Cùng chị Lan ngồi nghỉ chân trên ghế đá ven hồ Tam Bạc sau khi đi dạo một vòng quanh dải vườn hoa trung tâm, chị Nhung thở dài khi nhìn thấy chữ viết tên, hình vẽ nguệch ngoạc trên thành ghế:
Ảnh minh họa |
- Một số bạn trẻ có thói quen xấu “lưu lại dấu ấn” bằng cách ký tên, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, thể hiện sự thiếu ý thức về văn hóa ứng xử!
Chi Lan tiếp lời:
- Thậm chí có bạn còn dùng bút bi, bút dạ, bút xóa hay vật sắc nhọn vẽ bậy hoặc khắc tên lên cây, mỏm đá, ghế đá, bờ tường, chân tháp, chân tượng… ở một số công trình kiến trúc tôn nghiêm như đình, chùa, tháp và địa danh nổi tiếng của thành phố… Những chữ viết tiếng Việt lẫn tiếng Anh, ký hiệu, hình ảnh nham nhở, loằng ngoằng, chồng chéo lên nhau làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của công trình.
Chị Nhung bức xúc:
- Hành vi viết, vẽ bậy lên di tích, công trình kiến trúc ở những danh lam thắng cảnh không thể coi là sự hồn nhiên hay vô ý thức, mà thực chất là hành vi phá hoại. Để ngăn chặn, rất cần sự nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ di sản. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức công dân, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử phạt những du khách có hành vi xâm hại di tích, danh lam thắng cảnh, những người “bôi nhọ” công trình công cộng…
- Nhiều ban quản lý di tích, danh lam thắng cảnh có phương án lắp đặt camera, tăng cường lực lượng giám sát trực tiếp, cũng như đặt các bảng nội quy ở những vị trí du khách dễ quan sát nhất. Nỗ lực như vậy, nhưng hành vi viết, vẽ bậy vẫn tái diễn và chưa được giải quyết triệt để! Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan chung, bảo vệ công trình kiến trúc cũng như văn hóa ứng xử của giới trẻ, du khách… Thái độ kiên quyết của cộng đồng đối với hành vi xấu đó cũng sẽ là cách hữu ích góp phần bảo tồn vẹn nguyên di sản, cũng như các công trình công cộng.
(Dương Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét