Dịp Tết Nguyên đán cũng là thời gian mở đầu mùa lễ hội Xuân ở Việt Nam. Người dân khắp nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc, nô nức du Xuân, trẩy hội.
Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đã sớm vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội; kiên quyết không để xảy ra những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đặc biệt, ngành văn hóa nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: không để xảy ra tình trạng thương mại hóa, những hành vi khơi dậy lòng ham muốn vật chất của con người trong lễ hội.
Đề cao tuyên truyền, vận động
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước năm 2017 cơ bản đã có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Có được điều này là do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế những hình ảnh chưa đẹp của lễ hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, thực tế cho thấy ở địa phương nào chính quyền địa phương vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt, làm đúng cách thì ở đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao, hạn chế những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ví dụ như tại Yên Bái, từ năm 2017, Yên Bái tích cực vận động, giải thích để người dân hiểu và thay đổi cách thức thực hành các lễ hội có tính phản cảm như treo trâu (ở Đông Cuông); 7 địa phương bỏ lễ hội chọi trâu trong năm 2017. Trong năm 2018, Yên Bái cam kết sẽ không còn địa phương nào tổ chức lễ hội chọi trâu.
Những hình ảnh tranh giành, xô đẩy ở các lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), cướp phết (Bản Giản, Vĩnh Phúc) hay cướp hoa tre ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), tranh giành lộc ở lễ hội chùa Hương (Hà Nội)... vẫn xảy ra, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Do đó, trong mùa lễ hội 2018, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng giải pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng này vẫn phải là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội.
Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp trong tổ chức, quản lý lễ hội cần phải làm tốt hơn để các cấp địa phương nhận thức rõ trách nhiệm chính của mình, tránh tư tưởng đùn đẩy, né trách nhiệm.
Trong công tác tuyên truyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao vai trò hỗ trợ của báo chí, truyền thông trong việc nêu cái sai, cái chưa đẹp của lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí đưa tin một cách khách quan, trung thực, kịp thời, đặc biệt là khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong thực hiện các lễ hội truyền thống.
Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc nêu rõ xuất phát từ đặc thù của hoạt động lễ hội, không nên tuyệt đối hóa công tác quản lý, thậm chí có những “hạt sạn” phải chấp nhận, tìm cách giải quyết dần. Bởi lẽ, quản lý lễ hội cũng là quản lý văn hóa, không thể đòi hỏi tuyệt đối tốt 100%. Với việc quản lý văn hóa, không nên áp dụng các biện pháp hành chính mà phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động... để đạt được sự đồng thuận của người dân.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông công bằng hơn khi tuyên truyền về lễ hội. Mô hình nào tiêu biểu thì cần được tuyên dương chứ không nên chỉ tập trung vào mặt trái.
Dù đặt vấn đề tuyên truyền lên hàng đầu song Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đồng thời thực hiện hiện nghiêm túc việc thanh kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm. Ngay từ đầu năm 2018, Thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở đã thanh tra, kiểm tra ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, Thanh tra Bộ sẽ triển khai ngay công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các lễ hội lớn... Bộ sẽ thanh, kiểm tra với tinh thần đồng hành cùng địa phương tìm giải pháp giảm nhiệt cho từng điểm nóng, điển hình như hội Lim (Bắc Ninh), chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)...
Quyết liệt chấn chỉnh cướp lộc, chọi trâu
Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác tổ chức, quản lý lễ hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thẳng thắn chỉ ra rằng các hành vi như cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Nam Định) hay chen lấn, tranh cướp phản cảm tại hội Phết Hiền Quan; chọi trâu bạo lực tại Yên Bái, Tuyên Quang… là những điển hình nổi cộm ở mùa lễ hội 2017.
Trong mùa lễ hội năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý, cam kết các giải pháp khắc phục phù hợp, không nể nang né tránh, không để tái diễn loại hình lễ hội này ở các địa phương.
Riêng về lễ hội chọi trâu, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng ở một số nơi, việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào mà được giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh. Ngay sau lễ hội chọi diễn ra cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm. Mặt khác, lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều có bán vé thu tiền, tức là vi phạm quy định tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn...
Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem xét nguyên nhân nhiều doanh nghiệp, đơn vị đua nhau xin cấp phép tổ chức chọi trâu. Việc nghiên cứu cũng là căn cứ để giải thích cho nhân dân các địa phương hiểu, đồng thuận với việc không nên tổ chức các loại hình lễ hội có yếu tố kích động bạo lực, đầy tính thương mại hóa như chọi trâu.
Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội gần như nhất cả nước. Chỉ ba tháng đầu năm, ở Hà Nội có khoảng 1.200 lễ hội, tính ra mỗi ngày ở có đến hàng chục lễ hội.
Năm 2017, Hà Nội gây xôn xao dư luận với tranh cướp lộc ở lễ hội Đền Sóc. Riêng về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định năm nay tình trạng này sẽ không tái diễn. Lễ hội đền Sóc sẽ thay đổi hình thức tán lộc. Lộc hoa tre và trầu cau sau khi làm lễ sẽ được san sẻ, tán lộc cho người đi lễ trong khu vực thờ tự một cách trật tự, văn minh.
Ông Tô Văn Động cũng nêu rõ trong lễ hội xưa, các cụ dùng từ “cướp lộc” nhưng “cướp” ở đây là người trẻ nhường người cao tuổi, thanh niên nhường phụ nữ, còn bây giờ thì là cướp thật. Thanh niên lao vào nhau giằng xé, gây gổ… nên nếu không thay đổi phương thức tán lộc thì những hạn chế này sẽ mãi "điểm nóng," gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nam Định vốn rất nổi tiếng với lễ hội khai ấn đền Trần, thu hút rất đông thu khách thập phương. Từ năm 2012, khi Nam Định tiến hành đổi mới phương án phát ấn, lễ hội này đã cơ bản không tái diễn cảnh tượng giẫm đạp, xô đẩy ngay trong đêm khai ấn. Tuy nhiên, lễ hội này vẫn còn “sạn” bởi hiện tượng ném tiền lên kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ, chen lấn, xô đẩy khi bắt đầu khai ấn...
Nguyên nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam ĐỊnh giải thích là lượng người đổ về đêm khai ấn quá đông, cơ sở hạ tầng còn chật chội nên những nổi cộm, phản cảm vẫn còn tái diễn dù địa phương đã lên phương án cụ thể nhằm hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực.
Cục Văn hóa cơ sở cũng đã có công văn đề nghị Phú Thọ tổ chức Hội Phết Hiền Quan và Hội Chọi trâu xã Phù Ninh năm 2018 an toàn, hiệu quả, phù hợp với nghi lễ truyền thống. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức ở hai lễ hội này.
Không thương mại hóa, khơi dậy ham muốn vật chất trong mùa lễ hội
Đối với Hội Phết Hiền Quan, cần tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống; triển khai thực hiện phương án phân chia theo đội đánh Phết, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, không tranh cướp Phết dẫn đến các hành vi chen lấn, xô đẩy, bạo lực cho người tham gia lễ hội và du khách.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ hội; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người dân địa phương trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của Hội Phết Hiền Quan.
Đối với hội Chọi trâu xã Phù Ninh, cần rà soát, kiểm tra nguồn gốc, quy trình tổ chức hội chọi trâu đảm bảo thực hành đúng nghi lễ truyền thống, quy mô tổ chức; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và lợi ích cá nhân.
Đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia hội; có hàng rào kiên cố ở khu vực chọi trâu và các phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong tổ chức lễ hội.
Ban tổ chức cần chú ý kiểm soát, ngăn chặn, có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng cá cược, không bán vé thu tiền vào khu vực lễ hội; không giết trâu bán thịt...
Với sự kiên quyết, chung tay của các cơ quan quản lý, sự đồng thuận của người dân, hy vọng lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 sẽ có thêm những gam màu tươi sáng.
(Theo TTXVN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét