộ luật Hình sự nêu: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Minh An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét