3 tháng 9, 2018

Giá thực phẩm - tiềm ẩn nỗi lo cho thị trường cuối năm

Tính chung cho mức bình quân từ đầu năm, có lẽ giá thực phẩm năm nay trên thị trường thành phố ít biến động nhất, kể từ 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hầu hết các loại thực phẩm truyền thống thiết yếu đều đang ổn định ở mức khá cao, so với mức bình quân của cả năm 2017

Rau xanh tăng giá mạnh và nhiều loại phải nhập từ nơi khác
Chợ truyền thống giữ mức giá cao trong thời gian dài

Nếu tính chung thị trường quý 4, thì rau xanh đang dẫn đầu về sự tăng giá. Hiện rau xanh bán lẻ tại các chợ truyền thống như sau: muống từ 8 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng/bó; dền – cải – mồng tơi 7 nghìn đồng đến 8 nghìn đồng/bó; ngải cứu 12 nghìn đồng/bó; bắp cải 20 nghìn đồng/kg; sup-lơ 22 nghìn đồng/cây…

Với mức này, giá rau hiện đang cao hơn khoảng 30% so với tháng trước và tăng bình quân gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2017. Theo chị Đào Thị D., một thương lái ở xã Thụy Hương (Kiến Thụy), thì hiện rau xanh loại có lá, cũng là loại truyền thống của Hải Phòng đang rất khan hàng, khiến thương lái không gom được để bán.

Tiếp theo phải kể đến các loại thủy sản. Nếu như tháng trước thủy sản giảm giá mạnh do đáo hạn mùa du lịch, thì khoảng 2 tuần trở lại đây giá thủy sản tăng rất mạnh. Cụ thể các loại thông thường như cá nục từ 35 nghìn đồng tăng lên 45 nghìn đồng/kg; cá thu đàn từ 40 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/kg; cá thu vẩy từ 55 nghìn đồng lên 60 nghìn đồng/kg; tôm thẻ từ 180 nghìn đồng lên 220 nghìn đồng/kg; cá trắm sống từ 60 nghìn đồng lên 70 nghìn đồng/kg…

Tuy nhiên, nhóm thủy sản vẫn có một số loại giữ giá như tôm sú, tôm bộp biển, mực các loại, ngao, cá thu phấn… Giải thích về sự tăng của thủy sản, một thương lái ở chợ Lương Văn Can cho biết, đợt lụt vừa qua ảnh hưởng lớn đến nguồn cá nuôi nước ngọt, trong khi lượng cá khai thác nước mặn cũng giảm mạnh vì hết vụ.

Thủy sản đông lạnh tăng với cường độ cao
So với rau xanh và thủy sản, các loại thịt gia súc và gia cầm có mức tăng thấp hơn. Chẳng hạn như thịt lợn, mức tăng chỉ khoảng 5% so với tháng trước, hiện thịt lợn ba chỉ - nách – sườn tạp từ 80 nghìn đồng đến 85 nghìn đồng/kg; nạc vai – sườn ngon bình quân 95 nghìn đồng/kg; nạc thăn 100 nghìn đồng/kg… giá lợn hơi tại các trại nuôi cũng đã dừng tăng và đang ở giá từ 54 nghìn đồng đến 56 nghìn đồng/kg, tùy theo từng loại.

Còn theo một tiểu thương ở chợ Ga, do thịt gà công nghiệp hồi đầu năm tiêu thụ chậm và rớt giá mạnh nên tại thời điểm này sản lượng giảm nhiều, khiến giá tăng đáng kể. Trên các quầy thịt, quan sát bằng mắt thường cũng thấy tỷ lệ gà công nghiệp lông trắng giảm tới một nửa so với thời gian trước. Hầu hết thịt gà được bày bán là gà ta nuôi công nghiệp, với mức 90 nghìn đồng/kg sống, 125 nghìn đồng/kg thịt…

Lo vì cận kề dịp cuối năm

Cuốn theo mức tăng của khu vực chợ truyền thống, khoảng 1 tháng trở lại đây nhiều loại thực phẩm trong siêu thị cũng tăng theo. Đơn cử như đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ tăng từ 42 nghìn đồng lên 47 nghìn đồng/kg; thịt trâu Ấn Độ tăng khoảng 7%; cá trứng tăng 10%; thịt ếch tăng bình quân 15%; thịt gà tươi tăng khoảng 6%...

Trở lại với thị trường truyền thống, việc tăng giá của từng nhóm hàng đều rõ nguyên nhân. Ví dụ rau xanh, một phần là diện tích gieo trồng vụ đông năm nay giảm mạnh, như báo cáo thống kê của thành phố thì tổng diện tích chỉ đạt 3.625,4 ha, bằng 85,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng diện tích rau muống chỉ khoảng 765,4 ha, giảm 16%; cây cải xanh các loại 927,6 ha, giảm 15,5%; cây ớt 245 ha, giảm gần 20%...

Không những thế, diện tích giảm nhưng cơ cấu cây trồng cũng thay đổi, một phần lớn là các loại cây mầu không phải rau đang chiếm khá nhiều diện tích trong tổng diện tích rau màu.

Mưa lớn kéo dài ảnh hưởng nặng đến các loại cây trồng
Tương tự, ở lĩnh vực chăn nuôi, ngoại trừ gia cầm nói chung giữ được sản lượng, còn lại tổng đàn gia súc cũng giảm đáng kể. Mặt khác các nguồn cung từ các khu vực lân cận như Hải Dương, Thái Bình đều giảm mạnh đối với cả rau xanh và gia súc, gia cầm.

Theo những tiểu thương có kinh nghiệm, thì nguyên nhân chung nhất cho việc giảm nêu trên vì thời tiết năm nay diễn ra bất thường, nếu như hồi đầu năm khí hậu rất thuận cho chăn nuôi, trồng trọt, thì mấy tháng gần đây có quá nhiều đợt mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến mô hình nuôi trồng tập trung.

Riêng về gia súc gia cầm, theo tính toán thì từ nay đến tết chỉ còn 4 tháng nữa, cũng tương ứng với thời gian một lứa lợn hoặc gà thịt, vì vậy nhiều vùng nuôi dùng tạm dừng để tu sử trang trại, gom giống cho đợt vụ mới.

Tuy nhiên cũng theo các tiểu thương, thì mùa mưa bão năm nay rất khó lường những diễn biến mới, nếu trời tiếp tục mưa thì thị trường rau xanh cũng sẽ gặp khó do nguồn cung cạn kiệt. Còn nuôi thả thủy sản hoặc gia súc gia cầm rất dễ thất thu, thất thoát do nguồn bệnh hoặc tác động ngoại lai.

Mặt khác, đây là thời điểm “nước rút” tiến tới điểm rơi là thị trường dịp tết Nguyên đán, phụ thuộc nhiều vào việc mua sắm của người dân. Nếu việc dự báo không chính xác thì thị trường thực phẩm hiện tại với mức giá đang cao, sẽ gây khó cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm.

Lê Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét