1 tháng 2, 2018

"Năm vàng" của du lịch đất Cảng

Năm 2017 thực sự là “năm vàng” của du lịch Hải Phòng. Với “cú hích” từ những công trình, dự án lớn đã, đang và sắp triển khai, du khách biết và đến với Hải Phòng ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhờ định hướng, quy hoạch cụ thể, rõ ràng cùng thay đổi trong tư duy theo hướng tích cực của những người làm du lịch, du lịch đất Cảng có sự tăng trưởng và phát triển ấn tượng, bền vững, dần thoát khỏi nỗi ám ảnh “mùa vụ” cũng như tư tưởng “ăn xổi”…

Tháp Tường Long, điểm nhấn mới của du lịch Đồ Sơn.
Nhiều điểm nhấn ấn tượng
Năm 2017 chứng kiến du lịch đất Cảng có sự chuyển mình ấn tượng. Hải Phòng đón và phục vụ 6,7 triệu lượt khách, hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm, tăng 12,45% so với năm 2016. Thành công này có sự đóng góp quan trọng của 2 trọng điểm du lịch, nổi tiếng: Cát Bà và Đồ Sơn. Đáng mừng, cả Cát Bà và Đồ Sơn, ngoài phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch biển đang ngày càng hấp dẫn du khách nhờ đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối các điểm đến cũng như bước đầu tạo sự liên kết vùng, nhất là vào mùa thấp điểm.
Với Đồ Sơn, sau hơn 9 năm, công trình phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long chính thức được khánh thành sáng 19-11-2017. Công trình này hợp chùa Tháp được hoàn thành trước đó, tạo nên quần thể kiến trúc Phật giáo lớn nhất vùng Duyên hải Bắc bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn- Cát Bà- vịnh Hạ Long. Sự hấp dẫn của quần thể di tích này được minh chứng bằng lượng khách lên tới gần 1 vạn lượt người trong chưa đầy 1 tháng, kể từ khi khánh thành. Được biết, với tâm điểm chùa- tháp Tường Long, quận Đồ Sơn dự kiến xây dựng nhiều tour, tuyến trên cơ sở kết nối những điểm đến có “thương hiệu” trên địa bàn quận, như đền Bà Đế, chùa Hang, đền Nghè, đảo Dấu, bến tàu không số… Ngoài những tour, tuyến “cũ mà mới này”, du lịch Đồ Sơn hoàn toàn có thể tin tưởng sự cất cánh trong tương lai gần khi những dự án nghìn tỷ, như Khu du lịch- nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, Khu phức hợp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp do Tập đoàn FLC đầu tư… đi vào hoạt động.
Trong khi du lịch Đồ Sơn đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, du lịch Cát Bà đang được hưởng nhiều “quả ngọt” từ sự đổi thay. Năm 2017 đánh dấu nhiều sự kiện  đáng nhớ với du lịch “đảo ngọc”. Đầu tháng 11, Cát Bà chạm mốc kỷ lục mới: đón vị khách thứ 2 triệu trong năm và du khách quốc tế thứ 450 nghìn. Cả năm 2017, “đảo ngọc” đón hơn 2,2 triệu lượt khách, con số cao nhất từ trước đến nay. Nhờ có cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối đảo Cát Hải với đất liền, đường ra Cát Bà ngày càng thuận tiện. Thêm sự kết nối với du lịch Quảng Ninh, cơ sở hạ tầng, dịch vụ có nhiều cải thiện, Cát Bà dần thoát khỏi tính “mùa vụ”. Những tháng mùa đông, mùa thấp điểm của du lịch biển đảo, khu du lịch trọng điểm của thành phố vẫn nườm nượp bước chân du khách, nhất là khách nước ngoài.
Ngoài Cát Bà và Đồ Sơn, du lịch Hải Phòng còn nhiều điểm nhấn ấn tượng trong “năm vàng”. Qua năm thứ 6 liên tiếp được tổ chức, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ thực sự trở thành “thương hiệu” thu hút khách. Nhờ thế, bạn bè trong nước, quốc tế biết nhiều và thêm yêu sắc phượng cháy trong những ngày tháng 5 lịch sử. Năm 2017, những người nặng lòng với lễ hội ở Hải Phòng đón nhận tin vui, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Minh Thề (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy), Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu đình Hoàng Châu (huyện Cát Hải); Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê (huyện An Dương).
Liên kết, hội nhập để phát triển bền vững
Hải Phòng phát triển du lịch từ sớm, nhưng trong thời gian dài, do đầu tư manh mún, tư duy làm du lịch theo kiểu “ăn xổi”, thiếu sự liên kết, hợp tác, hội nhập, du lịch đất Cảng “giậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, nhờ đầu tư đồng bộ, chú trọng liên kết, hợp tác và hội nhập, du lịch nhiều địa phương từng có thời bị Hải Phòng bỏ lại với khoảng cách khá xa, như Quảng Ninh, Ninh Bình… vượt hẳn lên. Để vực dậy ngành du lịch thành phố, tại kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khoá 15 thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, bền vững; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế; mang đậm bản sắc về vùng đất, con người Hải Phòng… Để thực hiện mục tiêu đề ra, nghị quyết đưa ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Vũ Huy Thưởng, thời gian qua, du lịch Hải Phòng chú trọng khai thác và phát triển các thị trường mục tiêu để đưa khách du lịch nội địa (Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các tỉnh, thành phố có đường bay thẳng đến Hải Phòng…) và du khách quốc tế (các nước Đông Bắc Á, Nga, Pháp, Anh…) đến thành phố Cảng nhiều hơn nữa. Thông qua việc mở rộng và chú trọng liên kết vùng, nhất đối với một số trọng điểm du lịch quốc gia trong khu vực như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình…, hình thành nhiều tour tuyến liên vùng khai thác triệt để thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương thu hút đông du khách, như: Ninh Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh, Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh… Ngoài ra, Sở Du lịch, Hội Lữ hành thành phố… còn tổ chức nhiều đoàn khảo sát để tăng cường kết nối các chương trình đưa khách về tham quan, du lịch Hải Phòng, quảng bá hình ảnh điểm đến cũng như đưa khách Hải Phòng tham quan các tỉnh, thành phố bạn và nước ngoài. Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Hoàng Tuấn Anh chia sẻ, việc liên kết, hợp tác bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Lượng khách trong nước và quốc tế đến Hải Phòng nhiều hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố chủ động đưa khách theo nhiều tour, tuyến mới tới tham quan các tỉnh, thành phố trong nước, như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai… và nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…).
Dù có những bước chuyển mình ấn tượng, nhưng để phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Hải Phòng cần khắc phục được những hạn chế nhiều năm qua: sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng du lịch chậm phát triển, ít đổi mới, chưa tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng. Trên cơ sở nghị quyết HĐND thành phố khoá 15, ngành du lịch cần đề ra chương trình hành động, tham mưu thành phố cụ thể, chi tiết hơn nữa, có lộ trình và chỉ tiêu rõ ràng phát triển du lịch trong từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, quy trách nhiệm cụ thể từng đơn vị, cơ quan, cá nhân nếu không hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi, phù hợp để thu hút, đẩy mạnh tiến độ các dự án du lịch, kiên quyết thu hồi dự án “đắp chiếu” trong thời gian dài. Có như vậy, Hải Phòng mới có thể tìm lại vị thế trong quá khứ, trở thành một trong những trọng điểm, thương hiệu du lịch lớn của cả nước cũng như quốc tế.
(Thái Phan)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét