1 tháng 4, 2018

Sinh viên "cú đêm": Nên ngủ sớm hơn hay học muộn hơn?

Các chuyên gia khuyên rằng, thay vì cố gắng ngủ sớm, các sinh viên thức khuya nên lựa chọn các lớp học muộn hơn.

Như một quy luật, nhiều sinh viên đại học thường truyền tai nhau rằng bạn sẽ chỉ đạt được 2 trong 3 nhu cầu thiết yếu của một sinh viên: ngủ đủ giấc, đời sống xã hội phong phú và điểm đủ tốt.

Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến điểm số của bạn, đặc biệt nếu bạn là một “cú đêm" hay phải dậy sớm.


Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng những sinh viên thường đi ngủ muộn và dậy sớm đến lớp thường bị ảnh hưởng về mặt nhận thức giáo dục khi họ không điều chỉnh được nhịp điệu sinh học của họ. Bản thân họ sẽ trải qua quá trình tương tự như tình trạng “jet-lag” – sự mệt mỏi sau một chuyến bay qua những nơi chênh lệch múi giờ. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài học và dẫn đến điểm kém.

Trong nghiên cứu đăng trên Scientific Reports, các nhà nghiên cứu đánh giá hoạt động của 14.894 sinh viên theo học tại trường đại học Northeastern Illinois khi họ đăng nhập vào hệ thống quản lý học tập trong vòng 4 học kỳ, từ mùa thu năm 2014 đến mùa xuân năm 2016.

Các nhà nghiên cứu đã ghi lại được liệu học sinh có thể được phân loại theo đặc tính của các loài chim: chim sơn ca (lark) – sinh hoạt ban ngày, chim sẻ (finches) hay cú (owls) – hoạt động về đêm, bằng cách chú ý lịch học sinh viên tự chọn và theo dõi mức độ hoạt động của họ vào những ngày nghỉ.

Aaron Schirmer, Phó Giáo sư Sinh học thuộc Đại học Northeastern Illinois, và Benjamin Smarr, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California, phát hiện ra rằng có đến 50% số học sinh đã chọn tham dự các lớp học đã diễn ra trước khi họ tỉnh táo.

10% học sinh đã đạt được mức độ tỉnh táo cao nhất trước khi tham dự lớp.

40% còn lại được chọn để tham dự các lớp học đồng bộ với nhịp sinh học của họ. 40% này có kết quả học tập tốt hơn so với hai nhóm còn lại.

"Chúng tôi thấy rằng đa số sinh viên đã bị “jet-lag” bởi thời gian học của họ, có liên quan rất mạnh mẽ với việc giảm hiệu suất học tập. Nhịp sinh học của mỗi người là khác nhau, vì vậy không có một giờ học áp dụng hoàn hảo cho tất cả mọi người", Schirmer giải thích.

Schirmer và Smarr tin rằng thay vì khuyến khích những sinh viên cú đêm đi ngủ sớm hơn, họ nên cố gắng sắp xếp lịch học phù hợp với nhịp sinh học của mình để gặt hái những lợi ích trong học tập.

"Thay vì khuyên các sinh viên đi ngủ sớm, gây xung đột với nhịp sinh học của họ, chúng ta nên cá nhân hóa giáo dục để các lớp học có cơ cấu phù hợp để sinh viên có khả năng học tập tốt nhất , "Smarr nói.

"Điều thực sự quan trọng là sinh viên cân nhắc về thời gian của các hoạt động đời thường để cố gắng tối ưu hóa các nỗ lực học tập của mình", Schirmer nói.

Chính vì vậy, việc cho học sinh lựa chọn lớp học và giờ học đã được áp dụng rộng rãi tại Mỹ. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc đào tạo theo hình thức tín chỉ, để “cá nhân hóa” giáo dục, giúp cho học sinh không chỉ phát triển các kỹ năng, kiến thức theo mong muốn mà còn để họ có được một sức khỏe tốt nhất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét