Sau thành công về thương mại của Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Bạn gái tôi là sếp… cơn sốt phim remake (làm lại từ kịch bản nước ngoài) tiếp tục nóng với Ông ngoại tuổi 30 và Yêu em bất chấp. Với lợi thế bù khuyết cho điểm yếu kịch bản, dòng phim remake phải chăng là con gà đẻ trứng vàng của phim Việt?
Tháng năm rực rỡ thắng lớn vì những sáng tạo đúng chỗ đã chạm tới trái tim người xem. |
Cuộc đổ bộ remake
Cơn sốt phim Việt hóa trên màn ảnh rộng có thể nói rộ lên từ sau thành công rực rỡ của Em là bà nội của anh (tựa gốc Miss Granny – Hàn Quốc). Màn ảnh rộng Việt Nam sau đó tiếp tục chứng kiến hàng loạt các phim làm lại từ kịch bản ngoại như Bạn gái tôi là sếp (ATM Er Rak Error – Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (200 pounds beauty – Hàn Quốc), Yêu đi đừng sợ (Spellbound – Hàn Quốc), và một số phim mới đây như Tháng năm rực rỡ (Sunny – Hàn Quốc), Ông ngoại tuổi 30 (Scandal Makers – Hàn Quốc), Yêu em bất chấp (My Sassy girl – Hàn Quốc, khởi chiếu ngày 6-4) hoặc sắp triển khai như 500 days of summer (Mỹ).
Chỉ sau 10 ngày trình chiếu, bộ phim Tháng năm rực rỡ làm lại từ bản phim Hàn Sunny đã thắng lớn phòng vé với doanh thu 65 tỉ đồng. Trước đó, Em là bà nội của anh lập kỷ lục là phim Việt ăn khách thứ ba trong lịch sử điện ảnh Việt Nam với 102 tỉ đồng. Phim Bạn gái tôi là sếp ra rạp dịp tết năm ngoái cũng thắng giòn giã với 16 tỉ đồng chỉ trong bốn ngày đầu trình chiếu.
Việt hóa dường như là xu hướng tất yếu, giúp giải tỏa nỗi lo về kịch bản vốn là điểm yếu của phim Việt. Tuy nhiên, không phải lúc nào kịch bản ngoại cũng đem lại thành công cho phim Việt. Những bản phim Em là bà nội của anh, Yêu đi đừng sợ, Bạn gái tôi là sếp hay Tháng năm rực rỡ được yêu thích vì những tình huống, chi tiết trong phim đã được thay đổi để mang hồn Việt. Chủ đề tuổi thanh xuân trong Miss Granny được chuyển thành tình mẫu tử, tình cảm gia đình, cùng với việc sử dụng những ca khúc của Trịnh Công Sơn quen thuộc giúp người xem đồng cảm với câu chuyện trong Em là bà nội của anh. Bạn gái tôi là sếp được đạo diễn Hàm Trần mạnh dạn chỉnh sửa phần bối cảnh, lời thoại, tình tiết sao cho gần với khán giả Việt, chẳng hạn hình ảnh những cây ATM, cột điện bị dán đầy tờ rơi quảng cáo; người thợ sửa xe ngồi nhậu ở vỉa hè, say rượu nhưng có tính cách hào sảng của người miền Tây, nam chính thay vì cải trang thành cảnh sát như bản gốc thì biến thành giang hồ trong bản Việt… Còn Tháng năm rực rỡ ghi điểm Việt hóa ở chỗ chọn bối cảnh xã hội hợp lý 1975-2000 thay vì 1980-2010 như bản gốc; “hồi sinh” ca khúc cũ nổi tiếng Việt Nam như Yêu, Kim, Vết thù trên lưng ngựa hoang thay được cho các ca khúc ngoại trong bản gốc lại vừa có tính “thay lời muốn nói” cho tâm trạng nhân vật…
Thành công của Nguyễn Quang Dũng từ Tháng năm rực rỡ đã phần nào phản bác quan niệm phim remake không còn chỗ cho sự sáng tạo. Nói về việc làm phim remake, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Có một nền kịch bản tốt thì sáng tạo cũng dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất đối với việc làm phim remake là làm sao để khán giả thấy đồng cảm. Tôi phải xem đi xem lại phim gốc để rút kinh nghiệm xem cần bỏ bớt hoặc đẩy mạnh điều gì”.
Không ít phim nếm mùi thất bại
Không phải phim remake nào cũng đạt được doanh thu trăm tỉ đồng. Được làm chỉn chu, đầu tư lớn, nhưng Sắc đẹp ngàn cân lại là một bản sao vô hồn khi người làm phim không thể mang lại hơi thở mới cho bản phim cũ. Bản sao ra đời cách bản gốc 11 năm đồng nghĩa với việc quan điểm về phẫu thuật thẩm mỹ đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, bản phim Việt vẫn để nhân vật mặc cảm với người yêu chuyện “đẹp nhân tạo”, cộng thêm việc bê nguyên xi cách xây dựng triển khai chi tiết, tình huống, thậm chí cho tới từng khung hình khiến bản Việt hóa thành phiên bản lỗi của 200 pounds beauty.
Kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, nhà sản xuất chịu đầu tư, liệu chừng đó đã đủ để một sản phẩm remake kéo khán giả ùn ùn tới rạp? Câu trả lời vẫn là chưa đủ.
Trong thất bại của Sắc đẹp ngàn cân có phần lỗi từ tên phim. 200 pounds beauty không chỉ nổi tiếng ở khu vực châu Á mà còn gây tiếng vang toàn cầu, tên phim khi chiếu ở Việt Nam cũng được dịch thành Sắc đẹp ngàn cân. Sự so sánh với bản gốc vì thế là không thể tránh khỏi, gây áp lực không nhỏ với đội ngũ remake. Trong khi đó, Sunny hay ATM Er Rak Error không được chiếu ở Việt Nam, phim Miss Granny lại không thuộc dạng “hot” như 200 pounds beauty, tên phim của phiên bản Việt cũng khác với tên phim gốc khi ra rạp nên dấu ấn bản gốc trở nên mờ nhạt, do đó thái độ tiếp nhận của khán giả cũng cởi mở, bớt khắt khe hơn.
Có lẽ đó cũng là lý do khiến phim My Sassy girl không dám giữ tên Việt là Cô nàng ngổ ngáo mà đổi thành Yêu em bất chấp như một cách khéo léo khiến người xem bớt nhớ về bản gốc.
Nhưng dù có “thay tên đổi họ” vẫn có trường hợp phim không thành công chỉ bởi vì “người tiền nhiệm” trước đó thất bại. Đó là trường hợp đáng tiếc của Yêu đi đừng sợ. Bản phim của đạo diễn quá cố Stephane Gauger được đánh giá là giàu cảm xúc, tròn trịa vẫn phải chịu sự ghẻ lạnh của công chúng do khán giả đã mất lòng tin từ phim Sắc đẹp ngàn cân trước đó. Vì vậy số phận của bộ phim Yêu em bất chấp xem ra khó định đoán. Thành công của Tháng năm rực rỡ đang tạo đà cho dòng phim remake nhưng nếu Ông ngoại tuổi ba mươi không như mong đợi sẽ lại kéo Yêu em bất chấp chịu chung số phận.
Tóm lại, để phiên bản Việt được phòng vé chấp nhận, dòng phim remake còn cần nhiều yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa” khác. Trong đó, trước hết, một bản sao thành công cần phải chạm tới cảm xúc của người xem, điều này nằm ở trình sáng tạo của người làm ra nó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét