Cộng đồng mạng xã hội đang xôn xao về một gameshow có tên Date and Kiss (hẹn hò và hôn) và một số gameshow khác phát trên Youtube có những hình ảnh phản cảm, thô tục, không phù hợp với đạo đức xã hội, truyền thống văn hoá của Việt Nam.
Hình ảnh phản cảm trong gameshow Date and Kiss (Hẹn hò và hôn). |
Dung tục, dị hợm
“Nổi da gà khi chứng kiến cảnh thân mật quá mức của các nhân vật trong gameshow Hẹn hò và hôn” là đánh giá của không ít bạn trẻ khi được hỏi về gameshow này. Gameshow bắt đầu với 3 người chơi, gồm 1 cô gái và 2 chàng trai cùng tham gia tìm kiếm người yêu; thay vì chọn cách trò chuyện, thử thách hẹn hò để người chơi hiểu rõ đối phương của mình, 3 người chơi cảm nhận nhau qua… hôn. Trong vòng 1, hai chàng trai lần lượt đến và hôn môi cô gái để có những cảm nhận đầu tiên. Vòng hai, cô gái chờ sẵn ở một căn phòng tối và lần lượt đối diện trực tiếp với 2 "ứng viên" trò chuyện, hôn nhau để "mang đến những cảm xúc chân thật nhất" trong khi người còn lại sẽ trực tiếp xem những cảnh đó. Kết thúc, cô gái chọn một trong hai ứng viên để hẹn hò (?).
Chị Phạm Thanh Hoa, ở phố Hai Bà Trưng (quận Lê Chân) cho biết: Chẳng có người nào muốn xem bạn gái tương lai của mình hôn hít, ôm ấp người khác ngay trước mặt mình. Sự tìm kiếm sự đồng điệu về thể xác trong lần đầu gặp mặt, lại công khai trên mạng xã hội chưa phù hợp với quan điểm về tình yêu của người Việt.
Không hiếm những hình ảnh dung tục như trên xuất hiện tại một số gameshow hẹn hò đang phát sóng gần đây. Trò chơi mới du nhập vào Việt Nam- Dare Pong (phát trên Youtube) với các thử thách táo bạo như để đối thủ liếm kem trên người, hôn, nhảy sexy, đổ nước đá vào quần lót, cởi đồ của đối phương bằng răng… Ở tập 6, hai nhân vật chính Yến Hana và Kin chấp nhận thử thách “để đối phương lột đồ của bạn bằng răng, chỉ trừ đồ lót”; toàn bộ quá trình lột đồ được quay tỉ mỉ và Yến Hana phải mặc đồ lót đến cuối chương trình. Ở tập khác, người chơi để bạn chơi cởi áo, dùng bông tắm lau khắp cơ thể, kể cả chỗ nhạy cảm; rồi những yêu cầu liếm tai, hôn, ôm ấp nhau… khi người chơi chỉ mặc đồ lót tạo nên hình ảnh dung tục, nhức mắt. Anh Trần Văn Hoàng, sinh viên Trường đại học Hàng Hải Việt Nam nhận xét: “Dare Pong” “không khác gì phim cấp 3” khi người chơi thể hiện sự bạo dạn quá đà trước ống kính.
Chị Lê Phương Liên, ở phố Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) tâm sự: Trước thực trạng của các gameshow hiện nay, thường xuyên nhắc nhở các con có sự lựa chọn để xem, tuyệt đối không được xem những gameshow dị hợm, dung tục...
Kiểm soát gameshow online
Xu hướng gần đây, các nhà sản xuất gameshow theo hướng có nhiều yếu tố mới lạ - độc- dị, thậm chí gây sốc để tránh sự nhàm chán cho người xem. Tuy nhiên, những tình tiết quái, lạ, dung tục quá đà không phù hợp với văn hóa Việt Nam, gây nên những phản ứng trái chiều, vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, tối 26-8, fanpage của chương trình đưa ra thông báo về tạm ngưng phát sóng.
Tiến sĩ Đoàn Minh Tỵ, nguyên Trưởng Khoa tâm lý giáo dục, Trường đại học Hải Phòng khẳng định: Những gameshow dạng này có nhiều hình ảnh dung tục, lệch chuẩn văn hóa, có tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ. Truyền thống văn hóa Việt Nam không chấp nhận chuyện một người con trai mới đến gặp một người con gái đã lao vào ôm hôn, sờ soạng hay lột đồ của bạn chơi bằng răng… Truyền thống đạo đức của Việt Nam không thể chấp nhận những hành động và lối sống dễ dãi như vậy. Điều nguy hiểm là những gameshow dạng này được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Việc tiêm nhiễm những điều không đẹp thông qua các loại hình giải trí như gameshow tác động không nhỏ đến nhận thức và hành vi của người trẻ, nhất là người trẻ trong độ tuổi trưởng thành. Nhà nước cần thiết có những giải pháp xử lý tận gốc các gameshow và các chương trình tương tự trên mạng internet; có chế tài ràng buộc trách nhiệm, nghiên cứu sâu hơn giải pháp để có môi trường internet lành mạnh và phù hợp văn hóa.
Trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng thanh tra báo chí và thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết: Đơn vị đang phối hợp với nhiều ban, ngành tiến hành điều tra, xác minh đơn vị sản xuất gameshow Date and Kiss. Nếu người sản xuất chương trình ở Việt Nam, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ bị xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng; nếu đơn vị sản xuất ở nước ngoài, cơ quan chức năng sẽ liên hệ với các đối tác quốc tế để ngăn chặn.
Bích Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét