20 tháng 6, 2018

Cảnh giác ngăn chặn thiết bị công nghệ cao lọt vào phòng thi

Kỳ thi THPT quốc gia đang đến rất gần, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đều đã sẵn sàng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này, công tác đảm bảo an toàn, chống gian lận thi cử cho kỳ thi đã được lực lượng công an chủ động lên kế hoạch triển khai từ rất sớm.

Cẩn trọng với các thiết bị gian lận

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Trưởng phòng 4, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83), Bộ Công an cho biết: Trong những năm gần đây, ngành Công an đã phát hiện, đấu tranh và xử lý nhiều trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học, các thiết bị công nghệ ngày càng tinh vi, phổ biến hơn.


Mới đây, Công an Hải Phòng gửi cho Cục An ninh Chính trị nội bộ một số thiết bị để lắp đặt bộ tai nghe, các đầu mic và dây… là các tang vật liên quan đến đường dây cho thí sinh thuê các thiết bị công nghệ để gian lận trong thi cử.

Với những chiếc tai nghe siêu nhỏ và micro được giấu kỹ trong các lớp quần áo, học sinh, sinh viên dễ dàng gọi điện ra ngoài phòng thi, che mắt các giám thị coi thi. Công an TP Hải Phòng tổ chức khám, thu giữ khoảng 300 bộ thiết bị, có thiết bị đã lắp đặt rồi và nhiều thiết bị chưa lắp đặt, được tháo rời. Theo điều tra của công an, từ năm 2018, số tiền thu được từ việc mua bán các thiết bị dùng để gian lận trong thi cử lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo lãnh đạo Cục An ninh Chính trị (A83), trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử ngày càng tinh vi hơn. Đáng chú ý các thiết bị công nghệ dùng để gian lận trong thi cử hiện nay có tính chất, quy mô lớn hơn. Đây trở thành câu chuyện kinh doanh, không còn là tổ chức đơn lẻ như mọi năm. Các đối tượng này tổ chức ở nhiều địa chỉ, cho thuê và bán các thiết bị này.

Ông Nguyễn Chí Thành cho biết, hiện nay, các thiết bị công nghệ để gian lận trong thi cử trên thị trường khá đa dạng, bản thân ngành công an cũng như lực lượng quản lý thị trường không thể biết hết được thiết bị nào sẽ được sử dụng để gian lận trong kỳ thi. Chỉ khi phát hiện ra, mới nhận diện được thiết bị ấy như thế nào.

Khó có thể thống kê có bao nhiêu thiết bị để tập huấn cho GV, giám thị trước kỳ thi thì rất khó. Ví dụ, có nhiều thiết bị tinh vi như kính đeo bình thường, nhưng trên gọng kính lắp một thiết bị thu phát, có thể truyền các thông tin ra bên ngoài dễ dàng. Biết là vậy, nhưng thiết bị đó được sử dụng gian lận trong quá trình thi cử chưa thì chưa có phát hiện nào, bởi chi phí của chiếc kính đó rất đắt. Quan trọng nhất là công tác phòng ngừa.

Cán bộ coi thi phải có “nghiệp vụ”

"Để phát hiện gian lận, giám thị tại các phòng thi đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc tập huấn cho giám thị cách thức phát hiện gian lận thi cử thì việc lựa chọn các giám thị có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao là hết sức cần thiết" - Ông Nguyễn Kim Khôi chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Khôi, Trưởng phòng An ninh Giáo dục và Đào tạo, Cục an ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, qua báo cáo của công an Hải Phòng, Cục An ninh Chính trị A83 (Bộ Công an) đã chuyển tải nội dung này cho Bộ GD&ĐT để phổ biến công tác phòng chống gian lận trong thi cử, cập nhập và quán triệt đến toàn thể các lực lượng tham gia bảo vệ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 về phương thức,thủ đoạn, dấu hiệu gian lận khi sử dụng thiết bị công nghệ trong thi cử, đặc biệt đối với đội ngũ làm công tác giám thị.

Cục An ninh Chính trị nội bộ cũng đã điện cho Công an 63 tỉnh thành phố ngay lập tức tổ chức truy xét, truy tìm các địa chỉ giao bán trên mạng các thiết bị công nghệ này, để phối hợp với ngành GD làm trong sạch trước khi kỳ thi diễn ra.

Theo ông Nguyễn Kim Khôi, công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn trong kỳ thi được xem là nhiệm vụ tối quan trọng. Khi các thiết bị công nghệ phục vụ cho việc gian lận thi cử ngày càng tinh vi thì trách nhiệm, sức ép cho giám thị nói riêng, ngành Giáo dục nói chung sẽ càng lớn vì các hành vi gian lận chủ yếu diễn ra trực tiếp tại phòng thi, nơi mà ngành Giáo dục phụ trách trực tiếp.
(Lê Đăng - báo Giáo dục & Thời đại)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét