Mật ong Cát Bà có thể nhiều người đã nghe, đã biết. Năm nay, với cách khai thác hợp lý các loài hoa đặc trưng, Cát Bà được mùa mật ong. Tuy nhiên, câu chuyện thị trường vẫn là điều trăn trở.
Thu hoạch mật ong tại một hộ gia đình (Ảnh: Hoàng Tản) |
Nghề nuôi ong tạo thu nhập cao cho người nông dân
Ông Nguyễn Hoaì Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Hải (Hải Phòng) cho biết: Ngay từ giữa thập niên 90, người dân Cát Bà đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi với số lượng từ 4 đến 5 đàn trên 1 hộ, nhưng sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề nuôi ong nên số hộ dân nuôi ong phát triển ngày càng nhiều.
Đến nay, trên địa bàn huyện Cát Hải có tới 2.300 đàn ong, chủ yếu được nuôi ở các xã, thị trấn trên đảo Cát Bà. Hộ nuôi ít cũng từ 3 đến 5 đàn, hộ nuôi nhiều tới 50 đàn. Trung bình mỗi năm sản lượng mật ong toàn huyện đạt khoảng trên dưới 10 nghìn lít. Đặc biệt, mật ong Cát Bà được các hộ nuôi hoàn toàn tự nhiên. Chính vì thế, giá thành mật ong Cát Bà luôn cao hơn các nơi khác, và mật ong Cát Bà đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng của huyện đảo cùng với nước mắm Cát Hải. Nhiều năm nay nghề này đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Đặc biệt năm nay thời tiết thuận lợi nên các loài hoa rừng, kể cả hoa vải, hoa nhãn rất nhiều, vì vậy nghề nuôi ong đã cho một mùa bội thu.
Khẳng định điều này, anh Vũ Anh Tạo, xã Hiền Hào, huyện Cát Hải, chia sẻ: “Năm nay là năm thắng lợi nhất của nghề nuôi ong trong vòng 10 năm trở lại đây”. Gia đình anh làm nghề nuôi ong gần 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ hoa rừng lại “được mùa” như năm nay. Với 40 đàn ong, anh chọn những địa điểm gần rừng núi và vườn vải, nhãn để đặt thùng nuôi, và cứ 5 đến 10 ngày lại quay mật một lần. Sản lượng mật của gia đình thu được vụ này ước đạt 6 đến 7 lít/ 1 đàn ong. Với lượng hoa rừng nhiều nên nuôi ong ở đây không bao giờ phải cho ăn đường như một số người băn khoăn. Chỉ có duy nhất có 2 thời điểm phải cho ăn đường để giữ ong là vào những tháng mùa đông khi thời tiết lạnh, người nuôi phải dưỡng ong để giữ đàn. Nhưng thời điểm này ong thường không làm mật.
Cũng như gia đình anh Tạo, năm nay ông Trần Văn Đức ở xã Trân Châu, huyện Cát Hải nuôi 10 đàn ong. Ông mua ong về nuôi từ đầu tháng 3, đến nay sau hơn 1 tháng ông đã quay mật được 3 đợt và thu về 50 lít mật. Ông Đức cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa nên nhiều loài cây sai hoa, vì thế nghề nuôi ong thắng lợi. Nếu khoảng 2 tuần nữa không có mưa rào thì gia đình ông sẽ được quay 2 đến 3 đợt mật nữa vì hiện vẫn còn rất nhiều loài hoa đang nở. Như vậy sản lượng mật ong của gia đình ông có thể đạt 7 lít/ 1 đàn. Với giá bán mật ong Cát Bà chính vụ là 350 nghìn/lít thì cứ 10 đàn ong sẽ cho thu nhập 25 triệu đồng/ 1 vụ. Cũng theo ông Đức, vụ chính này chỉ kéo dài từ tháng 3 cho đến đầu tháng 5 âm lịch.
Giá trị mật ong Cát Bà
Huyện Cát Hải có tiềm năng kinh tế phong phú, chỉ riêng ở đảo Cát Bà, rừng chiếm 90% diện tích, trong đó có Vườn quốc gia Cát Bà là một khu rừng nguyên sinh và là một trong những khu rừng quốc gia lớn nhất cả nước với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Thảm thực vật ở đây thuộc kiểu rừng nhiệt đới và các loại rừng núi thấp và ven thung lũng, rừng trên núi đá dốc, rừng trên đỉnh núi cao, rừng ngập nước nội địa. Sự đa dạng của các kiểu rừng đã hình thành nên sự phong phú của hệ động, thực vật. Trong số 745 loài thực vật ở đây có tới 350 loài có khả năng sử dụng làm thuốc chữa bệnh và nhiều loài nằm trong danh mục quý hiếm, cần bảo vệ như lát hoa, kim giao. Rừng ngập mặn ở Cát Bà phân bố chủ yếu tại phía Tây Bắc đảo, với bãi sú vẹt tự nhiên lớn nhất vùng đông bắc bộ. Các loài cây phổ biến nơi đây là đước xanh, vẹt dù … Ngoài ra, ở Cát Bà còn còn nhiều thung và đất ven đồi được người dân trồng các vườn lấy gỗ và cây ăn quả, nhất là cây keo, cây vải, nhãn... Các loài cây này thường phát triển tự nhiên mà không hề có tác động của thuốc đậu quả hay thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng nói nữa là trên đảo Cát Bà, môi trường không khí và tiếng ồn chưa bị ô nhiễm. Chính những điều này đã tạo nên 1 tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi ong mật. Hơn nữa, các loài hoa rừng là nguồn mật hoa quý giá đã tạo nên một thương hiệu mật ong hoa rừng Cát Bà bổ dưỡng.
Mật ong của Cát Bà có màu vàng đậm, đặc sánh, với một vị thơm ngon cho giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt mật ong Cát Bà vào vụ chiêm là tốt nhất, vì đây là thời điểm trong rừng có nhiều loài hoa quý nên chất lượng mật ong cao hơn hẳn. Mật ong trên đảo cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận thương hiệu "Mật ong Cát Bà" cho loại mật được lấy từ giống ong "nội", một trong ba loài ong quý hiếm nhất thế giới chỉ có ở vườn quốc gia Cát Bà.
Tạo điều kiện cho nghề nuôi ong
Nhận thấy rõ tác dụng của nghề nuôi ong vừa là tạo việc làm và thu nhập cho người dân, vừa là để tăng năng suất cây trồng thông qua quá trình hỗ trợ thụ phấn chéo cho hoa, đồng thời góp phần bảo vệ giống ong bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học khu Dự trỡ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, những năm qua, huyện Cát Hải đã thường xuyên quan tâm đến nghề này.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm: Hàng năm, huyện Cát Hải đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông thành phố tổ chức từ 3 đến 4 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho các hộ dân, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn giống Ong bản địa Cát Bà, duy trì được kỹ thuật nuôi và thực hiện nghiêm ngặt quy trình khai thác mật một cách khoa học, biết gắn kết chặt chẽ giữa các mô hình phát triển kinh tế với công tác quản lý bảo tồn. Ngoài ra các hộ nuôi ong cũng được tạo điều kiện vay vốn từ các nguồn thông qua các tổ chức tín dụng. Những năm trước huyện cũng đã kết hợp với 1 số tổ chức phi chính phủ triển khai dự án phát triển nghề nuôi ong trên đảo, hỗ trợ dụng cụ nuôi ong và quay mật cho nhiều hộ dân, qua đó đã tạo tiền đề cho nghề này phát triển như hôm nay
Chính vì thế trong hơn chục năm nay nghề nuôi Ong không những chỉ trở thành một trong những kế mưu sinh của nông dân các xã trên đảo Cát Bà mà thương hiệu mật ong đã trở thành thứ đặc sản quý, là niềm tự hào của người dân miền biển đảo, là sản phẩm được đông đảo khách du lịch tìm mua khi tới hòn đảo này.
Giải pháp cho đầu ra của mật ong
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam cũng còn nhiều băn khoăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông nói: 'Lượng mật ong thu được hàng năm khá lớn, các hộ nuôi chủ yếu vẫn tự tiêu thụ. Hằng năm, Cát Bà đón hàng triệu lượt khách du lịch, vì thế lượng mật ong thu được chủ yếu bán cho đối tượng khách hàng này làm quà. "Đầu ra" như thế này rõ ràng là không ổn định".
Hiện nay, giống ong nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu hộ nuôi cũng đang là một thách thức lớn đối với nghề nuôi ong. Nhiều hộ đã đi nhập giống ong từ nơi khác về, tuy không nhiều song nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu "Mật ong Cát Bà". Nhiều năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã tham mưu cho huyện nhiều phương án tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm và đây vẫn đang là vấn đề “khó gỡ’, là điều trăn trở của chính quyền và cơ quan chức năng.
Để nghề nuôi ong lấy mật phát triển bền vững ở Cát Bà, việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cần được xúc tiến đồng bộ. Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Do đó để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho mật ong và các sản phẩm từ mật ong Cát Bà, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho mật ong Cát Bà là hết sức quan trọng./.
(Hoàng Tản)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét