Giới hạn chịu đựng trước cám dỗ cũng là một thách thức mà các em sẽ phải chiến thắng nó, bằng cách sống và làm việc thực sự chuyên nghiệp.
Chưa có một đội bóng nào trong lịch sử bóng đá Việt Nam trở về từ một giải đấu với hiệu ứng như U23 vừa rồi. Những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường, Văn Thanh... đã thực sự trở thành niềm cảm hứng của cả dân tộc, niềm cảm hứng được thắp lên qua từng trận đấu và kết lại bằng hình ảnh đỉnh điểm của Duy Mạnh, với lá quốc kỳ cắm trên tuyết trắng Thường Châu.
Ở Thường Châu, sự quả cảm của những người trẻ ấy đã đánh thức rất nhiều trái tim, tâm hồn vốn dĩ đang lãnh đạm dần bởi sự khắc nghiệt và trớ trêu của đời sống. Có lẽ, chính các cầu thủ cũng không ngờ rằng hiệu ứng mà họ mang lại lớn lao đến như thế.
Và tất nhiên, ở những ngày đầu tiên đặt chân sang Trung Quốc, họ cũng chẳng ngờ rằng khi trở về họ đã trở thành những ‘”siêu sao” trong mắt cộng đồng.
Kể từ sau thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức..., có lẽ đây là lần đầu tiên có một tập thể ở cấp độ Đội tuyển của bóng đá Việt Nam được cả nước nhớ tên, thậm chí được thần tượng đến mức say mê. Và trước hào quang rực rỡ ấy, bắt đầu có những lo ngại cho tương lai của họ, khi thành công đến quá nhanh sẽ dễ kéo theo những cám dỗ quá lớn.
Nước lên thì thuyền lên, áp lực và sự nổi danh cũng như thuyền với nước. Càng nổi danh nhiều, áp lực càng lớn. Và một trong những áp lực chính là làm sao chống lại cám dỗ, làm sao đối diện cám dỗ và chiến thắng nó. Đó là một trận đấu khác mà các tuyển thủ sẽ phải thi đấu, một trận đấu dai dẳng hơn, không chia hiệp, không luân lưu và có khi còn không có hồi kết.
Ở trận đấu thường ngày này, họ còn cần hơn nữa lòng quả cảm, thứ quả cảm mà họ thể hiện ở Thường Châu, trong một đêm tuyết mù sa và đối thủ thì quá mạnh. Và chắc họ chưa quên, đã từng có một vài ngôi sao gục ngã trong trận đấu của đời này, mà điển hình là Văn Quyến, một cầu thủ mà tài năng đủ ở tầm “cầu thủ quốc dân”.
Trong một bảng báo giá gần đây mà người viết nhận được từ một người bạn làm trong ngành quảng cáo, đơn vị đang quản lý hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng đã ra mức giá tới trăm nghìn USD cho việc khai thác hình ảnh của cầu thủ điển trai này. Mức giá ấy phải nói là ngang tầm với những ngôi sao showbiz số 1 hiện nay. Và mức giá ấy là xứng đáng.
Hơn 10 năm trước, khi trả lời người quen làm giám đốc nhãn hàng của một thương hiệu nổi tiếng, người viết cũng từng nhận định “đừng đùa với Công Vinh, tầm ảnh hưởng của cậu ấy với công chúng không thua gì Mỹ Tâm đâu”. Lúc ấy, không có một Thường Châu đại địa chấn trong bóng đá để khiến thế hệ Công Vinh bật vọt như U23 bây giờ. Vậy mà đến nay, sức hút của Vinh vẫn còn bền bỉ lắm.
Nhưng để giữ được sức hút bền bỉ ấy, Công Vinh đã luôn phải thắng trước các trận đấu cám dỗ thường ngày. Mà cám dỗ thì muôn hình vạn trạng. Một vài chai bia thôi cũng là cám dỗ; một mỹ nhân cũng là cám dỗ; những xa hoa danh vọng thảm đỏ kiểu giải trí cũng là cám dỗ. Thoát khỏi muôn trùng vây ấy, thật khó.
Các cụ xưa vẫn nói về sự ghê gớm của cái bả vinh hoa. Ở đỉnh cao của danh vọng, người ta rất dễ ảo tưởng về quyền lực vô hình và tầm ảnh hưởng của mình. Hơn nữa, ở đỉnh cao của danh vọng, người ta cũng thường được cộng đồng “cấp” cho một biên độ rộng hơn về đạo đức hành xử. Chẳng hạn, điều cấm kỵ nhỏ mà người thường không nên làm, người nổi tiếng sẽ dễ được tha thứ, nhiều khi chỉ đơn giản vì câu “có tài thì có tật”.
Nhưng tận dụng biên độ hành xử đó thế nào lại là chuyện khác. Khi đã vượt qua ngưỡng tận dụng, để thành lạm dụng, chủ thể rất dễ sa bẫy. Mà cái bẫy vinh quang thì nguy hiểm vô chừng.
Tất nhiên, sẽ có những người cho rằng “khó khăn, thách thức như cơn mưa tuyết Thường Châu còn không khiến các em sờn lòng, thì há chi những cám dỗ ngoài đời. Các em thừa lòng quả cảm để vượt qua nó”. Đúng, các em thừa lòng quả cảm nhưng cám dỗ cuộc đời không đơn thuần chỉ như một trận “tuyết chiến”, nơi mà các em đang được khích lệ vô bờ bến bởi những CĐV yêu mến mình. Trước cám dỗ, người ta cần hơn cả lòng quả cảm, người ta cần cả sự tỉnh táo và khôn ngoan.
Giữa những tôn vinh, yêu mến, si mê hôm nay là cả nghìn trùng vây vô hình đang chờ đợi. Chỉ một tích tắc lơ là, cái giá phải trả thật khó lường. Nghĩ đến đó, tự nhiên thấy các em thật khổ. Các em có vẻ cô đơn trong chính sự suy tôn mình, cô đơn chống chọi lại những cạm bẫy vẫn được đặt ra mỗi ngày.
Nhưng điều các em khiến người viết tin tưởng vào nhất chính là cái khí chất đàn ông mà các em đang sở hữu.
Thế hệ U23 này cho thấy sự trưởng thành hơn hẳn so với các thế hệ trước đó. Các em cũng hấp thụ nhiều kiến thức hơn, va chạm nhiều hơn và rõ ràng, đúc rút kinh nghiệm sống sớm sủa hơn.
Hơn nữa, các em cũng hơn hẳn các thế hệ trước khi bắt đầu có những đơn vị, cá nhân chuyên nghiệp giúp việc cho mình trong chuyện xây dựng hình ảnh. Chính họ sẽ là rào cản bước đầu để gạn lọc bới những “nhiễu sóng” thường ngày, cũng như những cám dỗ thường ngày.
Và quan trọng nhất, bên cạnh các em cũng có những “tỉnh táo viên” đủ níu giữ các em lại. Một câu chuyện đơn giản, nhưng nhiều ý nghĩa, là trái bưởi mà cô chú của Bùi Tiến Dũng tặng thủ môn này khi anh vừa hạ cánh. Ông chú muốn nhắc đến những ngày khổ cực, với trái bóng bằng qủa bưởi của thời ấu thơ, để Bùi Tiến Dũng không sa đà vào trong những hào quang và ảo tưởng.
Thể thao, suy cho cùng, là một cuộc chiến với chính mình, thách thức chính giới hạn của bản thân mình, và kiếm tìm chiến thắng trong thách thức ấy. Giới hạn chịu đựng trước cám dỗ cũng là một thách thức mà các em sẽ phải chiến thắng nó, bằng cách sống và làm việc thực sự chuyên nghiệp.
Cuộc chiến ấy, nếu U23 chiến thắng, sẽ không chỉ có lợi cho bản thân họ, bởi nó tạo ra một hình mẫu cho những thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam sau này.
(Tứ Anh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét