Sức ép "ngàn cân"
Chánh văn phòng Nhà Trắng, Mark Meadows, ngày 15/7 cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đang đánh giá nguy cơ về an ninh quốc gia của các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok và WeChat.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay từ Georgia đến Washington, ông Mark Meadows cho hay nhiều quan chức chính quyền đang đánh giá nguy cơ an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng khác, đặc biệt trong vấn đề thu thập thông tin về công dân Mỹ.
Ông Mark Meadows không cho biết thời gian cụ thể, song hành động được đưa ra với TikTok có thể chỉ trong vài tuần.
Trước đó, TikTok liên tục được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa vào tầm ngắm.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 7/7 nói, nước Mỹ sẽ "giữ lập trường cứng rắn" với các thực thể Trung Quốc đe dọa an ninh, bao gồm ứng dụng TikTok. Ông Pence đưa ra tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của kênh Fox News, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ đang xem xét cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, bao gồm TikTok.
Năm ngày sau, hôm 12/7, cố vấn Thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể sẽ có hành động cứng rắn đối với các ứng dụng truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc.
Theo các nhà lập pháp Mỹ, vấn đề cốt lõi là mối lo ngại về an ninh quốc gia khi TikTok nắm trong tay dữ liệu người dùng. Phía Mỹ cho rằng dữ liệu người dùng ứng dụng của công ty ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc có thể được chia sẻ với các cơ quan an ninh Trung Quốc khi có yêu cầu.
Chính phủ Mỹ có thể sẽ sử dụng lý do TikTok đã xâm phạm bảo mật thông tin của trẻ em làm đòn bẩy để cấm nền tảng video này, 9to5mac cho biết. Trước đó, TikTok đã 2 lần bị buộc tội vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em của Mỹ. Lần đầu tiên vào tháng 12/2019, ứng dụng này cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản mà không có sự đồng ý của phụ huynh. Lần thứ 2, TikTok bị kiện vì công khai dữ liệu như ảnh tiểu sử và vị trí ngay cả khi tài khoản của trẻ em được đặt ở chế độ riêng tư. Ngoài ra, TikTok bị cáo buộc không xóa video và thông tin cá nhân của người dùng dưới 13 tuổi như họ đã cam kết từ 2019.
Hôm 29/6, Chính phủ Ấn Độ quyết định cấm 59 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc trong đó có TikTok. Một ngày sau đó, ứng dụng này bị gỡ khỏi App Store và Play Store Ấn Độ. Ấn Độ được xem là thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok với hơn 200 triệu người dùng.
Australia cũng đưa TikTok vào tầm ngắm khi bày tỏ lo ngại ứng dụng TikTok có thể gây ảnh hưởng tới an ninh của quốc gia này. Theo Herald Sun, ứng dụng này có thể được đưa ra trước Quốc hội Australia để bàn về mối lo ngại gián điệp. TikTok cũng bị cấm tại Bangladesh từ tháng 2/2019.
Ai chờ hưởng lợi?
TikTok đang đứng bên bờ vực bị cấm ở Mỹ. Nếu điều này xảy ra, nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội này của Trung Quốc sẽ tiếp tục đánh mất thêm 1 thị trường quan trọng. Trước đó là Ấn Độ, thị trường đông dân nhất thế giới, và sắp tới có thể là Mỹ, thị trường có nền kinh tế phát triển nhất.
Nhưng sự thất thế của TikTok lại là cơ hội cho các nền tảng và các ứng dụng mạng xã hội khác. Các công ty công nghệ sẽ ngay lập tức lợi dụng sự hỗn loạn để thu hút người dùng về với nền tảng của riêng mình.
Có thể thấy, trong tuần qua, các nền tảng mới như Byte, một sản phẩm của người đồng sáng lập Vine, và Dubsmash lần lượt vươn lên vị trí cao trên mảng xếp hạng các ứng dụng được tải về nhiều nhất. Theo Business Insider, Byte chứng kiến số lượt tải về tăng tới 126% trong ngày 8/7, leo lên vị trí số 1 trên App Store Mỹ, dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower cho biết. Dữ liệu được cung cấp cho Reuters cho thấy, số lượng lượt tải về tăng vọt dành cho Dubsmash, Triller và Likee.
Các "gã khổng lồ" như Snapchat và YouTube cũng cho ra những tính năng mới với nhiều điểm tương đồng với hình thức video ngắn và dòng video cuộn lên của TikTok.
Facebook và Google tất nhiên sẽ coi đây là cơ hội hiếm có. Cả 2 "ông lớn" này đều từng nỗ lực tạo ra các sản phẩm tương tự TikTok trong quá khứ. Mới đây, YouTube đang thử nghiệm một tính năng video ngắn cho nhóm người dùng nhỏ.
Cùng thời điểm, Snapchat chuyển sang cách thức xem nội dung mới bằng cách lướt dọc, cuộn lên xuống như TikTok, thay vì lướt sang ngang như trước đây. Instagram nói với Business Insider rằng, họ đang thử nghiệm một tính năng video ngắn có tên Reels ở một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, quốc gia chiếm 30% tổng số lượt tải TikTok.
Người "mở cờ trong bụng" nhất chắc chắn sẽ là CEO Facebook, Mark Zuckerberg. TikTok đang cho thấy ứng dụng này là đối thủ đáng gờm nhất của Instagram. Lệnh cấm TikTok của Ấn Độ và sắp tới có thể là Mỹ sẽ chặn đứng tham vọng trở thành ứng dụng phổ biến nhất thế giới của mạng xã hội này.
Cho đến hiện tại, mọi nỗ lực đưa Facebook thâm nhập thị trường Trung Quốc của Mark Zuckerberg vẫn không mang lại kết quả. Facebook vẫn rất khó tiếp cận người dùng tại Trung Quốc. Vì vậy, nếu TikTok đang là mạng xã hội được người dùng Mỹ đặc biệt yêu thích, chắc chắn ứng dụng mạng xã hội này sẽ khiến Mark Zuckerberg chưa thể "kê cao gối ngủ".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét