27 tháng 9, 2018

VỀ VỤ NÀ KÈN Ở YÊN BÁI

Tôi mới nghe, lại một vụ người dân tụ tập, gây rối trật tự công cộng tại thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái liên quan đến việc công ty TNHH Đá Cẩm thạch RK Việt Nam kiểm đếm các vị trí để đặt mũi khoan thăm dò đá hoa cương trắng làm cơ sở cho việc lập dự án khai thác.

Việc xô sát giữa người dân địa phương với các công nhân, kỹ sư của Công ty RK Việt Nam và các bảo vệ của công ty này đã làm 2 bảo vệ, 1 người dân bị thương và một cán bộ Tuyên giáo của huyện ủy Lục Yên bị người dân bắt giữ trái pháp luật.


Tôi cũng xem clip:


Người dân gây rối với lý do "việc khai thác đá tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân" là không thuyết phục. Vì đây mới chỉ là giai đoạn thăm dò chứ chưa khai thác, tác động đến môi trường là có nhưng không đáng kể và RK triển khai việc thăm dò là được sự cho phép của UBND tỉnh Yên Bái. Xem hình dưới:



Theo quy định của pháp luật, việc tiến hành thăm dò thì chưa cần có đánh giá tác động môi trường. Sau thăm dò, để có được Giấy phép khai thác thì bắt buộc doanh nghiệp phải có đánh giá tác động môi trường. Việc thăm dò ở Nà Kèn, Cục khoáng sản cũng đã trả lời người dân Lâm Thượng là trong giai đoạn thăm dò sự tác động đối với môi trường là có, nhưng không đáng kể.

Thưa các anh chị, tôi xem clip và thấy, vụ việc không đơn giản chỉ là người dân bảo vệ môi trường. Một nguồn tin cho hay, có doanh nghiệp nhỏ ở địa phương vì lý do lợi ích đã xúi người dân phản đối RK. Tôi không dám chắc chắn nguồn tin này đúng hay sai, nhưng các cơ quan chức năng nên nhìn lại nhận định này.

Vụ việc được trang Tây Bắc 24h đăng tải bằng clip với những bình luận thiếu thiện chí, kích động, bầy đàn làm cho người dân hiểu sai bản chất vấn đề. Đặc biệt, hầu hết các comment đều hiểu là doanh nghiệp bất chấp sự phản đối của người dân, cứ nhảy vào khai thác, làm anh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. 

Người quản trị trang Tây Bắc 24h cũng có ý cho rằng, chính quyền đứng sau doanh nghiệp RK, công an thuê côn đồ (Xăm trổ đầy mình) để đàn áp dân. Đó là những thông tin bịa đặt.

Sự thực, việc thăm dò là hoạt động kỹ thuật của doanh nghiệp RK. Bảo vệ là do RK thuê của Công ty Đông Á ở Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ máy móc, thiết bị và cán bộ của RK. Trong vụ việc này công an không tham gia, vì đơn giản đây là hoạt động nghiệp vụ của một doanh nghiệp kinh tế. Chỉ khi xảy ra xô xát ảnh hưởng đến ANTT thì công an, CSCĐ và Y tế mới xuất hiện làm nhiệm vụ của mình như anh chị thấy trong clip. 

Nói bên lề một chút, nhiều địa phương cử công an tham gia giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp là sai. Vì theo luật, công an không có chức năng nhiệm vụ đi giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp. Việc giải phóng mặt bằng là thỏa thuận dân sự giữa doanh nghiệp và người dân có liên hệ với nhau về lợi ích. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, công an có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ANTT trên địa bàn, và chỉ xuất hiện nếu vụ việc có dấu hiệu đe dọa tới ANTT, trong đó có việc đe dọa tới tính mạng của người dân. Trong vụ việc này, tôi đánh giá cao sự tỉnh táo của công an Yên Bái.

Trở lại vấn đề chính, mới thăm dò, chưa khai thác mà để tình trạng lộn xộn xảy ra như thế này là rất đáng trách và cơ hội cho doanh nghiệp gần như không còn. Có thể thấy, cho dù việc thăm dò của RK là được sự cho phép của UBND tỉnh Yên Bái và huyện Lục Yên thì công việc chuẩn bị của họ là chưa chu đáo. Trước hết, việc tuyên truyền cho người dân hiểu đúng vấn đề, từ đó tạo ra sự đồng thuận đã bị xem thường. Tiếp nữa, việc thuê công ty bảo vệ Đông Á đi cùng lên thăm dò, vô tình đã tạo ra sự phản kháng dữ dội hơn từ phía người dân, nhất là khi một vài bảo vệ Đông Á mang hình xăm trên người và có cách hành xử thiếu chuyên nghiệp do chưa đủ kiến thức kỹ năng trong xử lý tình huống. Chính điểm này đã làm cho nhiều người hiểu sai vấn đề và "đóng đinh" trong đầu rằng, chính quyền (công an) thuê xã hội đen để dằn mặt người dân. Và cuối cùng, RK đã không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc dự kiến và xử lý một số tình huống phức tạp xảy ra ngoài kế hoạch.

Một điểm nữa không thể không nhắc đến là trong vụ việc, người dân đã bắt giữ một cán bộ tuyên giáo của Huyện ủy Lục Yên. Mục đích của việc bắt giữ có lẽ là để làm con tin, mặc cả với chính quyền. Dùng chính quyền buộc doanh nghiệp dừng thăm dò, khai thác.

Cần khẳng định rằng, dù nhìn nhận việc bắt giữ cán bộ với mục đích gì thì đây cũng là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể tạo ra tiền lệ cực kỳ xấu.

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định, hướng dẫn tại Điều 157 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 đến 12 năm tùy tình tiết, hậu quả. Lối thoát duy nhất để giải quyết ổn thỏa mọi chuyện là người dân nhanh chóng trả tự do cho cán bộ tuyên giáo.

Một điểm cuối cùng cần nói là qua vụ việc Nà Kèn, tôi đã đọc một loạt bài viết, xem hàng loạt clip được đăng tải trên trang Fanpage Tây Bắc 24h và thấy, đây là trang đăng tải nhiều thông tin không chính xác, hoặc vụ việc chính xác nhưng đã bị cắt xén, bơm bít làm sai bản chất vụ việc. Đặc biệt, người quản trị trang dường như đã cố ý để lại các comment kích động người dân với chính quyền, cho phép lan tỏa những bình luận bôi nhọ chế độ, làm sai lệch thực tế. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý văn hóa, Bộ 4T cần có động thái quyết liệt với trang này để đảm bảo pháp luật và sự thật được thượng tôn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét