27 tháng 11, 2017

Thăm khu di tích Bạch Đằng Giang

Chúng tôi về thăm khu di tích Bạch Đằng Giang, trên đất Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Tựa lưng vào dãy núi Tràng Kênh, nằm sát bên sông Bạch Đằng, khu di tích là một quần thể các đền đài, khu trưng bày và tượng các vị anh hùng dân tộc được xây dựng khang trang, bề thế với đóng góp của nhân dân để tôn vinh những chiến công hiển hách của cha ông tại địa danh lịch sử này.

Tượng vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo dựng bên sông Bạch Đằng.
Hiếm có địa điểm nào trên đất nước ta lại có sự trùng hợp đặc biệt như vậy. Trên khúc sông chảy qua địa phận Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh) để đổ ra cửa Nam Triệu, ba triều đại đã ba lần lập nên những chiến thắng lẫy lừng trong những trận thuỷ chiến chống quân xâm lược phương Bắc.

Năm 938, Hoàng Thao dẫn 2 vạn thủy quân Nam Hán theo đường biển tiến vào nước ta. Người anh hùng dân tộc Ngô Quyền chỉ huy tướng lĩnh, binh sĩ dùng cọc gỗ nhọn, đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Thuỷ triều dâng, bãi cọc chìm trong nước, quân ta nhử địch vào sâu, đợi lúc thủy triều rút thì tấn công. Thuyền giặc lớn, mắc vào bãi cọc. Quân ta dùng thuyền nhỏ, luồn lách đánh địch tan. Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua, kết thúc gần một ngàn năm đô hộ của người phương Bắc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của đất nước.

Quảng trường Chiến thắng.
Năm 981, quân Tống xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy thua trận ở Lục Đầu Giang, tháo chạy về hướng Bạch Đằng. Lê Hoàn lệnh cho quân sĩ đóng cọc ở cửa sông, mai phục sẵn. Thấy quân Tống, quân ta giả thua bỏ chạy ra cửa biển. Vào lúc thuỷ triều xuống, thuyền của địch đâm vào bãi cọc. Quân ta thừa cơ phản công tiêu diệt địch, trong đó cả tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai gắn với tên tuổi vua Lê Đại Hành.

Năm 1288, chiến thắng Bạch Đằng làn thứ ba diễn ra khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng tướng lĩnh nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy cuộc chiến. Cũng bằng mưu kế đóng cọc nhọn trên sông, mai phục và nhử địch vào bãi cọc rồi phản công khi nước triều xuống, quân ta tiêu diệt đạo quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy. Đây là trận quyết chiến lớn nhất của nhà Trần chống giặc Nguyên Mông lần ba.

Nơi trưng bày hiện vật về các chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử.
Tại nhà trưng bày ở khu di tích, khách tham quan có dịp được xem những tư liệu, hiện vật và hình ảnh về các chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử. Một không gian được bố cục cô đọng, hợp lý để cung cấp những thông tin cơ bản khi bắt đầu thăm khu di tích.

Tiếp theo đó, lần lượt là các đền thờ hoàng đế Lê Đại Hành, khu Trúc Lâm thiền tự thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh kề bên đền thờ Đức vương Ngô Quyền, gần bờ sông Bạch Đằng. Các đền thờ đều được xây cất trang trọng, đường nét kiến trúc hài hoà, nằm giữa các khu cây xanh, tạo nên một không gian tưởng niệm thành kính mà vẫn gần gũi, thân thuộc.

Ngay bên bờ sông, trên một quảng trường rộng, ba bức tượng lớn, uy nghi của các anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo sừng sững, hướng về phía mặt nước, nơi có một bãi cọc được phục dựng, giúp du khách hình dung lại về các chiến thắng lịch sử đã diễn ra nơi đây.

Điều rất đáng ghi nhận ở khu di tích là: Cùng với không gian tưởng niệm được xây dựng công phu, ấn tượng là các dịch vụ hướng dẫn, tổ chức và phục vụ du khách quy củ, nề nếp, góp phần tạo nên bầu không khí thành kính, tâm linh hướng về cội nguồn.

Đến thăm khu di tích Bạch Đằng Giang, thêm một lần tưởng nhớ và tự hào về những thời khắc chói lọi của lịch sử dân tộc, như Trương Hán Siêu đã viết trong bài phú Bạch Đằng Giang bất hủ: 

Sông Đằng một dải dài ghê 
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!

Và :
Giặc tan muôn thuở thanh bình, 
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao

(Trần Mai Hưởng - TTXVN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét