16 tháng 11, 2017

Thăm các di tích lịch sử kháng chiến ở Thủy Nguyên

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố, với vị trí quan trọng giữa khu vực sông Cấm và sông Bạch Đằng lịch sử, huyện Thủy Nguyên là vùng đất ghi dấu nhiều chiến công hiển hách. Nơi đây còn là căn cứ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 10, nhân ngày truyền thống "Thủy Nguyên quật khởi" (25-10), du khách có thể ghé thăm một số đình, chùa, điểm thờ cúng tâm linh, vừa là di tích lịch sử kháng chiến để thêm hiểu, thêm tự hào về con người và mảnh đất Thủy Nguyên quật khởi.

Nằm ở phía Tây Nam của huyện, tại xã Kiền Bái, ngoài đình Kiền Bái, ngôi đình cổ nhất thành phố, thì đền Mẫu- Bến Kiền là một trong những công trình thờ tự gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Thủy Nguyên. Đền Mẫu Bến Kiền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” theo quan niệm dân gian trong đạo thờ Mẫu của người Việt. Đến nay, đền vẫn lưu giữ nhiều hiện vật bằng gỗ có giá trị như bức đại tự “Đức Thánh linh từ” niên đại năm 1934; chiếc bát nhang gỗ niên đại cuối thế kỷ 19; hai chiếc sập thờ tại hậu cung niên đại đầu thế kỷ 20… Di tích đền Mẫu Bến Kiền còn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phương Thảo, tức Nguyễn Bình - vị trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam; nguyên Tư lệnh Chiến khu Đông Triều; Tư lệnh Nam bộ; Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Ủy viên quân sự Nam bộ. Đây được coi là vùng căn cứ địa cách mạng có vai trò lãnh đạo phong trào tại khu vực Đông Bắc Bắc bộ do đồng chí Nguyễn Bình lãnh đạo. Với giá trị văn hóa, lịch sử đó, đền Mẫu Bến Kiền được công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.

Đài tưởng niệm tại hồ Lâm Động, di tích lịch sử tại xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên).
Ảnh: Duy Lân

Giáp xã Kiền Bái, đi xuôi theo tỉnh lộ 352, du khách tới xã Mỹ Đồng với nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng. Cách trụ sở UBND xã không xa, chùa Phương Mỹ, tên chữ là Ngọc Hoa tự, thuộc làng Phương Mỹ. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Hoàng Thiếu Minh (tức Hoàng Ngọc Lương), nguyên Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng liên huyện Thủy Nguyên - Kinh Môn, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Thủy Nguyên, đóng vai nhà sư về gây dựng cơ sở cách mạng tại chùa Phương Mỹ. Chùa là địa điểm liên lạc, hội họp, cất giữ những tài liệu quan trọng của lực lượng Việt Minh. Đặc biệt, tại chùa Phương Mỹ thành lập Trung đội “Tăng già cứu quốc”, trung đội trưởng là đồng chí Lương Ngọc Trụ - một nhà sư yêu nước được giác ngộ trở thành chiến sĩ cách mạng. Trung đội “Tăng già cứu quốc” là lực lượng vũ trang đặc biệt, chủ động phối hợp các lực lượng tự vệ toàn huyện tích cực tham gia các hoạt động diệt trừ ác ôn, phản động, bảo vệ cán bộ cách mạng; vận động nhân dân chống việc thu gom thóc gạo của phát xít Nhật. Tại chùa Ngọc Hoa, phái viên của Thị trưởng Hải Phòng từng đến liên hệ gặp Tư lệnh Chiến khu Đông Triều Nguyễn Bình để bàn việc đón lực lượng cách mạng vào giành chính quyền tại Hải Phòng trong Cách mạng Tháng Tám. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi chùa cổ Phương Mỹ bị thiêu trụi hoàn toàn. Nay, chùa được phục dựng, tôn tạo với không gian kiến trúc rộng rãi. Tại chùa còn lưu giữ được chiếc “Ngọc Hoa tự chung” bằng đồng nặng chừng 100kg, được đúc vào năm 1829 (thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn).
 
Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 352, về xã Lại Xuân, du khách ghé thăm đình Pháp Cổ. Theo sử sách ghi chép, đình được xây dựng vào thế kỷ 19, năm Gia Long thứ 7 (năm 1808). Tòa kiến trúc chính hướng về phía Nam, bố cục theo lối chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, toàn bộ kiến trúc được làm bằng gỗ lim, lợp ngói lá mít. Đình Pháp Cổ là địa danh lịch sử gắn liền với phong trào cách mạng nơi đây. Giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám- 1945, có thời điểm, đình Pháp Cổ được Ủy ban Cách mạng dân tộc giải phóng huyện Thủy Nguyên - Kinh Môn chọn làm trụ sở tiếp dân, thu nhận lại con dấu, sổ sách của chánh tổng, lý trưởng nộp cho chính quyền cách mạng. Đình Pháp Cổ cũng là nơi huấn luyện dân quân tự vệ huyện, xã, nơi hội họp của các đoàn thể cách mạng và tổ chức các lớp bình dân học vụ. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Pháp Cổ trở thành cơ sở cách mạng vững chắc, làm nơi chứa lương thực do nhân dân ủng hộ Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện, dân quân tự vệ địa phương. Chính vì vậy, thực dân Pháp từng đưa quân đến đốt, phá đình. Đến nay, đình Pháp Cổ được phục dựng theo kiến trúc cũ kiểu chữ "Đinh" trên khuôn viên rộng gần 4.000 m2, hướng về phía Nam. Mái đình vững chắc, trên đỉnh là các họa tiết trang trí "Lưỡng long chầu nguyệt”, tại bốn góc mái tạo hình đầu rồng uốn cong làm cho kiến trúc đình thêm vẻ cổ kính, uyển chuyển và mềm mại.
 
Ngoài các di tích trên, Thủy Nguyên còn nhiều đình, chùa, công trình thờ tự khác không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là cơ sở cách mạng trung kiên của Đảng, di tích lịch sử, như: chùa Phi Liệt, chùa Hoàng Pha, chùa Doãn Lại…, mang tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
(Hoàng Minh - Báo Hải Phòng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét